Tìm hiểu tử vi

Lạc Xa

Vô Thường
LUẬN VỀ VÒNG THÁI TUẾ

Vòng Thái Tuế cũng có sự khác biệt giữa sách vở Trung Quốc và Việt Nam.
Sách vở Trung Quốc với mười hai sao như sau:
Thái Tuế, Hối Khí, Tang Môn, Quán Sách, Quan Phù, Tiểu Hao, Tuế Phá, Long Đức, Bạch Hổ, Thiên Đức, Điếu Khách, Bệnh Phù.

Sách vở Việt với mười hai sao:
Thái Tuế, Thiếu Dương, Tang Môn, Thiếu Âm, Quan Phù, Tử Phù, Tuế Phá, Long Đức, Bạch Hổ, Phúc Đức, Điếu Khách, Trực Phù.

Hai sao Thiếu Dương và Thiếu Âm là Hối Khí và Quán Sách. Sao Thiên Đức thành Phúc Đức. Sao Bệnh Phù thành Trực Phù
Không biết Trực Phù của sách Việt xuất xứ ở đâu nhưng hai vòng Tràng Sinh và Thái Tuế của Trung Quốc không hợp lý.

Đến như sao Tiểu Hao của vòng Thái Tuế trong sách vở Trung Quốc trong khi vòng Tràng Sinh đã có Tiểu Hao rồi là điều không hợp lý thứ hai.

Ngược lại sách Việt cũng có hai sao trong vòng Thái Tuế đáng coi là không hợp lý: Thiếu Dương và Thiếu Âm với những lời giải không dứt khoát, trong khi Hối Khí và Quán Sách với lời giải vững và rõ hơn.

LUẬN VỀ THÁI TUẾ

Những sao của vòng Thái Tuế chỉ đi theo chiều thuận dù nam hay nữ, âm nam dương nữ hay dương nam âm nữ. Thái Tuế gặp các sao tốt mọi sự êm ả, nếu gặp hung sát tinh hay lưu niên Sát Kị tinh ắt sinh lắm phiền nhiễu.

Thái Tuế rất sợ gặp Thái Dương hãm Hóa Kị và Cự Môn Hóa Kị. Thái Tuế cũng không nên đứng vào cung tiểu hạn đối xung với Mệnh cung sách Trung Quốc gọi bằng “phạm Thái Tuế”. Có những lá số mà Thái Tuế lúc nào cũng đối xung với Mệnh cung thì thường bị những khó khăn trở ngại luôn luôn.

Thái Tuế thuộc dương, lợi cho người sinh năm âm và ngược lại. Như vậy lý luận gọi bằng âm dương điều hòa nếu có gặp Sát Kị thì họa hại cũng giảm.

Thái Tuế bản tính lạnh lùng, xét đoán và lý luận. Có câu phú: “Thân cư Thái Tuế dữ nhân quả hợp” Thái Tuế gặp Xương Khúc Khoa Quyền văn chương đanh thép. Thái Tuế gặp Tấu Thư ăn nói biện thuyết. Mệnh phùng Tuế Tấu nói bằng sấm vang.

Thái Tuế gặp Hóa Kị, Đà La bất lợi cho công danh, dễ bị tai tiếng kiện cáo tranh giành. Thái Tuế đứng với Thất Sát miếu địa là con người vừa trí vừa dũng.

Thái Tuế đứng với Hoa Cái ở Mệnh cung giọng lưỡi kiêu kỳ. Thái Tuế đi với Tham Lang nói không thực, lòng không thành thật:

Tham lâm Thái Tuế một miền
Trong ngoài cơ trí đảo điên khó lường

Thái Tuế gặp Quan Phủ là có chuyện kiện tụng:

Sát Hình cô độc tính ương
Quan Phủ Thái Tuế đến thường công môn

Thái Tuế gặp Không Kiếp làm ăn suy vi:

Tuế ngộ Không Kiếp vận suy
Cứu tinh Mệnh có Tử Vi mới lành
Dậu cung Hình Tuế cùng ngồi
Tai bay vạ giá do người gây ra

