Sưu tầm

Sơn trạch Tổn
25/05/2011 10:54



(HNNN) - Nội dung bức tranh tả hai người, một già một trẻ ngồi đàm đạo với nhau, chai rượu của người lớn tuổi nhỏ hơn, chai rượu của người nhỏ tuổi lớn hơn, cũng tức là được phần nhiều hơn.

Người già giảng giải cho người trẻ theo ý xoay vòng tròn theo chu kỳ hoa đến mùa xuân hoa nở, trăng đến rằm trăng tròn. Tổn biểu thị sự tổn giảm, tổn thất một cách có ý nghĩa như phụng dưỡng, phục vụ. Lấy sức lực của mình ban tặng cho người khác, cống hiến cho xã hội dù không hoàn toàn thu lại được lợi ích cho bản thân, thậm chí bị thiệt hại nhưng vẫn cảm thấy vui mừng. Đó là ý thức tự nguyện vứt bỏ ham muốn nhỏ bé vì mục đích lớn hơn, coi mất là được cũng như cống hiến, hy sinh cho người mà mình yêu quý.


View attachment 286
Thuyết văn cũng nói rằng, Tổn là tổn hại, giảm đi, hủy hoại giống như hiện tượng thỏi mực bị mài mòn dần đi, hòa với nước thành mực viết nên đó gọi là tổn. Quẻ này còn ngụ ý nhắc nhở con người ta hưởng thụ nên có chừng mực vì năng lượng và sức sống cũng chỉ như bình dầu đèn, không nên đốt cạn nó vì bất kỳ lý do nào, đó là cách tự hủy hoại mình. Tổn có triệu là tổn kỷ lợi nhân (thả mồi tôm, bắt cá to). Màu sắc của tổn là vàng - tím để truyền tải tinh thần chịu đựng, khổ hạnh tự giác. Phần lớn lòng oán hận sinh ra từ bực tức, lòng ham muốn sinh ra từ vui mừng nên người quân tử đừng bao giờ tỏ ra quá oán hận và ham muốn. Muốn giảm bớt và phòng ngừa phải học cách khống chế bản thân. Con người ta vì dục vọng sinh ra tranh giành, từ tranh giành sinh ra oán hận, từ oán hận sinh ra giận dữ, rồi mất khôn để mọi chuyện bùng phát không lường trước hậu quả. Vậy nên những nguyên tắc của Tổn là:

1. Cần phải biết sử dụng sức mạnh và điều chỉnh thích hợp trong hoàn cảnh cụ thể. Nên lượng sức mà làm, tránh tự vắt kiệt sức bởi nếu cần phải làm tiếp hoặc làm lại thì không còn sức dự trữ nữa. Lão Tử nói: Ta có ba thứ quý phải giữ gìn: Một là lòng nhân từ, hai là tính tiết kiệm, ba là không dám đi trước thiên hạ. Không dám đi trước thiên hạ nên có thể trở thành người có khí chất hơn người. Bởi nhân từ mà cậy sức, bỏ tiết kiệm mà hoang phí, bỏ vị trí mà chạy trước thiên hạ, ấy là con đường đi tới chỗ chết.

2. Đôi khi phải biết ức chế sức mạnh của mình, không nên sử dụng sức mạnh vào những mục đích không chính đáng như áp chế người khác thì bản thân mình sẽ bị cô lập và sụp đổ. Thời Chiến quốc, nước Trịnh nằm giữa hai nước lớn là Tấn và Sở. Một lần, Trịnh Vương đem quân đi đánh nước Thái, thắng trận trở về, cả triều đình ca ngợi tung hô, nhưng con trai của Trịnh Vương là Tử Sản lại phân tích rằng: Nước Trịnh là một nước nhỏ, không tập trung sức lực quản lý, phát triển đất nước lại đem quân đi vô cớ đánh nước nhỏ khác là không có đạo đức. Sau sẽ ít người giúp, có thể gặp họa. Trịnh Vương tức giận, mắng Tử Sản, nhưng đúng là chỉ ít lâu sau, vì sự kiện chèn ép nước Thái nên hai nước Tấn, Sở luân phiên tấn công khiến nước Trịnh không thể yên ổn, bị cô lập mà không ai giúp.

