Biết Sống Một Mình.

HÀNH GIẢN

Tư vấn viên
Đêm qua dọn dẹp đồ đạc, sắp xếp mọi thứ cho ngăn nắp để cuối tuần bạn bè đến chơi. Làm việc mệt, lấy đàn ra dạo vài bản cho thư giãn, đang đánh say mê thì dây Sol buông bỗng đứt.....

Sáng ngày vừa ngủ dậy bỗng nghe tin một người bà con xa vừa qua đời. Người này đã lâu không có dịp gặp. Lòng chợt chùng xuống. Thấy đời vô vị .......

Than ôi, cái kiếp phù sinh ngắn ngủi, mong manh như dây đàn. Chợt nhớ đến bài thi kệ cảm hứng của Đức Thế Tôn.

Đừng tưởng nhớ quá khứ,


Đừng lo lắng tương lai.


Quá khứ đã không còn,


Tương lai thì chưa tới.


Hãy quán chiếu sự sống


Trong giờ phút hiện tại.


Kẻ thức giả an trú,


Vững chãi và thảnh thơi.


Hãy tinh tiến hôm nay,


Kẻo ngày mai không kịp;


Cái chết đến bất ngờ,


Không thể nào mặc cả.


Người nào biết an trú


Đêm ngày trong chánh niệm,


Thì Như Lai gọi là:


Người biết sống một mình.


Đã hai mươi lăm thế kỷ trôi qua, giờ đây lời Ngài văng vẳng trong tâm làm tôi có cảm giác như đang ngồi giữa hội chúng lắng nghe tiếng gầm của chúa sư tử. Một bài học ngàn vàng thì bao giờ cũng quý giá dù cho ở bất cứ nơi đâu hay ở vào thời gian nào.

Mỗi một cái chết đến mà tôi có dịp biết, có dịp tiếp xúc dường như đang thức tỉnh tôi hãy mau mau tinh tấn, hãy mau mau tỉnh giác hơn nữa giữa cuộc đời vô thường, giả tạm này.....

Cái chết đến bất ngờ

Không thể nào mặc cả.


Namo Buddhaya ! Con đảnh lễ Đấng Đại Trí ấy !
 

Lạc Xa

Vô Thường
Nghiên Cứu Phật Học - Phật Học Căn Bản
Viết bởi Pháp Đăng
b01e4a702ca5cce31b5e7cf67af6ff84.jpg%26size%3Darticle_medium