Thái Tuế kị gặp sao Bệnh Phù: Bệnh Phù Thái Tuế dở thay

Mệnh Thân Hồng Đào vận hạn đến Thái Tuế Kiếp Sát thì vợ chồng chia ly:

Mệnh Đào Thân lại Hồng Loan
Hạn gặp Tuế Kiếp phụng hoàng rẽ duyên

Thiên Phủ, Đà La, Thái Tuế thủ. Mệnh cung nơi cung Tỵ là người hay nói càn nói rỡ:

Phủ Đà Tuế đóng Tỵ cung
Thiềm ngôn loạn ngữ nói rông tháng ngày

Vận đến sao Thái Âm hãm mà bị Đà La Bạch Hổ, Thái Tuế xung chiếu thì dễ có tang mẹ:

Nguyệt hãm Đà Hổ Tuế xung
Hãi thay điềm mẹ thoát vòng trần gian

Cung bào huynh Thái Tuế đi với Xương Khúc có người anh em nổi danh:

Khúc Xương Thái Tuế cung Bào
Có người anh trưởng thấp cao tung hoành

Thê cung Đà La Thái Tuế thì vợ chua ngoa:

Đà Tham tửu sắc la đà
Tuế Đà miệng lưỡi ắt là sai ngoa

Cung tử tức Thái Tuế đứng với Xương Khúc thêm Long Phượng thì con cái vẻ vang:

Tử cung Long Phượng sang giàu
Khúc Xương Thái Tuế thập hầu tặng phong

Nhưng sao Thái Tuế vào cung Tài Bạch lại thường không đắc thế lắm. Hãy đọc những câu phú sau đây:

Gian tà Kiếp Sát Phục Binh
Khúc Xương Thái Tuế mưu sinh tảo tần
Quan Phủ Thái Tuế đa đoan
Thiên Cơ Thái Tuế gian nan mọi đường


LUẬN VỀ THIẾU DƯƠNG

Thiếu Dương thuộc hỏa tượng trưng cho mặt trời thứ hai, tính chất thông minh nhân hậu. Thiếu Dương đứng cùng Thái Dương đắc địa làm tăng sự sáng sủa hưng vượng. Thiếu Dương có khả năng làm giảm nhẹ những tai họa bệnh tật nhỏ.

Cái mặt trời thứ hai cũng như mặt trăng thứ hai là Thiếu Âm có vẻ gượng ép. Trong khi các sách Trung Quốc lại viết đi sau Thái Tuế là sao Hối Khí, tính chất hoàn toàn tương phản với Thiếu Dương.

Hối Khí tượng trưng tình trạng tối ám ngưng trệ. Hối Khí đóng Mệnh cung thì tâm tính ác liệt, có Hình Kị càng khó chơi, vào vận hạn thì gặp tranh đoạt oan khuất.

Hối Khí đóng cung Tài Bạch hay Quan Lộc vì tiền vì chức vị mà tâm tính độc hại hoặc lo phiền. Hối Khí đóng Phúc Đức có thêm Hóa Kị tinh thần gò bó trầm trệ.

LUẬN VỀ TANG MÔN

Tang Môn đứng đối cung với Bạch Hổ. Tang Môn thuộc Mộc. Tang Môn chủ về tang tóc. Khoa Tử Vi Việt nói: Tang Môn đắc địa ở Dần Thân Mão Dậu. Khoa Tử Vi Trung Quốc không thấy đề cập sao này đắc địa ở những cung nào.

Mệnh có Tang Môn tính lầm lì, đàn bà nét mặt phảng phất buồn. Tang Môn vào vận hạn mà gặp Xương Khúc Hóa Kị là có tang chế. Vận gặp Tang Môn Điếu Khách ắt có chuyện buồn thương.

Tang Môn đắc địa nam mạng có tài, ham hoạt động chính trị và đầu óc xét đoán sắc bén. Luận Tang Môn cần đi theo Bạch Hổ vì là hai sao đi cặp.