3. Bớt chỗ thừa, bù chỗ thiếu là quy luật bình thường của tự nhiên. Lão Tử cho rằng: Đạo của trời cũng giống như việc giương cung tên. Cao thì hạ xuống, thấp thì nâng lên, thừa thì bớt đi, thiếu thì thêm vào. Đạo của trời là bớt chỗ thừa, thêm chỗ thiếu. Quan điểm thêm bớt ấy vô cùng phong phú với hàng vạn hình thức khác nhau và có những việc tưởng bớt đi chút sĩ diện của mình thì lại được cái lợi khác lớn hơn. Sử chép năm 341 (tr. CN), hai nước Tề - Ngụy giao chiến, quân Tề đại thắng, giết 10 vạn quân Ngụy. Ngụy Vương gọi Huệ Thi đến, bàn cách huy động quân đi trả thù nước Tề, nhưng Huệ Thi không tán thành và phân tích rằng: Đất nước không có điều kiện phòng thủ và tiến công; nay bệ hạ lại muốn đem quân đánh Tề là thiếu nguyên tắc và mưu lược. Bệ hạ hãy chịu nhún đi yết kiến vua Tề, xưng làm bề tôi để chọc tức nước Sở, sau đó phái thuyết khách đi kích động nước Sở đánh Tề, như thế sẽ báo được thù. Quả nhiên về sau chiến tranh nổ ra, Sở đánh bại Tề ở Từ Châu. Trong sử nước ta, sau khi đánh bại gần 30 vạn quân Thanh, vua Quang Trung dùng biện pháp hòa hảo. Ông cho người sang thương lượng trao trả tù binh và triều cống nhưng cũng viết thư yêu cầu Tổng đốc Lưỡng Quảng trả lại đất bảy châu thuộc Hưng Hóa trước kia bị nhà Thanh xâm lấn. Chỉ tiếc là việc đang tiến hành thì nhà vua mất đột ngột nên không có kết quả.

4. Việc thêm bớt sức mạnh của mình nhiều khi chỉ là kế hư thực nhằm nghi binh đánh lừa đối phương. Trong phép dụng binh thì đây là phép hư trương thanh thế. Thời Đông Hán, Ngu Hử làm Thái thú Vũ Đô. Khi nước Chương chiếm Vũ Đô, đánh chặn quân Ngu Hử ở Trần Tang, Hử bèn tung tin đang chờ viện binh kéo tới khiến quân Khương phải vội chia quân đi chặn các ngả đường. Hử nhân cơ hội ra lệnh cho quân rút lui, nhưng tăng số bếp ăn lên gấp đôi khiến quân Khương nghi ngại không dám đuổi theo. Đến Vũ Đô, quân của Ngu Hử chỉ có 3.000 trong khi quân Khương có hơn 1 vạn. Ngu Hử lại lệnh cho binh sĩ dùng loại cung tên bắn ra một lần 20 mũi khiến quân Khương tưởng là viện binh đã đến, bỏ thành chạy ra ngoài. Ngu Hử xông vào chiếm thành rồi ra lệnh cho quân sĩ đi ra cửa Đông, thay quân phục rồi quay lại vào cửa Tây vài lần khiến quân Khương chắc mẩm đã có viện binh đến nên đành lui binh.

5. Thường thói đời hay nói cửa miệng là giảm bớt đi, nhưng là giảm bớt của mình để dành cho mình hoặc thân nhân mình dùng về sau chứ không ai thực sự muốn giảm bớt của mình cho người khác cả. Xét về tính nhân văn thì phải đem của mình giúp người mới là nhân đạo. Nếu chỉ thích lấy của người, tham thì thâm. Thời nhà Tống ở Hàng Châu, có một chủ nhà trọ hay bắt chẹt khách hàng, thu tiền rất cao. Danh họa Đường Bá Hổ muốn dạy cho hắn một bài học nên khi lão chủ đến xin vẽ tranh chân dung, Đường thông báo là tranh chia 2 đẳng cấp: Tranh phúc tướng 20 lạng bạc, tranh bần tướng chỉ 10 đồng. Lão chủ nghĩ ngay cách quỵt tiền nên đặt vẽ tranh 20 lạng với điều kiện nếu vẽ không giống thì phải đền lão 20 lạng. Tranh vẽ xong, tuy giống hệt nhưng lão chủ vẫn khẳng định không giống lão. Đường bắt lão phải đề mấy chữ không giống tôi phía dưới tranh rồi đền cho lão 20 lạng bạc. Lão chủ rất đắc ý. Nhưng Đường Bá Hổ đem bức tranh lên phố huyện, đề là tranh bần tướng và treo lên rao bán. Mọi người đổ xô đến xem, cả gia đình, hàng xóm, họ hàng, bạn bè lão chủ cũng xúm vào bàn tán xôn xao. Lão chủ vừa tức vừa xấu hổ, phải nhờ người đến mua lại bức tranh với giá 50 lạng bạc.