Sự thật mầu nhiệm thứ hai là những nguyên nhân đưa tới khổ đau (tập đế). ‘Tập’ nghĩa là tụ tập, tập thành, tập hợp lại nhiều điều kiện một cách đầy đủ thì nỗi khổ kia mới biểu hiện ra. Không phải chỉ có nỗi khổ mà tất cả mọi hiện tượng đều không thể nào do một nguyên nhân tạo thành.
Ở xóm Bạch Vân có một cây hoa ngọc lan thường trổ nụ vào giữa mùa Đông, vì trời lạnh quá nên những chiếc nụ kia mặc cho mình mấy lớp vỏ rất chắc, mỗi lớp vỏ đều có tua tủa những sợi lông. Các nụ hoa cứ nằm yên như thế cho đến khi nắng thật ấm, tuyết tan hết thì chúng nở ra hàng ngàn bông hoa trắng xóa. Chỉ cần thiếu một điều kiện thôi như trời quá lạnh thì bông hoa vẫn chưa có thể biểu hiện ra được. Như thế, Đấng sáng tạo (Creator) không thể nào tồn tại biệt lập và cũng không có khả năng sáng tạo bất cứ hiện tượng gì trong sự sống, cho nên Bụt tuyên bố: ‘Các pháp do duyên sinh, các pháp do duyên diệt’.
Bây giờ, ta hãy khám phá những nguyên do nào tạo ra khổ đau. Bụt dạy: “Này các vị sa môn, đây là sự thật thứ hai: nguyên nhân của khổ đau. Vì u mê, vì không thấy và không hiểu được sự thật về bản thân và cuộc đời cho nên con người bị những ngọn lửa của tham đắm, giận hờn, ghen tức, sầu não, lo lắng, sợ hãi và thất vọng đêm ngày đốt cháy và hành hạ”.
Thế là, nguồn gốc chính của khổ đau là vô minh, không thấy, không hiểu được “sự thật” nên mới sinh ra chất liệu tham đắm, giận hờn, ghen tức, sầu não, lo lắng, sợ hãi và thất vọng. Tuy nhiên, ta có thể quán chiếu và khám phá cho tường tận những nguyên nhân xa gần, nguyên nhân chính phụ một cách đầy đủ làm giàu thêm cho Bụt về giáo lý tập đế, bởi vì khổ đau nào cũng có nguồn gốc xác thật của nó.
Nguyên nhân thứ nhất là vô minh, tức là không có ánh sáng, không có sự hiểu biết, có lúc nó còn được gọi là ngu si và đam mê. Có hai con chó nhà hàng xóm thường ưa đùa giỡn với nhau rất vui vẻ, nhưng mỗi khi ăn một khúc xương thì chúng giành giựt thật dữ tợn. Một hôm, chủ nhà quăng cho hai con chó một khúc xương giả làm bằng chất nhựa mà chúng đâu có biết. Vậy nên, hai con chó tranh giành lẫn nhau, cắn xé nhau đến chảy cả máu mồm, rách cả mặt. Khi giựt được khúc xương giả tạo ấy, con chó đen ra sức gặm, cắn, nhai và nuốt nước miếng ừng ực. Con chó kia không biết rằng nước miếng ngọt ấy không phải từ thịt của khúc xương mà từ sự thèm khát của nó tiết ra thành nước miếng.
Trong kinh Bảo Tích, Bụt cũng kể một câu chuyện khác về sự mê muội này: “Con chó nọ bị bác nông dân ném cục đất trúng ngay vào thân thể của nó; con chó đau điếng rung cả mình lên nên quay lại sủa ầm ỉ và cắn xé vào cục đất. Bụt bảo: con chó không biết cục đất kia không phải nguyên nhân đích thực gây ra sự đau đớn cho nó, mà do bác nông dân ném cục đất. Cũng vậy, này các vị sa môn, hình sắc không phải nguyên nhân tạo ra sự đam mê và ham muốn mà do hạt giống si mê, ái nhiễm và tham đắm thúc dục biến thành năng lượng thất điên bát đảo trong ta.”
Anh Tân trở về Việt Nam lần đầu tiên sau hai mươi lăm năm xa cách quê hương. Anh tiếp xúc được với biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu và cảm nhận được tình cảm đậm đà của bà con hàng xóm. Với niềm thương ấy, anh làm quen với chị Tuyết, vốn là người cùng làng. Anh chị hẹn hò, tâm tình và thương yêu nhau thật mau chóng. Anh Tân tin rằng mình đã tìm ra người yêu chung thủy, và tình yêu nóng bỏng này đem lại cho anh nhiều hạnh phúc. Hai người liền đính hôn với nhau và trong vòng mấy tháng anh làm giấy bảo lãnh đưa chị Tuyết qua Mỹ. Hai người sống với nhau chưa tới hai năm thì một hôm nọ, chị Tuyết bỏ nhà ra đi để lại lá thư xin lỗi.
“Anh Tân thương mến! Tuyết thật sự không yêu anh như anh tưởng. Chỉ vì muốn được qua Mỹ để có cơ hội đi học làm nên sự nghiệp và kiếm được nhiều tiền giúp đỡ cho gia đình nên em mới giả vờ yêu anh tha thiết. Mong anh tha thứ cho!”
Do không thấy rõ sự thật nên anh Tân lỡ trao hết trái tim và tình yêu cho chị Tuyết, bởi thế sau khi chị Tuyết ra đi, anh Tân đau khổ da diết. Anh trở thành con người hung dữ, chua chát, đầy bất mãn. Anh thù ghét tất cả các cô gái người Việt. Nỗi khổ ấy do không có trí tuệ, không hiểu, không thấy rõ sự thật tạo ra tình yêu bất hạnh. Anh không hiểu tình hình nghèo khổ ở quê nhà, không biết phong trào ‘tình yêu giả’ và ‘đám cưới vờ’ của một số người trẻ, vì họ chỉ muốn đi nước ngoài. Cô Tuyết là một người trong phong trào ấy, và anh Tân là nạn nhân của tình yêu giả dối đưa tới khổ đau, buồn giận.
Nỗi khổ nào cũng có nguyên nhân của nó. Đau bụng có thể do vi khuẩn trong thức ăn nên đường ruột bị sình hơi, tiêu chảy hoặc căng ruột. Đau răng bởi thức ăn dính vào kẽ răng lâu ngày nên nướu răng bị nhiễm độc làm sưng hàm răng. Mất ngủ do lo lắng quá độ. Tai nạn xe cộ tạo ra sự chết chóc và tật nguyền do sự say sưa, lái xe liều lĩnh… Mỗi khi nhận diện rõ ràng mặt mũi khổ đau thì tất nhiên ta cũng từ từ khám phá được những nguồn gốc của nó. Nhờ thế, ta có thể ngăn ngừa hoặc chấm dứt chúng để đừng đưa tới đau khổ không cần thiết. Nếu nguyên nhân không dính líu gì tới khổ đau, không giải quyết được khổ đau đang xảy ra thì đó không phải là tập đế. Bởi không thấy rõ nguồn gốc của khổ đau, cứ chạy loanh quanh ra ngoài mà tìm nguyên nhân đâu đâu thì rốt cùng ta thường hay đổ lỗi, buộc tội và trách móc. Do đó, ta không thể nào chuyển hóa tình trạng đau khổ thật sự.
