Tôn Chỉ Của Đạo Cao Đài

Hàn Sĩ Ngô

Lão làng
[h=2]Tôn chỉ của đại đạo [/h]
Tam giáo qui nguyên

Một vòng luân chuyển của Võ trụ, gọi một "Đại khai tịch" hay một cuộc tuần hườn có ba Nguơn: Thượng nguơn, Trung nguơn và Hạ nguơn.

( Triết học Trung hoa chia một Nguơn làm 12 Hội, một Hội 30 Vận, một Vận 12 Thế, một Thế 30 Năm, tổng cộng, một Nguơn là 129.600 Năm. Cổ nhơn chia một cuộc Tuần huờn, hay nói theo danh từ triết học, Lịch sử nhơn loại làm bốn Nguơn (Yuga) hay bốn Thời đại:
1. Huỳnh kim Thời đại (Krita yuga = Âge d'Or)
2. Bạch ngân Thời đại (Treta yuga = Âge d'Argent)
3. Chơn đồng Thời đại (Dvapara - yuga = Âge d'Alrain ou de Bronze)
4. Thiết khí Thời đại (Kali yuga = Âge de Fer)
Huỳnh kim Thời đại là cảnh tượng một mùa Xuân niên niên tồn tại; thời ấy nhơn loại giữ vẹn Thánh đức và được thuần phong mỹ tục.
Bạch Ngân Thời đại đánh dấu một giai đoạn mà nhơn loại khởi đầu lu lờ Thánh đức.
Chơn đồng Thời đại chứng kiến sức bành trướng của các điều ác.
Thiết khí Thời đại, tức như chúng ta gọi Hạ nguơn mạt kiếp, là thời kỳ của những sự thái quá và những cuộc tàn bạo tràn khắp địa cầu.)

Thượng nguơn là nguơn Tạo hóa, nguơn gầy dựng Kiền Khôn Võ Trụ. Nhơn loại bấy giờ còn giữ thánh đức của Thượng đế ban cho, nên còn thuần chất phác thiện lương, cứ thuận tùng Thiên Lý mà hòa hiệp dưới trên, tương thân tương ái. Đó là thời đại thái bình, tức là nguơn Thánh đức.

Lần lần con người vì nhiễm hồng trần phải lu lờ Thánh đức, bỏ Thiên lý mà sa vào Nhơn dục.

Vì vậy, Thượng Đế mới khai Tam Giáo phổ độ chúng sanh bỏ dữ vềâ lành, tức là "Nhứt Kỳ Phổ Độ".

Các vì Giáo chủ là:

- Nhơn đạo: Văn Tuyên Đế Quân.
- Tiên đạo: Hồng quân Lão Tổ.
- Phật đạo: Nhiên Đăng Cổ Phật.

Được tạo hóa, nhơn loại tất phải tấn hóa. Tấn hóa tất phải tranh đấu. Tranh đấu tất phải tự diệt. Đó là thời kỳ Trung nguơn, tức là nguơn Tấn hóa, nguơn Tranh đấu, nguơn Tự diệt.

Cho nên Thượng Đế thiết "Nhị Kỳ Phổ Độ".

Nhơn đạo có Khổng Tử cảnh tỉnh nhơn tâm đặng duy trì đạo đức.

Tiên đạo có Lão Tử dìu đẫn nhơn sanh ra khỏi vòng thấp hèn vật chất mà xu hướng về chỗ tinh thần cao thượng.

Phật đạo có Thích Ca truyền bá chủ nghĩa từ bi tránh cho nhơn sanh cái nạn tự diệt.

Không tự diệt, tức bảo tồn. Hạ nguơn tức là Nguơn Bảo Tồn vậy.

Vì lẽ bảo tồn, nên ngày nay Hạ nguơn hầu mãn, Thượng Đế dùng huyền diệu cơ bút lập "Tam Kỳ Phổ Độ" ("Tam Kỳ Phổ Độ" là phổ độ kỳ ba bên cõi Á Đông). Lại cũng bởi Hạ nguơn là nguơn cuối cùng Đại Đạo phải qui nguyên phục nhứt theo lẽ Tuần huờn ( Nho, Thích, Đạo, là ba Chánh giáo đã khai đời Thượng cổ, nhưng việc chi cũng hữu thỉ hữu chung. Cái tận tức là cái cuối cùng mà hễ cuối cùng chẳng dứt, thì phải qui nguyên theo lẽ Tuần huờn "Retour à L'Origine". ). Vậy mới có cái tôn chỉ "Tam Giáo, Ngũ Chi hiệp Nhứt".

Đức Chí Tôn có dạy:

"Vốn từ trước, Thầy lập ra Ngũ Chi Đại Đạo (*) là Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo, tùy theo phong hóa của nhơn loại mỗi nơi mà gầy Chánh giáo, là vì khi trước Càn vô đắc Khán, Khôn vô đắc Duyệt, thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi. Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, Càn Khôn dĩ tận thức thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau, nên Thầy nhứt định qui nguyên phục nhứt.