6. Khi đang có quyền thế và của cải, bất luận thế nào cũng cần bớt của mình đi để giúp hoặc làm phúc cho người khác thì mới có ích lợi lâu dài, lấy được tình cảm và sự ủng hộ của nhiều người. Thời Hán - Sở tranh hùng, sau khi Lưu Bang thắng Hạng Vũ, chỉ luận công ban thưởng cho các công thần đã cùng vào sinh ra tử trong 20 năm, còn với những người khác thì lần lữa không quyết. Một hôm thấy nhiều quan lại đang tụ tập bàn tán, Lưu Bang hỏi xem họ đang nói gì thì Trương Lương đáp họ đang âm mưu làm phản. Lưu Bang hoảng hốt hỏi nguyên nhân thì Trương giải thích: Sau khi lên ngôi, bệ hạ thưởng cho các công thần thôi, số còn lại có gộp đất đai cả nước vào cũng không đủ chia. Vậy nên những người này sợ hoặc không được phong đất hoặc sợ bị lôi ra truy tội trước kia đã có lần bại trận nên phải tụ tập lại mưu phản. Lưu Bang đành nhờ Trương Lương nghĩ giúp cho kế sách giải quyết. Trương gợi ý nên chọn ra một kẻ mà Lưu Bang ghét nhất là Ung Xỉ để phong đất rồi công bố cho mọi người cùng biết. Quả nhiên, các quan lại khác vui vẻ tin tưởng sẽ đến lượt mình nên yên tâm chờ đợi, không ai có ý làm phản nữa.
Đ.H.L (Hà Nội Ngày nay số 10 tháng 5/2011)


Hà nội mới.
 
Last edited by a moderator:
Thủy Phong Tỉnh

Thủy phong tỉnh
27/09/2011 15:27



(HNNN) - Muốn trở thành người lãnh tụ có sự nghiệp lớn và bền vững thì cần phải vừa không để mình bị tài năng che lấp, vừa không được ghen ghét với tài năng của người khác.

Hình họa cổ có một vị thần trên trời, tay ôm cuốn cẩm nang tới nghĩa là được trời giúp. Hai người đàn bà ôm nhau chỉ đồng tiền vàng là muốn nói sự hài lòng với những gì vốn có. Một lực sĩ kéo người bị ngã xuống giếng lên có ý nói được người giúp thoát ra khỏi nguy hiểm. Tỉnh là giếng đầy nước trong, hình thái rất bình lặng nhưng sức sống không cạn. Tuy nhiên, cũng phải có biện pháp nạo vét, lấy nước và phân chia nguồn lợi cho mọi người. Cần phải hiểu là giếng không thể di chuyển được, nên phải chấp nhận suy tính trên cơ sở những gì đã có.

View attachment 287

Theo Thuyết văn, Tỉnh có cái lan can bằng gỗ chặn trên miệng giếng nước hình tứ giác hoặc bát giác. Còn chữ Tỉnh trên giáp cốt văn đều có tượng giếng nước và hiểu thêm là cái thùng gỗ thả xuống giếng lấy nước. Triệu quẻ này khô tỉnh sinh tuyền (giếng khô có nước trở lại). Màu sắc quẻ Tỉnh là xanh lơ - xanh lục đượm màu của thiên nhiên, lãng mạn, dịu dàng và mát mẻ. Giếng nước không những mang lại lợi ích cho con người mà còn là nơi tích trữ nguồn sống quan trọng. Phải có cách sử dụng nguồn nước đó để vừa sạch, vừa dùng không cạn. Từ đó suy xét về xã hội, thì việc tích lũy và sử dụng nhân tài rất quan trọng. Lịch sử đã chứng minh, nhân tài xuất hiện là sẽ giúp sự nghiệp vững vàng, thậm chí từ yếu trở thành mạnh, từ không thành có. Vì thế, bàn chuyện Tỉnh ở đây tức là những nguyên tắc hoàn thiện bản thân và sử dụng tài năng để xây dựng
sự nghiệp:

1. Trong cuộc sống, bất kỳ con người và tổ chức nào cần phải không ngừng tự mình đổi mới, nâng cao trình độ, kỹ năng, sức mạnh để thích ứng với khách quan, đáp ứng được đòi hỏi của thực tế luôn phát triển. Không thể khư khư giữ mãi hình ảnh hoặc thành tích sẵn có của mình, bởi vì nước chảy sẽ không cũ, then cửa dùng không mọt, nước để lâu sẽ tù, dao để lâu sẽ gỉ, con người nếu không phù hợp sẽ bị lịch sử đào thải. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn còn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Bởi vậy: Muốn giáo dục nhân dân, làm cho mọi người đều tốt cả thì cán bộ đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hàng ngày. Người xưa còn biết tu thân, mỗi buổi tối kiểm điểm mình và dùng hai lọ đỗ đen, đỗ trắng để ghi việc tốt xấu.

2. Nhân tài thời nào cũng có, chỉ có điều tìm được nhân tài và mời họ ra làm việc, cất nhắc không phải là đơn giản. Xưa Lưu Bị đã ba lần tới lều cỏ để mời Gia Cát Lượng ra làm quân sư. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cũng đã ba lần đưa thư và quà tặng ra mời La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng Sùng Chính Viện, nhờ đó ông chọn xem ai có tài đức tâu lên để vua trọng dụng. Sau khi nước ta giành được độc lập, ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đăng báo Cứu Quốc để kêu gọi ai có tài năng và sáng kiến thì ra giúp cho Chính phủ. Người cũng đã mời các quan lại triều Nguyễn ra giúp sức cho chính quyền mới như cựu hoàng cố vấn Bảo Đại, các vị Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Vũ Đình Hòe... đặc biệt là cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà khoa bảng không ra làm quan mà tham gia sự nghiệp cứu nước bị đày ra Côn Đảo 13 năm. Cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi hai bức điện, rồi mời cụ ra gặp mặt để thuyết phục cụ giúp cho dân, cho nước. Người đã giới thiệu cụ Huỳnh trước Quốc hội làm Bộ trưởng Nội vụ và Hội trưởng Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam. Trước khi lên đường sang Pháp, Người ủy quyền cho cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Quyền Chủ tịch nước với câu nói: Mong cụ dĩ bất biến ứng vạn biến. Và chính quyền cách mạng non trẻ đã vững vàng trước kẻ thù và còn phá được vụ án Ôn Như Hầu nổi tiếng.

3. Người tài phải gặp người lãnh đạo tốt thì mới có thể khai sáng sự nghiệp phát triển tài năng. Như vậy thì vai trò dẫn dắt của người lãnh đạo vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng đến sự thành bại của cá nhân hoặc tập thể nhân tài. Trong lịch sử Trung Quốc, vua Nghiêu là một bậc thánh đế đời nhà Đào Đường, nổi tiếng về trọng dụng hiền tài. Tiếp đến vua Thuấn lên ngôi cũng chọn hiền tài để cùng cai trị. Trong số các quan lại lúc đó có Cao Đào là quản lý tư pháp, ông đã trình lên nhà vua kế an dân làm trung tâm để phát triển đất nước. Muốn an dân thì người lãnh đạo phải có đạo đức, Cao Đào đã nêu chín phẩm chất là: Độ lượng, cẩn trọng, cung kính, ôn hòa nhưng có chủ kiến, khiêm tốn, nghiêm túc, chăm chỉ. Tài năng nhưng không hấp tấp; biết tiếp thu ý kiến của người khác nhưng sáng suốt, quyết đoán, cương trực; hành vi chân chính, thái độ ôn tồn, biết nhìn xa trông rộng, từ những việc nhỏ nhất; cương chính mà không lỗ mãng, dũng cảm, lương thiện. Chính vì nghe theo hiền tài mà vua Nghiêu, vua Thuấn trở thành những bậc thánh minh đế vương được truyền tụng muôn đời sau.

4. Tuy là người có tài năng nhưng cũng cần phải không ngừng bổ sung kiến thức, rèn luyện thực tế, chuẩn bị cả tinh thần và sức lực để sẵn sàng ra đóng góp tài năng xây dựng sự nghiệp chung. Nếu không bền bỉ và không tiếp thu kiến thức thì không thể đột biến bay lên được, như đứa trẻ phải biết lẫy, biết bò, biết đi rồi mới chạy được. Chuyện cổ chép rằng, đầu đời nhà Minh, một thầy giáo làng ở Giang Tô tên là Đào Tông Nghi thường tham gia cày cấy, trồng trọt. Nhưng khi rảnh rỗi, ông thường đem những điều tâm đắc hoặc tai nghe, mắt thấy viết lên những chiếc lá rụng để vào một cái hũ. Khi hũ đầy thì chôn xuống đất. Cứ như vậy qua năm tháng liên tục, ông đã chôn hơn 10 cái hũ. Sau đó ông đào những chiếc hũ lá lên, ghi chép chỉnh lý lại câu chữ ý tứ ghi trên lá và viết thành một tác phẩm nổi tiếng gần 30 cuốn sách.