Nguyên nhân thứ hai là ‘bất tri’ tức là không thấy hoặc không biết. Có những khổ đau mà không thấy được mặt mũi của chúng thì đó là nguyên nhân làm cho ta khổ. Giận mà không biết là đang giận, cứ nổi nóng lên rồi la mắng, chửi bới, nguyền rủa mọi người vì ta không thấy nguồn gốc của nó là tính tự ái trong ta quá lớn; hễ ai nói gì, làm gì thì ta liền nổi giận. Giống như người say rượu, bước đi nghiêng ngã, vậy mà cứ nói: “Tui đâu có say, người nào dám nói tui say…” Đó gọi là bất tri, tức là không thấy, không biết sự thật.
Khi giận biết đang giận nên ta không nói năng vụng dại hoặc hành động có thể tạo thêm đổ vỡ. Đó là người có trí tuệ. Ta trở về với hơi thở ý thức để phòng hộ năng lượng giận hờn, nhờ thế ta tìm ra được cơn giận đã có sẵn trong tâm phát xuất từ sự tự ái, hờn dỗi, trách móc, cố chấp. Thấy như vậy là đi đúng con đường của tứ diệu đế. Nguyên nhân kia trở thành cao quí và mầu nhiệm. Tại sao thế? Bởi vì nó có công năng chuyển hóa giận hờn thành tha thứ, bao dung. Bụt nói lên sự thật về khổ đau không có nghĩa là tất cả những gì trong cuộc đời đều đau khổ. Cơn lửa hận thù đang đốt cháy chúng sinh là sự thật về khổ đau, nhưng khi nhận diện và thấy được nguyên nhân đích thật tạo thành ngọn lửa thì nó chuyển hóa từ từ. Đó gọi là diệt đế. Hết giận là tha thứ, an ổn và thanh lương. Đó không phải là hạnh phúc còn là gì nữa? Diệt là năng lượng, là cái thấy, là ánh sáng có công năng chấm dứt những nguyên nhân gây ra khổ đau, đem lại an lạc, giải thoát. Đi thiền hành ngoài trời vào mùa Đông buốt giá ở miền Nam nước Pháp, tay chân lạnh cóng đến đau nhức, nhưng khi vào được trong thiền đường, được hơ hai bàn tay trên lò sưởi, ta cảm thấy dễ chịu, ấm áp vô cùng. Mỗi khi đói bụng được ăn một bát cơm nóng, ta cảm thấy no ấm đến sung sướng. Bởi vậy, khổ đau có thể làm ra an lạc; tuyệt vọng có thể trở thành hy vọng; nghi ngờ có thể làm ra tin yêu; hận thù có thể trở thành hòa bình… Cho nên ta phải tìm hạnh phúc ngay ở trong lòng của khổ đau.
“Không thấy, không hiểu sự thật về bản thân và cuộc đời cho nên con người mới bị những ngọn lửa của tham đắm, giận hờn, ghen tức, sầu não, lo lắng, sợ hãi, thất vọng thêu đốt và hành hạ.” Bản thân là năm uẩn. Cuộc đời có liên hệ mật thiết tới năm uẩn, nghĩa là tất cả mọi hiện tượng trong đó có mẹ, cha, gia đình, học đường, thế gian… đều thuộc về năm uẩn. Vì vậy, năm uẩn không phải là một thực tại riêng biệt, cứng ngắt đâu nhé! Không hiểu cha nên ta mới giận cha, không thấy những nhọc nhằn, lo âu, sợ hãi của mẹ nên ta mới nổi nóng với mẹ. Thấy bạn học giỏi nên ta đâm ra ganh tỵ, ghét bỏ rồi nói xấu bạn, thay vì gần gũi, học hỏi với bạn để ta cũng trở thành học sinh giỏi như người kia.
Cũng vậy, ta có mặc cảm là người không ra gì, không có tài năng, không lanh lẹ, không thông minh, nói năng không lưu loát cho nên ta cảm thấy chán nản, buồn rầu và thất vọng. Đó là những khối khổ đau do không hiểu về bản thân. Trong khi đó, ta chưa từng có cơ hội đào sâu vào con người chân thật của ta. Vậy, ta phải cố gắng vương lên, tạo thành ý chí học hỏi, tìm tòi, khám phá bởi cha mẹ, ông bà và tổ tiên đã trao cho ta một kho tàng vô giá, chứa đựng tất cả tinh ba của sự sống. Ta có đầy đủ tài năng, nghệ thuật và sự thông minh như bao nhiêu người khác. Ta có năng khiếu rung cảm, có thể suy tư, tưởng tượng, phân tích, làm thơ, viết văn, thương yêu, hiểu biết… Vì mặc cảm tự ty, tự phụ nên ta không chịu học hỏi thêm kiến thức, trao dồi kinh nghiệm, vì vậy kho tàng châu báu kia chưa được khai mở mà thôi.
Bên cạnh đó, con người đang chịu vô lượng khổ đau, vì mỗi người không tự biết họ cùng chung một cội nguồn thể tính với tất cả mọi người và mọi loài khác. Từ vô minh, ta chia thành từng bản ngã riêng biệt, nguồn gốc của chia rẽ, sợ hãi và tranh chấp, do đó ta trở nên tham lam, giận hờn, nghi ngờ, giành giựt lẫn nhau. Đó là nguyên nhân tạo ra bao nhiêu niềm đau thống khổ, làm rối loạn tâm linh sáng chói tự bao đời. Nếu biết thực tập an tâm trở lại, ngồi cho yên, đi cho vững, nhìn cho sâu vào sự sống bản thân và cuộc đời thì ta có thể đạt tới sự hiểu biết rằng: chúng ta cùng một thể, người nào cũng cần được hiểu biết và chấp nhận, người nào cũng có một kho tàng châu báu. Tóm lại, chỉ có trí tuệ mới đủ sức chuyển hóa được mọi phiền muộn, khổ đau và chia cách, từ đó trái tim ta tuôn lên được dòng suối mát mẻ của thương yêu.
Ta mới nêu ra một vài nguyên nhân nhưng chúng là những nguyên nhân căn bản. Tuy nhiên, nỗi khổ nào cũng có nhiều nguyên nhân đầy đủ, chính nỗi khổ cũng rất đa dạng, có những khổ đau gây ra bởi thời tiết bất thường như quá nóng quá lạnh, có những bệnh tật do vi trùng, vi khuẩn đưa tới, có những nỗi khổ do thiếu ăn, thiếu mặc, tai nạn xe hơi. Có những đau nhức nằm trong thân thể, có những niềm đau thuộc về liên hệ tình cảm, có những khổ đau biểu hiện ra từ cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức.
Thế là, thân thể cần phải quán chiếu và học hỏi để hiểu rõ sự vận hành, hoạt động của nó. Nhờ vậy, ta mới tìm ra những nguyên nhân đưa tới đau nhức, bệnh tật trong cơ thể để ngăn ngừa và điều trị. Vì ăn món đó nên ta đau bụng. Vì uống rượu nên ta say sưa, mất tự chủ. Vì nghe những lời đàm tiếu nên ta cảm thấy chán nản, tuyệt vọng. Vì xem những chương trình truyền hình bạo động, thèm khát nên ta cảm thấy bất an… Đối với tâm tư, cảm thọ, tri giác, ta cũng thực tập khám phá tường tận những nguyên đích xác như trên. Đó gọi là tập đế.