Lại nữa, trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh giáo mà hóa ra phàm giáo. Nay Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng giao Chánh giáo cho tay phàm nữa; nhưng buộc phải lập chánh thể, có lớn nhỏ đặng dễ cho các con dìu dắt lẫn nhau anh trước em sau, mà đến nơi Bồng đảo".


(*) - Thế nào gọi là Đại Đạo? Ơn Trên có dạy về chữ Đại Đạo thế nầy."Thầy là các con, các con cũng là Thầy. Có Thầy rồi mới có các con mà có các con rồi mới có chư Phật, Tiên, Thánh, Thần. Nên chi cái yếu điểm của chữ Đại là chữ Nhơn! Nhơn là người. Bắt đầu viết Nhơn là phết một phết, ngụ ý là Chơn Dương, kế phết một phết nữa, tức là chơn Âm, thành thử con người là bán âm, bán dương nên mới đứng vào hạng "Tam Tài". Thế là, con người nếu biết cách tu hành tất nhiên phải thành Tiên Phật. Mà Nhơn cướp đặng chữ nhứt là Nhơn "đắc nhứt" thành chữ Đại. Nhứt là chi? Là cái tâm mật pháp mật truyền của Đại Đạo có một không hai, thời là Lớn, chớ có chi Lớn nữa? Nó bao trùm tất cả Võ trụ Càn khôn, ấy mới gọi là Đại, thì vĩnh kiếp trường tồn diên niên bất hoại.

- Còn chữ Đạo các con cũng nghe thấy, hiểu biết rồi, nên không cần phải giải, nhưng cũng lược qua đôi chút chữ Đạo. Bắt đầu đạo chấm hai chấm là điểm âm dương nhị khí, kế dưới một ngang tức là âm dương hiệp nhứt nên chi một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật rồi vạn vật cũng quay về hiệp một. Kế dưới chữ Tự nghĩa là tự nhiên mà có. Nên chi Thầy hằng dạy các con phải tự lập, lo tu hành, cần phải tự đạt cơ huyền bí đạo mầu thì trí huệ mới phát minh. Chữ tự là tự tri, tự giác chớ chẳng ai làm các con giác, minh, huệ, đặng.

Trên dưới ráp thành chữ Thủ. Chữ Thủ tất là ban sơ, đầu mối của Càn Khôn Vũ trụ. Kế là chữ Tẩu, Tẩu nghĩa là chạy, nên kêu là pháp luân thường chuyển. Đó là chánh nghĩa hai chữ Đại Đạo".

***


Đành rằng Đại Đạo có giáo lý cùng mật truyền riêng, nhưng tôn chỉ là "Qui Tam Giáo, hiệp Ngũ Chi", nên lý thuyết có một phần rút trong tinh ba của lý thuyết các tôn giáo, cốt để thiệt hành cái tôn chỉ ấy. Vì vậy mà nạp dụng những giáo lý chẳng hạn của đạo nào đã được công nhậân là Chơn lý. Đồng thời, Đại Đạo có trách nhiệm thuyết minh những lý thuyết đã bị người đời, hoặc vì thời gian, hoặc vì hiểu lầm mà sai biệt.

Thiệt hành tôn chỉ "Qui nguyên phục nhứt" là thừa nhận các tôn giáo đều một gốc mà ra, đều tôn sùng một đấng Chúa tể, tức là ông Cha chung, mặc dầu mỗi nước xưng tụng bằng danh hiệu khác nhau.

Các săéc dân trên địa cầu nầy, nhơn nuôi nấng một tín ngưỡng chung, sẽ nhìn nhau là anh em và biết tương thân tương ái. Nước nầy nhơn đó mà liên hiệp với nước kia, người xứ kia nhơn đó mà đoàn kết với người xứ nọ, thành ra năm Châu chung chợ, bốn Biển một nhà, hết phân biệt màu da sắc tóc, hết nghi kỵ lẫn nhau, hết xâu xé lẫn nhau, rồi đời mới được hòa bình, lần bước đến Đại Đồng Bác ái.

Đại Đạo sẵn sàng hoan nghinh tất cả anh em trong các giáo, lấy câu "Đại đồng Bác ái" làm dây thiêng liêng buộc nhau cho ngày một khắn khít để chung thờ một Lý tưởng cao siêu.

Đức Chí Tôn đã nói:

"Nhiều đạo cũng như một cái nhà. Phải có nào là cột cái, cột con, đòn tay, kèo, ruôi. Ruôi là nhỏ, mỏng mảnh hơn hết, mà cũng phải nhờ nó. Tuy kể cho nhiều tên, chớ cất nhà rồi, thì có một ông chủ mà thôi".

Một mối đạo có cái tôn chỉ dung hòa và chiết trung như Đại Đạo "Tam Kỳ Phổ Độ", mới thể theo đức háo sanh của Thượng Đế.