LUẬN VỀ BẠCH HỔ

Bạch Hổ thuộc Kim, đắc địa Dần Thân Mão Dậu. Bạch Hổ nếu ở đất hãm là triệu chứng hung họa tang tóc. Bạch Hổ đi cùng nhiều sát tinh thì tính tình bạo ngược dễ đưa đến khắc vợ khắc chồng.

Nhiều sách Việt viết Bạch Hổ đứng với Thiên Hình, Kình Dương là người có chí lớn. Sách Trung Quốc lại cho rằng Bạch Hổ gặp Thiên Hình là có cái họa quan tụng mất tiền mất của . Bạch Hổ gặp Tham Lang tại Dần không nên nuôi thú hay ham săn bắn vì dễ bị thú vật cắn.

Cách Bạch Hổ đứng với Tấu Thư được gọi bằng Hổ mang hòm sắt là văn chương lỗi lạc, cách này không đúng. Rồi đến cách Bạch Hổ Phi Liêm gọi bằng hổ mọc cánh công danh bạo phát lại càng sai, bịa đặt. Vì như đã nói Phi này không phải là bay.

Những câu phú về Tang Hổ đáng chú ý như sau:

- Bạch Hổ kiếp Tướng Quân Đào Tiềm qui ẩn
(Mệnh cung có Bạch Hổ đứng kèm sao Tướng Quân thì như Đào Tiềm xưa chẳng nên xông xáo vào công danh hãy qui ẩn mới an toàn, hoặc có tâm ý không màng danh lợi)

- Nữ mệnh Hổ Riêu đa sự quả ưu
(số đàn bà Bạch Hổ Thiên Riêu trắc trở rắc rối mà không biết lo)

- Tang Môn thậm khổ ư Thiên La, hung thuyên lãnh đạm
(Cung Mệnh tại Thìn thấy Tang Môn tâm chất luôn sầu khổ ngay cả trong chỗ vui)

- Hổ Tang Riêu Bệnh vị chi tứ hung, hạnh ngộ Đồng tinh hóa cát
(Mệnh có bốn sao hung, Hổ Tang Riêu Bệnh nhưng được sao Thiên Đồng lại thành hay)

- Bạch Hổ Tang Môn bất nghi ư Điền Trạch
(Hai sao Tang Hổ không nên đứng vào cung Điền Trạch)

- Khả úy hàm kim chi Bạch Hổ
(Bạch Hổ đóng Dậu thủ Mệnh là người có oai)

- Nữ mệnh ách địa hiềm Thai phùng Bạch Hổ
(cung Tật Ách của nữ mạng rất kị có Thai và Bạch Hổ bị băng huyết)

- Tang Hổ Kiếp Hình cư nhập Tử. Ám Kị lai xâm hữu tật nguyền
(Cung tử tức thấy Tang Hổ Kiếp hình, hay Cự Môn Hóa Kị con cái tật nguyền)

- Riêu phùng Bạch Hổ ác thú tương tàn
(Cung Mệnh hay cung Tật có Thiên Riêu Bạch Hổ hãy đề phòng thú vật)

- Phúc cung ngộ Tang, Đào, Hồng, Tú
Trong họ hàng ắt có quả phu

- Hổ Đà Kị Nhật toan tân
Hùm thiêng chó dữ lánh thân mới toàn

- Tang Môn, Mã, Nhẫn hội cùng
Hạn phùng năm ấy bò trâu chẳng lành

- Đồng Nguyệt Tí gái hoa dung
Gặp Tang Riêu Khốc khóc chồng có phen

- Tham Đà đóng Dần cung hưởng lạc
Hoặc Ngọ Dần có ác tinh vô
Hợi cung Tang Hổ âu lo
Hoặc sét đánh nạn to đợi chờ

- Hổ mà gặp Tấu đồng cung
Công danh thi cử nên công dễ dàng
Hổ mà gặp Phi đồng sàng
Ấy hổ mọc cánh mọi đàng hanh thông