p/s: nếu chúng ta không sợ đau, sẽ không sợ một mình :)
 

Lạc Xa

Vô Thường
[h=1]Khổ đau[/h]

khodau.gif
Đoạn trường ai cũng qua
Không cần một nền triết học cao siêu hay trí tuệ của một tôn giáo uy tín, ai cũng có thể tự cảm nhận về khổ đau như một sự thật luôn hiện hữu trong thế gian này. Đến nỗi người ta còn thốt lên rằng đời người có khác gì một bản trường ca thống khổ đầy nước mắt.
Nhớ những lần nằm liệt trên giường bệnh, ăn uống hay ngủ nghỉ đều khó khăn, cộng với sự đau nhức ở bộ phận nào đó trên cơ thể làm ta rã rời và vô cùng mệt mỏi. Với những chứng bệnh không quá nặng và có cách điều trị tốt thì cơ hội bình phục sẽ xảy ra nhanh, trong khi những kẻ xấu số phải đón nhận chứng bệnh nan y nguy kịch, hay những người già phải sống chung với những căn bệnh dai dẳng đến cuối đời thì mới thật chua xót.
Ngay cái già nua cũng đã đem tới nhiều khổ lụy. Mỗi ngày nhìn thấy tuổi thanh xuân của mình phóng đi vội vã, nhường chỗ cho những gì thuộc về úa tàn, lụn bại, ai mà chẳng nao lòng luyến tiếc. Càng cố gắng làm thêm nhiều việc để người trẻ đừng coi thường thì ta càng bộc lộ sự xuống cấp của mình. Tuổi già rất dễ quên trước quên sau, có khi muốn gọi ngay tên một người để chứng tỏ mình vẫn chưa quên người ấy, nhưng lục lọi cả giờ trong ký ức mà ta chẳng tài nào nhớ nỗi. Những lúc ấy thật đáng giận.
Và rồi sự thật là ai cũng phải già, ai cũng phải bệnh và ai cũng phải chết. Có thể nói tử biệt là nỗi đau thống thiết nhất của nhân sinh. Cái khổ phải độc hành với con đường mịt mờ phía trước cũng chưa bằng cái khổ phải bỏ lại những người thương yêu. Có nhiều cuộc phân kỳ không dự báo trước do biến cố bất ngờ xảy ra, khiến không ai kịp nhìn thấy mặt nhau để nói lời từ biệt mới thật sự là đoạn trường thương đau.
Đoạn trường có nghĩa là đứt ruột. Cái đau của sự chia lìa giữa hai con người thương yêu nhau có khác gì cái đau của khúc ruột bị cắt đứt làm đôi. Có lẽ vì thế mà người ta sắp sau nỗi khổ tử biệt chính là niềm sầu sinh ly. Thương nhau mà không được sống bên nhau, kẻ chân trời người góc bể, cũng là một khối sầu quá lớn.
Người ta đã viết không biết bao nhiêu bài thơ hay những bản tình ca đẫm lệ để ta thán cho cái niềm đau này. Thậm chí có người chỉ cần được sống bên người mình thương thêm một lần, một ngày hay vài phút giây ngắn ngủi để rồi xa nhau mãi mãi thì cũng mãn nguyện, vì với họ sự sống biệt ly đã là một sự chết rồi.
Nếu biệt ly đem tới cái đau day dứt cho những người thương yêu nhau thì hội ngộ chung thuyền sẽ là nỗi khổ triền miên cho những tâm hồn lạc lõng không hòa chung nhịp. Mỗi ngày phải đối diện, phải tiếp xúc với người mà mình có biết bao điều ngăn cách và chán ghét thì có khác gì sống trong hỏa ngục. Đôi khi vì lý do gì đó mà ta phải phục tùng mệnh lệnh, phải im lặng lắng nghe những lời quở trách vô cớ, hoặc phải có trách nhiệm chăm sóc hay yêu thương những kẻ ấy thì còn kinh khủng hơn cả sự đọa đày.
Chưa nói tới những biến động lớn lao về đời sống vật chất như sự suy sụp đột ngột của kinh tế thị trường, sự lừa đảo trong hợp tác làm ăn, hoặc bị chèn ép hoặc tước đoạt quyền lực, hoặc những tổn thất về danh dự như sự xúc phạm, hủy nhục hay phản bội cũng có thể tạo nên những cân não nặng nề. Ta đã từng chứng kiến không ít kẻ kẹt vào danh lợi và ái tình mà đã trở thành nạn nhân của những chứng bệnh tâm thần hay trầm cảm, thậm chí họ chọn luôn giải pháp kết liễu cuộc đời mình để mong chấm dứt cơn khổ não.
Xem ra không có cái khổ nào nhỏ hơn cái khổ nào, vì cái khổ nào cũng làm cho ta nhọc nhằn và cạn kiệt năng lượng. Và cũng không cần chứng minh gì thêm nữa, tự thân ai cũng công nhận khổ đau là một sự thật luôn hiện hữu và đeo bám thân phận mỗi con người. Dù cố gắng không nhìn bằng con mắt bi quan thì ta cũng không thể nào phủ nhận, bởi không ít lần trong thinh vắng ta đã kêu lên những tiếng thở dài: Đời quả là bể khổ!