5. Khi sử dụng tài năng của người nào đó, cần phải biết phân biệt đâu là thực tài, đâu là hư tài. Nếu lẫn lộn tài giả, tài thật sẽ hỏng cả việc chung lẫn việc riêng. Thời Chiến Quốc, Tề Tuyên Vương thích nghe thổi sáo, nhất là hòa tấu sáo nên mỗi lần nghe biểu diễn phải có 300 nhạc sư cùng thổi sáo thì vua mới thỏa hứng. Trong số những nhạc sư biểu diễn thường xuyên, có một người là Nam Quách không hề biết thổi sáo, nhưng nhờ người thân quen tiến cử, không phải qua kiểm tra nên cũng được tham gia vào dàn sáo. Ông ta cũng nâng ống sáo lên, giả bộ thổi say sưa, thực ra không hề phát ra âm nào. Nhưng vì ở trong dàn sáo nên Quách cũng được hưởng mọi đãi ngộ như những người khác, sống no ấm nhiều năm. Khi Tuyên Vương mất, Thái tử lên thay cũng rất thích nghe thổi sáo, nhưng lại chỉ thích nghe độc tấu. Tần vương cho gọi từng người trong dàn nhạc vào biểu diễn. Lúc này, Quách đành chuồn mất, không muốn mất mạng vì sự nhập nhèm tài năng.

6. Muốn trở thành người lãnh tụ có sự nghiệp lớn và bền vững thì cần phải vừa không để mình bị tài năng che lấp, vừa không được ghen ghét với tài năng của người khác. Cần phải khuyến khích, tạo điều kiện cho tài năng phát triển để vừa làm phúc, vừa làm thiện. Nếu chỉ muốn duy ngã độc tôn, diệt hết người tài thì chính mình cũng sẽ bị người tài giỏi hơn tiêu diệt. Thời Chiến Quốc, Tôn Tẫn và Bàng Quyên đều là hai học trò giỏi của danh sư Quỷ Cốc Tử. Vì sốt ruột thành danh nên Bàng hạ sơn tới nước Ngụy, được phong làm quân sư, nổi danh và đã thắng nhiều trận. Nhưng Bàng vẫn lo ngại Tôn vì ông này ở lại học thêm ba năm nữa, được thầy truyền cho Binh pháp gia truyền. Thế là Bàng dùng mưu giục Ngụy vương mời Tôn Tẫn về giúp vua. Sau đó y giả mạo chữ của Tôn viết thư cho nước Tề, rồi khép Tôn Tẫn vào tội chết. Ngụy vương muốn chém đầu nhưng Bàng giả vờ nhân đạo cứu bạn, xin cho chặt chân Tôn để đưa về chăm sóc, bày cách rút ruột hết Binh thư của Tôn rồi mới giết. Khi biết mưu mô của Bàng, Tôn Tẫn giả điên thoát khỏi nước Ngụy sang nước Tề làm quân sư. Cuối cùng gặp lại Bàng trên chiến trường tại Mã Lăng, Tôn đã đánh bại quân Ngụy, tiêu diệt Bàng Quyên.

Đ.H.L (Hà Nội Ngày nay số 18 tháng 9/2011)
 
Trạch Hỏa Cách

Trạch Hoả Cách

Soán từ

Cách, dĩ, nhật, nãi phu, nguyên hanh, lỵ trinh, hối vong.

(lời giảng của nhà chí sĩ yêu nước SÀO NAM-PHAN BỘI CHÂU)

Cách chỉ, nghĩa là đổi cũ, hễ việc gì đã cũ, giống gì đã cũ, tất phải CÁCH, vì có 2 cớ :

- một là : theo về lịch sử, cái gì đã lâu ngày tất có tích tệ , tích tệ lâu ngày mà không đổi, thời tệ bệnh không thể nào trừ. Vậy nên phải CÁCH.