- Lục Châu thủa lầu hồng phải ách
Bởi Tuế Tang Điếu Khách cùng hòa

- Dương Linh tọa thủ mệnh ai
Lại gặp Bạch Hổ họa tai đao hình

- Hạn phùng Riêu Hổ ưu phiền
Những loài ác thú chớ nên đến gần

- Sát phùng Phù Hổ sao nên
Dã Tràng thuở trước ưu phiền ngục trung

- Phá Liêm Tang Đẩu củng lò
Từ cao ngã xuống chờ giờ họa tang

- Tứ Linh Cái Hổ Phượng Long
Công danh quyền thế lẫy lừng một khi

- Tham Vũ đóng đất Võng La
Gặp loài Tang Điếu một nhà cát hung
(Tham Vũ Tuất Thìn hội Tang Môn Điếu Khách là xấu)

- Hạn hành Vũ Khúc Tham tinh
Tang Khốc Thái Tuế lâm Thìn Tuất cung
Khuất Nguyên xưa phải trầm vong
Tuổi Canh ấy phải đề phòng tử sinh

- Hãm cung Tang Tuế Cơ Lương
Ấy người kém phúc vợ con biếng chiều

- Khốc Hư Tang Mã chẳng lành
Hại người hại của phận đành tai ương

- Đào Tang đóng ở Mệnh cung
Lẳng lơ gái ấy phụng loan dứt tình

- Tật cung Thai Hổ huyết băng
Tấu Thư Hoa Cái mệnh phùng thanh cao

- Tử Tang Tả Hữu cùng ngồi
Có chị em gái duyên ôi chẳng lành
(Ở cung Bào)

- Tang Môn Hư Khốc chẳng hay
Tuần Triệt viễn phối họa may mới thành

- Phá Quân duyên nợ ít hoàn
Cô Quả Tang Hổ Khốc thường tóc tang
(Ở cung Phu Thê)

- Hổ Tang Không Kiếp tương gia
Sinh con yểu triết những ba bốn lần (Ở cung Tử Tức)

- Tuế, Hổ, Phù hợp Khúc Xương
Có tài hùng biện văn chương anh tài
(Ở cung Mệnh hay Quan Lộc)

- Cô Thần nếu giữ Điền cung
Tang Môn Ấn Lộc của mong tổ truyền
(Ở cung Điền Trạch. Câu này mâu thuẫn với câu Tang Hổ bất nghi ư Điền Trạch, có lẽ nếu thêm Ấn Quang Hóa Lộc cho nên vậy chăng?)

- Hao Không vườn ruộng được bao
Tang Môn Linh Hỏa lâm vào hỏa tai

- Tang Môn Bạch Hổ chẳng lành
Cửa nhà đủ chỉ náu mình mà thôi
(Ở cung Điền Trạch)

- Tang Môn Cô Quả chẳng hay
Quả Phu có kẻ tháng ngày cô đơn
(Ở cung Phúc Đức)

- Tang Môn Linh Hỏa chớ bàn
Thường sinh hỏa hoạn trong hàng tộc tôn
(Ở cung Phúc Đức)

LUẬN VỀ THIẾU ÂM

Cùng tính chất như Thiếu Dương là mặt trăng thứ hai. Trong khi khoa Tử Vi Trung Quốc thay bằng sao Quán Sách. Sao này được coi là một tạp diệu trọng yếu. Quán Sách làm chuyển biến một số sao mà nó gặp.

Quán Sách gặp Tả Hữu thì người mà mình mong tới giúp lại dùng dằng chậm trễ hoặc bỏ cuộc, hoặc phạm sai lầm mà hỏng việc.

Quán Sách gặp Kình Dương Thiên Hình bị ngăn trở bởi luật pháp, hoặc bệnh tật khiến công việc không tiến. Quán Sách không nên đóng ở Mệnh cung và Tài Bạch sẽ bị người khiên chế bằng quyền lực tiền bạc

Quán Sách vào Quan Lộc dễ bị cách chức, hoặc do chức nghiệp mà bị đẩy vào hình pháp. Như vậy khác hẳn với tính chất tốt đẹp phù trợ của Thiếu Âm. Cũng như Thiếu Dương sự luận đoán tính chất về sao này lờ mờ. Xét ra Quán Sách hợp lý hơn

LUẬN VỀ QUAN PHÙ

Quan Phù theo nghĩa chữ là một mệnh lệnh cấm chế ngày xưa thuộc quan ty hình pháp. Quan Phù thuộc Hỏa. Quan Phù đứng một mình vô lực. Nó đứng theo thế tam hợp với Thái Tuế Bạch Hổ.