Có lẽ vì sự thật đó quá rõ ràng và đáng sợ nên người đời đã tìm cách quên đi, thậm chí không dám nhắc tới như một điều cấm kỵ, hoặc cố gắng tìm kiếm những niềm vui thú để lấp vào. Nhưng rồi sự thật cũng vẫn là sự thật, không thể nào che đậy mãi được. Một khi niềm đau nỗi khổ trào lên tới đỉnh điểm, nó sẽ cuốn phăng tất cả những lớp vui thú mong manh tạm bợ để nắm trọn quyền thống trị.
Như một sự an bài của tạo hóa, khổ đau từ bao đời nay đã trở thành bản án vô hình mà bất kỳ ai đi ngang qua cõi đời này cũng không tài nào thoát khỏi.
Khổ đau hay bất như ý?
Có người rất thích ngắm tuyết rơi, họ có thể đi hằng giờ dưới tuyết để lấy cảm hứng cho những ý thơ thầm kín, hay để tâm hồn lắng đọng cho những suy nghiệm về bí ẩn của cuộc đời. Trong khi tuyết lại là mối khổ tâm của rất nhiều người nơi bản xứ, vì nó gây trở ngại không ít cho những người làm nông trại hay trong việc giao thông.
Người làm doanh nghiệp lớn thường tất bật suốt ngày với công việc, nên lúc nào họ cũng ước ao có được những ngày nghỉ ngơi trọn vẹn, không phải trả lời điện thoại, không phải đối đầu với khách hàng. Đối với họ được ngủ một giấc yên lành hay ngồi thật lâu để thưởng thức chén trà thơm với những người bạn đã là một thiên đường rồi. Trong khi những người trẻ mới ra trường lại mong muốn kiếm được thật nhiều việc, làm càng nhiều càng tốt, với họ ở không là một sự nhàm chán và vô nghĩa.
Những kẻ đã nắm được nghĩa đẹp của tình yêu, không để tình yêu giới hạn lại trong sự ưa thích mới lạ ở hình thức và trong sự hưởng thụ đổi chác, biết cách xây dựng và bảo vệ cho nhau nên nhìn đâu cũng thấy đáng yêu và tràn đầy sức sống. Trong khi lắm kẻ bước vào địa đàng tình ái bằng đôi chân lóng ngóng, ngập tràn những khát khao nông nổi nên chẳng bao lâu họ đã gục ngã rồi trở nên oán hận tình yêu, và kết luận yêu là khổ.
Đúng thực yêu là khổ, nhưng phần lớn những cái khổ kia đều do chính ta tạo ra chứ chúng không phải là cái khổ bắt buộc phải có trong bất cứ tình yêu nào. Mọi thứ khác trong cuộc sống cũng vậy, nhìn trong chiều sâu của bản chất ta sẽ thấy chúng không hề được ghi chép sẵn tính chất khổ đau, mà hầu hết nguyên do của mọi khổ đau chỉ tại vì chúng không làm thỏa đáng hay trái nghịch với những mong đợi của ta mà thôi.
Ta ít khi nhìn vào những gì mình đang có như những điều kiện hạnh phúc mà rất nhiều người mơ tưởng, vì khao khát được hoàn hảo nên ta tự đặt cho mình những cái muốn rất kỳ lạ mà chính ta biết rõ là không thể nào thực hiện được như: Ước gì ta cao 1 mét 7 thay vì chỉ có 1 mét 6. Ước gì giọng nói của ta được thanh thoát và truyền cảm. Ước gì ta có trí não tốt để học đâu là nhớ đó. Ước gì gia đình ta thuộc tầng lớp trí thức hay quý tộc. Ước gì ta được sinh ra ở một thành phố xinh đẹp hay một đất nước văn minh giàu có.
Ta luôn cho đó là những nguyện vọng rất chính đáng vì người khác có được mà tại sao ta lại không. Ta cứ so sánh, cứ đòi hỏi mình phải có đầy đủ những điều kiện tối ưu của kẻ khác. Càng kẹt vào những ước muốn thì ta càng đánh mất những giá trị cao đẹp khác của chính mình rồi dần dần rơi vào mặc cảm, tuyệt vọng và bế tắc. Chung quanh ta có rất đông người như vậy, họ không thể hạnh phúc chỉ vì họ đang có một vài điều bất như ý.
Buồn cười hơn là ta thường có những phản ứng khó chịu hoặc bức xúc vì những điều hết sức phi lý như: Tại sao trời lại mưa vào ngày mình đi picnic vậy? Tại sao đường phố cứ kẹt xe vào những lúc mình gấp gáp như thế này? Tại sao bây giờ cái gì cũng tăng giá hết thì làm sao mà sống? Tại sao mình phấn đấu không ngừng mà vẫn không giàu như người ta? Tại sao số mình không được may mắn như hắn? Tại sao người ấy không chịu làm theo ý mình? Tại sao mình nói dối chỉ có đôi lần mà người ấy lại không tin mình?