Có người cho rằng các tôn giáo có nhiều chỗ tương phản và bất đồng rõ rệt, nên khó mà dung hòa. Vậy thử xét qua chủ trương và lập thuyết của các giáo xem sao.

Chủ trương việc hành thiện, đạo Khổng dạy Trung Thứ ( Hết lòng thành thật của mình là Trung, đem lòng thành thật ấy mà xét lòng người và muôn vật là Thứ. ). Phàm việc chi mình không muốn, thì đừng đem làm cho ai (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhơn). Giống Chúa Giê Giu (Jésus) dạy: "Đừng làm cho kẻ khác điều gì mà các ngươi không muốn người ta làm cho mình" (Ne faites pas aux autres ce que vous ne voudriez pas qu'on fit).

Khổng Thánh lại dạy: "Mình nên, cũng muốn người nên; mình thạnh đạt, cũng muốn người thạnh đạt. (Kỷ dục lập, nhi lập nhơn; Kỷ dục đạt, nhi đạt nhơn).

Đó là cách hành động của đạo Khổng để thiệt hành chủ nghĩa nhơn ái hay bác ái.

Đạo Lão dạy Cảm ứng. Phàm các hành động con người đều có cơ cảm ứng, cho nên phải sửa lòng giữa nết theo lẽ đạo cho trọn lành. Đó là phù hợp với thuyết nhơn quả nhà Phật. Thì cũng như Chúa Giê Giu nói: Ai xử dụng đao kiếm sẽ chết về đao kiếm (Qui manie l'épée périra par l'épée). Và cũng như câu của Khổng giáo: Trồng đậu được đậu, trồng dưa được dưa. (Chưởng đậu đắc đậu, chưởng qua đắc qua).

Đạo Phật dạy Từ bi, là lòng lành thương tất cả chúng sanh mà độ hết.

Mấy chủ trương ấy, có chỗ nào tương phản đâu? Về tâm pháp, Khổng giáo dạy Tồn Tâm Dưỡng Tánh; Lão giáo dạy Tu Tâm Luyện Tánh. Phật Giáo dạy Minh Tâm Kiến Tánh. Thế thì Tam giáo dạy không ngoài Tâm với Tánh.

Về giáo lyù, Khổng giáo nói: "Tất cả loài hàm linh đều có một điểm Thái Cực" (Nhứt thiết hàm linh các cụ nhứt Thái Cực).

Đạo Lão thì: "Đạo sanh Một, Một sanh Hai, Hai sanh Ba, Ba sanh vạn vật" (Đạo sanh Nhứt, Nhứt sanh Nhị, Nhị sanh Tam, Tam sanh vạn vật).

Còn Đạo Phật thì: "Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật" (Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh).

Phật tánh vốn có cái Chơn thể bất di bất dịch, nên gọi là Chơn Như.

Tóm lại, Khổng giáo có thuyết "Thái Cực". Lão giáo có "Đạo", Phật giáo có "Chơn Như". Thái Cực, Đạo, Chơn Như, danh từ tuy khác, tựu trung đều chỉ chỗ nguồn gốc của Võ trụ, tức là cái Chơn thể độc nhứt vô nhị của Tạo Hóa vậy.

Xét về lịch sử, Lão Tử giáng phàm tại Trung Hoa, nhằm đời nhà Châu, 604 trước Tây lịch Kỷ nguyên.

Cũng tại Trung Hoa và cũng trong đời Châu, Khổng Tử giáng sanh sau Lão Tử 53 năm.

Khổng Tử thường đến hỏi lễ với Lão Tử.

Hai nhà Giáo chủ không hề nghịch lẫn nhau. Sau rồi, hai giáo có chỗ xung đột là bởi tông đồ đôi bên vì muốn làm sáng đạo mình mà xuyên tạc đạo khác.
Cũng trong đời Châu, Phật Thích Ca giáng sanh bên Ấn độ, 560 năm trước Thiên Chúa kỷ nguyên. Lần lần đạo Phật truyền sang Trung Hoa mà được thạnh hành là từ khi Trần huyền Trang (Tam Tạng) qua Thiên Trước (Ấn độ) thỉnh kinh đem về nước mình.

Lúc đạo Phật bắt đầu truyền sang Trung hoa, nhà Phật cũng nương theo đạo Lão mà truyền bá tôn chỉ đạo mình. Lại cũng nhờ tư tưởng và triết lý hai đạo có nhiều chỗ phù hợp nhau, nên các nhà truyền giáo đạo Phật mượn những danh từ triết lý sẵn có của Lão giáo để biện giải tư tưởng mới của mình. Nhờ vậy, đạo Phật mới được người Tàu hoan nghinh, và cái tôn chỉ "Tam Giáo hiệp Nhứt" đã khởi điểm ở Trung hoa ngay từ lúc ấy.


Trích trong Thiên Đạo của Nguyễn Trung Hậu và Phan Trường Mạnh​
 
Bên trên