- một là : theo về hoàn cảnh, hoàn cảnh ở hiện tại, đã khác hẳn với hoàn cảnh ngày xưa, muốn cho thích hợp với hoàn cảnh hiện tại, tất phải đón rước trào lưu mới lạ; mà đã muốn đón rước trào lưu mới lạ, tấy nhiên cái cũ hủ phải bỏ đi . Vì hai cớ như trên, nên trong việc đời, không bao giờ khỏi CÁCH.

Vì vậy mà trong dịch phải có quẻ CÁCH.

CÁCH, cũng là một việc rất tầm thường. Tỷ như : áo đã rách tất phải may cái áo mới, nhà đã cũ (*) tất phải dựng nhà mới. Chỉ nói qua như thế, vẫn chẳng lạ lùng gì, nhưng bàn đến sự thực thời há dễ đâu, chỉ CÁCH ở một thân, một gia, mà còn không cẩu thả làm nên, huống chi CÁCH đến một quốc gia, một xã hội, thời gay go khốn nạn biết đến dường nào.

Bời vì, bao nhiêu việc cũ, thời tập quán đã sẵn, mà bỗng chốc thay đổi, thời nhân tình kinh nghi. Vả lại, nền tảng mới chưa đắp xong, mà thốt nhiên đánh đổ nền tảng cũ, thời nhân tình khủng cụ . Huống gì việc CÁCH đó há phải một mình mà làm xong ! Tất nhiên phải cầu trợ với đại đa số nhân, mà khốn nạn thay ! Nhân tình chỉ là quen thường thủ cựu, mà ít người thông hiểu; Thường nhân chỉ vui khi nên việc (việc đã xong), mà khó tin lúc bắt đầu.

(hết lời dẫn)
----------------------------------------

(*) đã dột nát, mục rữa, dột từ trên nóc dột xuống.

Chẳng nệ cổ mà bài tân, nhưng cũng chẳng phải để cho ánh hào quang phồn vinh giả tạo làm che mờ các giá trị truyền thống mà cha ông gầy công xương máu, vun trồng, bồi đắp để lại cho chúng ta hôm nay. Ôn cổ để tri tân!



Trạch hỏa cách
13/10/2011 06:34



(HNNN) - Thực chất cải cách cũng là hành động thay đổi khác bình thường. Vì thế, cần phải nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ cả về lý thuyết lẫn lực lượng, nếu không chỉ tạo nên một cuộc gây rối loạn mà thôi.

8.jpg
Hình vẽ có một con hổ đang rình mồi bên khe núi, nếu đi sai đường sẽ bị nguy hiểm. Một người đẩy xe xuống dốc là sự dịch chuyển tất yếu, thay đổi vị trí nhanh chóng. Một người cầm ký hiệu hướng dẫn chỉ đường cho xe đi đường chính, tránh sa xuống vực. Cách tức là cải cách, thay đổi, là quá trình cải tiến cái cũ, sáng tạo cái mới như cách tân, cách mạng. Đây là đạo giải quyết các mâu thuẫn kiềm chế nhau. Tuy sẽ gặp rắc rối, hỗn loạn nhưng cần giữ vững mục đích, chính nghĩa vì đây là sự biến cách, mang giá trị tích cực.

Theo Thuyết văn, Cách là bộ da thú đựơc cạo lông, trong Kim văn là loại trừ, cải biến, rèn trong lửa để loại bỏ tạp chất. Đó là ngụ ý thép tốt nhờ sự luyện rèn mà thành. Anh hùng nhờ sự gian khó mà nên. Sử ký Tư Mã Thiên có chép: “Văn Vương bị giam nên diễn giải Chu Dịch, Trọng Ni gặp nạn làm kinh Xuân Thu; Khuất Nguyên bị đuổi nên ngâm Li Tao, Tả Khâu bị mù nên có Quốc Ngữ; Tôn Tẫn bị chặt chân mà viết Binh pháp... Triệu của quẻ này là hạn miêu đắc vũ (hạn lâu được mưa rào). Màu sắc của Cách là tím - đỏ tạo ra động lực lớn, vận động và xoay chuyển. Cải cách là hy vọng to lớn của các thế hệ nho giáo thời xưa. Nó tạo ra sự thay đổi cơ bản đối với xã hội và đời sống con người vì đổi mới để phát triển, đổi mới để hoàn thiện hơn. Trong quá trình cải cách
cần biết:

1. Dù đánh giá dưới góc độ nào, thực chất cải cách cũng là hành động thay đổi khác bình thường. Vì thế, cần phải nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ cả về lý thuyết lẫn lực lượng, nếu không chỉ tạo nên một cuộc gây rối loạn mà thôi. Sử chép, sau 257 năm tồn tại, thời Chiến quốc, đến khi Tần Hiếu Công phá được thế kiềm giữ để vươn lên xưng bá, đó là công rất lớn của Thương Ưởng. Lúc đầu chạy từ nước Vệ sang Tần, lần đầu gặp mặt Ưởng để bàn về Đế đạo mà Hiếu Công chỉ ngáp dài. Lần hai nói về Vương đạo thì Hiếu Công tuy hứng thú nhưng không muốn áp dụng. Lần ba nói về bá đạo thì Hiếu Công thực sự quan tâm. Sau đó, Hiếu Công cho tổ chức tranh luận về cải cách đất nước với các đại thần khác rồi mới tiến hành làm biến pháp tổ chức làng xã, đóng thuế, phân đất, phong tước vị, luật hình pháp. Để cho mọi người tin theo biến pháp, Thương Ưởng cho dựng một cái cọc cao ba trượng ở cửa Nam thành và tuyên bố ai chuyển được sang cửa Bắc sẽ được thưởng 50 cân vàng, quả nhiên sau có người chuyển được, lĩnh thưởng. Từ đó, Thương Ưởng mới phổ biến cải cách tư pháp. Sau 10 năm thực hiện, nước Tần no đủ, dân chúng an cư lạc nghiệp, trị an rất tốt, thanh niên hăng hái đăng lính. Đó chính là cơ sở nền tảng để về sau Tần thống nhất Trung Hoa.

2. Hành động hay kế hoạch cải cách phải phục vụ cho mục đích và lợi ích chung của số đông thì mới tập hợp được lực lượng và sự ủng hộ của dân chúng, nếu không sẽ thất bại. Thời Xuân Thu, công tử Bào nước Tống mưu đoạt ngôi vua nên ông đã đem toàn bộ của cải phát cho dân chúng. Ông còn quy định người già trên 70 tuổi hàng tháng được phát một tấm vải bông. Người nào có tài nghệ đều được thu nạp để sắp xếp công ăn việc làm. Năm mất mùa đói kém, ông lấy thóc gạo trong kho cứu tế dân nghèo. Mẹ ông cũng dùng của cải riêng để giúp đỡ nhân dân, vì thế dân chúng ai cũng muốn ông lên làm vua để mọi người được no ấm. Nhân cơ hội Tống Chiêu Công đi săn bắn xa, công tử Bào thoái ngôi vua. Vua nước Tần lúc đó đang đứng đầu chư hầu đã bất bình đem liên quân năm nước sang đánh Tống nhưng khi thấy dân chúng hết lòng ủng hộ ông nên đành phải công nhận ông là vua chính thức của nước Tống.

3. Kế hoạch tiến hành cải cách bao gồm các yếu tố quan trọng như sau:

- Người lãnh đạo phải có ý chí kiên cường, có kinh nghiệm sống phong phú thích ứng với vai trò lịch sử, giành được uy tín cao.

- Cần lựa chọn thời điểm và điều kiện thích hợp.

- Chuẩn bị đầy đủ lực lượng và vật chất để tiến hành cải cách.

Năm 1945, cuộc cách mạng Tháng Tám ở nước ta đã nổ ra và thắng lợi hoàn toàn. Nhờ uy tín lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, chúng ta đã tổ chức lực lượng rộng khắp, bao gồm các tầng lớp nhân dân công nông binh trí thức nhất tề đứng lên theo lời hiệu triệu của Việt Minh. Khi Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh, Việt Minh đã kêu gọi nhân dân giành thời cơ cướp kho thóc và tiến hành khởi nghĩa toàn quốc chỉ trong hơn 10 ngày.