Những cái muốn hay không muốn của ta xuất phát từ ý niệm thích hay không thích. Bởi trong ta có sẵn những tập tin do di truyền hay học hỏi từ môi trường về những điều kiện đảm bảo an toàn và lợi ích cho bản ngã. Cho nên tùy vào nhận thức nông cạn hay sâu sắc của mỗi cá thể mà bản năng sinh tồn sẽ khác nhau và mức độ khổ đau cũng khác nhau.
Tại vì những cái thích sẽ thúc đẩy ta cố gắng tìm cầu rồi bám víu, những cái ta không thích sẽ thúc đẩy ta cố gắng tránh né rồi đuổi xua. Trong khi đời sống của bất cứ cá thể nào cũng phải chịu tác động qua lại bởi một hay nhiều cá thể khác và cả sự vận hành của vũ trụ bao la kỳ bí này nữa, thì làm sao ta có thể muốn mọi thứ theo ý của mình kia chứ?
Ngay chính tâm thức của ta, cái nhận xét, cái quyết định và cái ước muốn của ta cũng có lúc vầy lúc khác. Có những cái ta đã từng ước muốn sở hữu cho bằng được nhưng bây giờ ta lại mong cho nó biến đi càng sớm càng tốt. Có những cái ngày xưa ta ghét cay ghét đắng nhưng bây giờ ta lại yêu thích. Có những điều ta chưa từng nghĩ ra nhưng bây giờ mới ý thức được. Giả sử tất cả những ước muốn của ta từ thái quá, phi lý đến bất thường đều thành tựu hết thì ta sẽ thành ra cái gì và xã hội này sẽ ra sao?
Cho dù những ước muốn được gọi là xứng đáng nhất, căn bản nhất để tạo nên một đời sống hạnh phúc bình thường cũng đã là sai rồi, nói chi đến những ước muốn chỉ để phục vụ cho lòng tham của mình. Vậy nên chỉ có những điều bất như ý (discontent) của con người đã tạo ra những ngang trái cho con người, chứ không hề có cái số phận hay định mệnh khổ đau, vì khổ đau không phải là một sự thật tuyệt đối trên cõi đời này.
Gốc rễ của khổ đau
Thử lấy một ví dụ về hoàn cảnh bất như ý như bệnh tật mà phần lớn ai cũng công nhận là khổ, để ta xét nghiệm xem thật ra trong đó có chứa đựng những nguyên nhân sâu xa nào.
Bệnh tật là điều không ai muốn vì nó luôn đem tới sự đau nhức, khó chịu. Nhưng với một người có thái độ hợp tác với cơn bệnh, chấp nhận nó là hệ quả tất yếu từ lối sống thiếu quan tâm hay thiếu phòng hộ sức khỏe đúng mức, hoặc chấp nhận nó là sự thật hiển nhiên của quá trình lão hóa cơ thể, thì ta sẽ không còn thái độ kháng cự nữa.
Nhưng bản năng của ta thường hay chống đối lại điều gì mình không ưa thích. Ta không chấp nhận mình phải bệnh vì có bệnh là xấu, là yếu đuối, là phải sống chung với những cảm giác khó chịu, là phải phiền người chăm sóc, là phải nằm bệnh viện, là phải mất cảm hứng làm việc, là phải đình trệ nhiều dự án, là phải tốn kém nhiều tiền bạc…
Như vậy nguyên nhân đầu tiên là do ý niệm sai lầm rằng mình sẽ không bao giờ có bệnh hay chưa tới lúc phải bệnh, nên khi nó xuất hiện đột ngột đã làm cho ta giật mình hoảng hốt. Trong đó có thái độ lo sợ vì không biết chứng bệnh này có nguy hiểm không? Có phải là ung thư không? Có phải do truyền nhiễm từ những người sống chung không? Có ảnh hưởng gì tới trí nhớ hay khả năng sáng tạo nếu phải phẫu thuật không?
Cũng như có một kẻ xấu nào đó bắn vào ta một mũi tên thì ta đau nhức lắm, liền ngay sau đó lại có một mũi tên khác bay tới và cắm vào đúng vị trí của mũi tên thứ nhất thì cái đau nhức kia không phải tăng lên gấp đôi, mà là gấp nhiều lần. Mũi tên thứ hai mới đem tới khổ lụy thật sự. Mũi tên thứ hai chính là trí tưởng tượng phong phú của ta. Do nội lực yếu kém nên ta thường dựng lên trong tâm tưởng những hình ảnh rất sai lệch với sự thật như để phòng thủ an toàn. Thực tế cho thấy người ta không dễ chết vì hoàn cảnh mà lại chết vì vọng tưởng của chính mình. Đó là một loại tâm bệnh khá nặng.
Nguyên nhân thứ hai là thái độ phản ứng của ta. Ta không chấp nhận mình phải mắc chứng bệnh quái quỷ đó và không chấp nhận sự hành hạ của nó khiến ta mất hết năng lực để sinh hoạt như một người bình thường. Cho nên ta tất tả tìm mọi cách để loại trừ nó càng sớm càng tốt. Nếu gặp phải những chứng bệnh nặng hay loại mãn tính thì ta càng khó chấp nhận và thái độ kháng cự sẽ càng quyết liệt hơn. Chính thái độ của ta đã làm phát sinh ra tâm bệnh, mà tâm có liên quan mật thiết với thân, nên bệnh tình của ta càng trở nên trầm trọng.
Thực ra bệnh chỉ là một cảm giác đau đớn, khó chịu (unpleasant) chứ chưa hẳn là một cái khổ (suffering), vì không phải ai mắc bệnh cũng khổ. Ta thường hay lầm lẫn giữa cái cực, cái đau với cái khổ. Dĩ nhiên sự xáo trộn trong cơ thể hay của hoàn cảnh dễ tạo nên áp lực và làm cho ta đau nhức, nhưng nếu ta là một con người có luyện tập, am hiểu và điều phục được cảm xúc của mình thì ta sẽ mau chóng bớt khổ, hoặc ít khổ, hoặc có thể đạt tới mức không thấy khổ nữa mà chỉ thấy đơn thuần là một hoàn cảnh bất như ý thôi.
Nghĩa là tùy vào nhận thức của mỗi người mà cái khổ ấy có thể nhỏ hay lớn, và tùy vào khả năng hứng chịu của mỗi người mà cái khổ ấy trở nên nhẹ hay nặng. Cái khổ của người này không nhất thiết giống hệt với cái khổ của người kia. Cho nên hoàn cảnh bất như ý chưa hẳn là nguyên nhân gây ra khổ đau, mà chính cách nhìn nhận và khả năng tiếp nhận hoàn cảnh mới quyết định cho khổ đau có mặt hay có mặt ở cung bậc nào.
Ta thường hay hỏi tại sao mình phải hứng chịu quá nhiều khó khăn, nhưng mỗi khi đón nhận những điều kiện thuận lợi thì lại sung sướng mỉm cười mà không hề truy cứu nguyên nhân từ đâu. Con người là vậy, chỉ biết đòi hỏi sự hưởng thụ chứ không thấy được nguyên tắc sâu xa tạo nên sự cân đối trong vũ trụ này là: có thăng phải có trầm, có được phải có mất, có thành phải có bại, có hợp phải có tan. Vậy muốn thăng, muốn được, muốn hợp hay muốn thành lâu hơn thì ta phải học tập cách chuyển hóa mặt trái của nó và học tập kỹ năng giữ gìn nó. Hơn nữa, ta là tác nhân chính gây ra mọi nghiệp lực của mình thông qua tư duy, lời nói và hành động từ trong quá khứ. Đó là quy luật nhân quả rất công bằng, có làm có chịu, mà ta không thể nào cầu nguyện hay ước muốn được.
Vậy nên thay vì ta tìm cách thay đổi hoàn cảnh hay mong cầu một hoàn cảnh như ý thì ta hãy quay về điều chỉnh lại nhận thức của mình về chính bản thân mình và về cuộc sống, cũng như nuôi dưỡng lại khả năng chấp nhận những nghịch cảnh. Bởi nhìn cho thấu đáo ta sẽ thấy thái độ yêu thích có gốc rễ từ tâm tham, và thái độ không thích có gốc rễ từ tâm sân. Tâm tham và tâm sân có gốc rễ từ tâm si mê, tâm chỉ muốn được thỏa mãn cảm xúc bản ngã, mà không biết làm sao để tạo nên một đời sống bình an và hạnh phúc chân thật.
Lẽ dĩ nhiên là con người thì ai mà không có tâm tham và tâm sân, nghĩa là vẫn phải gửi tâm mong cầu đến những gì mình thích và khước từ những gì mình không thích. Tuy nhiên, nếu ta bớt đi những danh mục thích hay không thích mà mình đã từng lưu trữ, nghĩa là ta tập chấp nhận và tùy thuận vào cuộc sống nhiều hơn thì chắc chắn ta sẽ nhẹ nhàng lướt tới phía trước như con thuyền vừa trút xuống những kiện hàng to tát. Con người càng bớt đi những đòi hỏi từ bên ngoài là con người có sức mạnh bên trong. Cuộc đời vẫn luôn mở rộng lối đi cho những ai biết lùi lại một bước để nhường cho kẻ khác.
Như hạt bụi để khuyết nơi này thì nó sẽ làm thừa chỗ khác, và rồi một cách tự nhiên hạt bụi khác sẽ đến lấp đầy chỗ này và chỗ thừa kia sẽ tìm cách đẩy hạt khác đi. Vũ trụ tuy không ngừng biến dịch, nhưng mãi mãi vẫn giữ thế quân bình trong bản thể. Chỉ khi nào ta thấy mình cũng là hạt bụi nhưng cũng là một bãi cát, hạt bụi nào cũng là ta và không hạt bụi nào mà không phải là ta cả; thấy được dòng sinh mệnh bất tuyệt của mình luôn gắn liền với mọi đối tượng, thì ta mới có thể rong chơi tự tại giữa cõi đời này theo tinh thần nhân quả và nguyên tắc duyên sinh mà không còn vướng kẹt bãi cát đầy hay bãi cát lở.
Đối tác của hạnh phúc
Khi dầm mình giữa giá rét trời đông, ta luôn mong ước sớm được về với căn nhà ấm áp, nhưng vừa ngồi xuống bên lò sưởi chưa được bao lâu thì ta bỗng quên mất giây phút mầu nhiệm ấy, cứ loay hoay tìm việc để làm, hoặc tranh thủ nghĩ tới những dự án.