4. Muốn tiến hành thay đổi, cải biến phải có chỗ dựa về tinh thần và lực lượng. Nếu không có thực quyền và thực lực thì khó thể thành công. Đó là chưa nói đến năng lực của người đứng đầu. Năm 1643, khi Thành Thái Tông bị bệnh qua đời chưa kịp xác định người nối ngôi, nên gây ra cuộc tranh đấu trong nội bộ gay gắt, một bên là Đa Nhĩ Cổn, một bên là con trưởng của Thái Tông là Hào Cách. Các đại thần chia phe phái không ai chịu ai, người ủng hộ Cổn lên làm vua, người ủng hộ Cách lên ngôi. Trước tình thế đó, Nhĩ Cổn tán thành ý kiến của Hiếu Trang hoàng hậu lập Phúc Lâm con thứ 9 của Thái Tông lên làm Hoàng đế lúc đó mới có 6 tuổi, để ông ta phò chính. Như vậy là, trên thực tế ông ta vẫn nắm quyền đế vương, các vấn đề trọng đại của triều đình đều do Nhĩ Cổn quyết hết. Tháng 6 năm 1644, Đa Nhĩ Cổn tuyên bố xây dựng Kinh đô ở Bắc Kinh để mưu đồ tiến chiếm toàn quốc vì: Yếu kinh chính là vùng đất quý báu, hà cớ gì lại không xây dựng Kinh đô? Quả nhiên sau đó, Đa Nhĩ Cổn đã thống nhất được toàn quốc. Như vậy, sự cải biến của ông ta thành công, điều duy nhất chưa thực hiện được là chưa chính danh hoàng đế mà thôi.

5. Những nhân vật đứng đầu được lựa chọn trong các cuộc biến cách cần phải hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa và có tài năng cống hiến thực sự mới tập hợp được ủng hộ triệt để của tầng lớp lãnh đạo và xã hội. Đại Việt sử ký toàn thư chép, sau khi vua Lê Ngọa Triều chết, quan chi hậu Đào Cam Mộc và quốc sư Vạn Hạnh đã bàn nhau đưa tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Họ nói với Công Uẩn rằng: Ông là người công minh dung thứ, khoan hồng nhân từ, thu phục được lòng người. Hiện nay trăm họ khốn khổ, dân không chịu nổi, ông nhân thế lấy nhân đức mà vỗ về, thì người ta sẽ tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp, ai có thể ngăn lại được. Rồi họp các quan trong triều lại, Cam Mộc nói rằng: Hiện nay dân chúng khác lòng, trên dưới lìa ý, mọi người chán ghét tiên đế hà khắc, bạo ngược, đều có lòng suy tôn quan Thân vệ. Bọn ta không nhân lúc này cùng nhau tôn phù thân vệ làm thiên tử, nếu xảy ra tai biến, chúng ta có thể giữ được đầu không? Rồi tất cả cùng nhau dìu Công Uẩn lên chính điện, lập làm thiên tử lên ngôi. Trăm quan đều lạy rạp ở dưới sân, trong ngoài hô vạn tuế vang dậy cả trong triều. Đại xá cho thiên hạ, lấy năm sau làm niên hiệu Thuận Thiên (theo ý trời) năm thứ nhất. Rồi mùa thu, tháng bảy năm 1010, vua rời đô từ Hoa Lư sang Đại La, đổi thành Thăng Long...

6. Cuộc cách mạng thành công chỉ là bước đầu vì giành dễ, giữ khó. Vì vậy nếu thỏa hiệp, tự mãn thì thành quả sẽ mau chóng sụp đổ. Tháng 10 năm 1911, cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc bắt đầu bằng khởi nghĩa Vũ Xương (Hồ Bắc). Tổ chức Đồng Minh Hội của Tôn Trung Sơn đã lãnh đạo khởi nghĩa toàn quốc thắng lợi, quân Mãn Thanh đầu hàng. Tháng 12-1911, Quốc dân đại hội bầu Tôn Trung Sơn làm Tổng thống. Nhưng sau đó, một số phần tử lãnh đạo của Đồng minh hội vốn là quan lại, địa chủ đã tìm cách phá sự phát triển của cuộc cách mạng và thỏa hiệp với phong kiến, lại thêm các nước đế quốc gây sức ép khiến Tôn Trung Sơn buộc phải từ chức. Một đại thần của triều đình phong kiến là Viên Thế Khải lên làm Tổng thống. Cuộc cách mạng coi như chấm dứt, các thế lực phong kiến quay lại nắm quyền. Nguyên nhân thất bại của cuộc cách mạng chính là không có đường lối rõ rệt, Chính phủ lâm thời yếu ớt, gồm nhiều phe phái chính trị, tự gây mâu thuẫn nội bộ bằng khẩu hiệu lập Dân quốc - đuổi Mãn Thanh, chia ruộng đất cho dân cày, mà ruộng đất chủ yếu lại nằm trong tay của những người lãnh đạo cách mạng?

Đ.H.L (Hà Nội Ngày nay số 19 tháng 10/2011)
 
Last edited by a moderator:
Bên trên