Con người là vậy, rất mau chóng bình thường hóa mọi thứ. Lúc chưa có thì khao khát, khi có rồi lại khinh lờn và muốn đi tìm những thứ khác. Sau những lần "chuộng mới nới cũ", tâm hồn luôn rơi vào trạng thái trống rỗng thì ta mới biết mình đã dùng cảm xúc hời hợt để đón nhận và giữ gìn hạnh phúc. Cho nên để giúp ta có ý thức và trân quý sâu sắc những gì mình đang có thì chỉ còn cách đẩy ta ra ngoài giá rét một lần nữa cho đủ thấm.
Cũng như đã từng bị đói mới biết quý cái ăn ngon, đã từng sống qua mùa tuyết lạnh mới quý chuộng ngày nắng ấm, đã từng bị bỏ rơi mới quý trọng những ân tình nho nhỏ, đã từng bị chia lìa mới yêu quý những giây phút đoàn viên, đã từng trải qua những mất mát tang thương mới thấy sự sống mà mình đang có thật vô cùng quý giá.
Thế nên những điều kiện thuận lợi thường chỉ làm lớn mạnh thêm bản năng hưởng thụ, còn những hoàn cảnh khắc nghiệt mới giúp con người phát tiết hết tinh anh, bởi khả năng con người vốn rất vĩ đại, có thể bước qua bất cứ hoàn cảnh trái ngang nào và có thể đạt tới tự do tuyệt đối. Cũng như hoa mai và hoa đào phải trải qua một trận mùa đông giá rét thì mới có thể tung cánh và tỏa hương thơm ngát trong những ngày nắng ấm đầu xuân.
Vì vậy ta đừng oán trách hay chống đối hoàn cảnh vô thường, bởi nó sẽ vừa giúp ta luôn cảnh giác để đừng sống trong lãng quên, vừa giúp ta không kẹt vào tham đắm mà mất nhiều năng lượng sống, và cũng vừa giúp ta rèn luyện tính chịu đựng để ứng phó mọi hoàn cảnh. Huống chi vô thường đâu chỉ làm cho được rồi mất, thành rồi bại, hợp rồi tan; mà chính nó đã giúp cho mất rồi được, bại rồi thành và tan rồi hợp.
Hạnh phúc thiết lập trên những cái được, cái thành, cái hợp thì chỉ có tính tạm thời, nghĩa là nó vẫn còn nằm trong mối đe dọa của lưỡi gươm vô thường. Trải nghiệm từ cuộc sống ta sẽ tìm thấy được thứ hạnh phúc khác vượt ra khỏi sự khống chế đó. Nó vẫn chấp nhận thăng trầm biến đổi theo lẽ tự nhiên nhưng lại rất tự tại mà không hề thấy mất mát khổ đau. Nó chỉ đơn giản được xây dựng bằng chất liệu của một nhận thức đúng đắn: không mong cầu, không chống đối và một trái tim đủ lớn mạnh để chứa đựng. 
Vì vậy cầu nguyện cho mình luôn được may mắn không phải là một thái độ khôn ngoan, nên ta hãy cố gắng tập nở nụ cười thật tỉnh táo để đón nhận bất kỳ nghịch cảnh nào đi tới. Sự thật ta cũng không thể nào đủ sức để thay đổi mọi hoàn cảnh. Tốt nhất hãy cho phép khổ đau bước vào cuộc đời ta một cách tự nhiên, nếu đến trong khi ta còn rất trẻ thì càng tốt, vì chính khổ đau sẽ trao cho ta một khả năng sống và chỉ cho ta bí mật của cuộc sống.
Vậy nên khổ đau là cần thiết, không có khổ đau thì con người sẽ khó nhận biết cái gì là hạnh phúc. Nói một cách sâu sắc là nếu không có khổ đau thì sẽ không có hạnh phúc, hay khổ đau chính là mặt khác của hạnh phúc, hay khổ đau cũng chính là hạnh phúc.
Nói thì nói cho tận cùng như thế, chứ nhìn vào thực tế bản thân thì ta phải đi từ nấc thang ban đầu, phải tập quan sát, thấu hiểu và chấp nhận những phản ứng khó chịu hay khổ đau nhỏ bé nhất. Bởi lâu lâu ta vẫn vùng vẫy, vẫn than trời trách đất, vẫn muốn buông xuôi tất cả và xách gói ra đi để tìm một miền đất hứa, vì trái tim ta đã không thể ôm nổi những nghịch cảnh quá lớn.
Dù vẫn còn lận đận trên con đường hạnh phúc, nhưng ít ra ta đã tìm cho mình một hướng đi đúng đắn. Con đường ta đang đi là con đường trở về chính trái tim ta để tìm hiểu, khám phá và chinh phục. Vì chính nơi trái tim ta có đầy đủ phẩm chất để tạo nên một đời sống hạnh phúc, và cũng nơi ấy cũng luôn chứa đựng bóng dáng âm u của những phiền não. Biết cách xua tan những đám mây u ám thì vầng trăng sáng trong sẽ hiện ra toàn vẹn, bởi dù năm tháng có trôi mau nhưng vầng trăng xưa ấy vẫn chưa bao giờ lặn khuất.
Khổ đi em vạn lần
Mới thấy đời đáng sống
Như đóa hoa chân thường
Nở ngay giờ tuyệt vọng.

nguồn: giác ngộ online
 
Bên trên