Nếu có thêm Sát Kị đứng với Thái Tuế thì Mệnh vận có Quan Phù mới tác hại. Quan Phù phạm Kị Sát mà gặp luôn cả Hỏa Tinh thì càng phiền dữ cách gọi bằng “Hỏa thôi Quan Phù” hung sự tới dồn dập và bất ngờ.

Quan Phù gặp Xương Khúc Thái Tuế không có Sát Kị tinh thì lại là người biện thuyết giỏi hợp với nghề thầy kiện. Hội với Tuế Đà Kị là rắc rối. Gặp Liêm Tang Hổ tai nạn thị phi.

LUẬN VỀ TỬ PHÙ

Tử Phù thuộc Hỏa. Tử Phù tính chất u ám buồn thảm gây cản trở cho công việc, phá rối những niềm vui. Luận cứ về sao này không mấy rõ rệt vững vàng.

LUẬN VỀ TUẾ PHÁ

Tuế Phá là sao đối xung với Thái Tuế. Tỉ dụ Thái Tuế ở Tí thì Tuế Phá ở Ngọ. Nó chống phá Thái Tuế. Tuế Phá không nên đóng ở cung Tài Bạch, đóng đây mà gặp Hỏa Linh Vũ Khúc thì vấn đề tài chánh đột nhiên phát sinh tranh chấp. Tuế Phá cố định không gây hại bằng Tuế Phá lưu niên mà thông thường ta vẫn gọi là năm xung tháng hạn.
Nếu Tuế Phá rơi vào cung Phụ Mẫu mà những sao khác ở cung này cũng xấu thì sẽ có nỗi lo tang chế. Tuế Phá chủ về chống đối phá phách. Tuế Phá thuộc Hỏa.

LUẬN VỀ LONG ĐỨC PHÚC ĐỨC

Long Đức Phúc Đức cùng một tính chất giải trừ tai nạn đau ốm, quan tụng. Sách vở Trung Quốc đưa sao Thiên Đức vào vòng Thái Tuế và không có Phúc Đức cho vòng này. Sách vở Việt thì Thiên Nguyệt Đức tính riêng theo năm sinh khởi từ hai cung Tỵ và Dậu.

Long Đức, Phúc Đức gặp được Thiên Thọ khả năng giải trừ đau ốm càng mạnh. Long Đức, Phúc Đức, Thiên Đức, Nguyệt Đức hội tụ vào Mệnh cung là cách tứ đức. Có bốn sao này thì tính dâm đãng của Đào Riêu Hồng Kiếp bị chế ngự không rông rỡ nữa. Phúc Đức thuộc Thổ

LUẬN VỀ ĐIẾU KHÁCH

Điếu Khách tượng trưng cho bộ quần áo tang (hiếu phục). Điếu Khách chỉ ảnh hưởng xấu khi vào vận hạn mà lưu niên Điếu Khách đến cung có Tang Môn cố định hoặc Thiên Hình, Thái Tuế. Điếu Khách đóng mệnh cung thường hay nói khoác, ba hoa.

Khoa Tử Vi Việt có cách Điếu Khách đi cùng Thiên Mã Thiên Khốc gọi tắt bằng Mã, Khốc, Khách. Cách này làm ra hình tương cưỡi ngựa có kẻ hầu có nhạc loa là hình tượng mọi sự tốt đẹp thành tựu.

Mã Khốc Khách vào vận hạn cũng như vào Mệnh hay Thân đều hay.

Tuấn Mã Khốc Khách hợp bài
Ngựa kia có nhạc anh tài lên yên


LUẬN VỀ TRỰC PHÙ

Vòng Thái Tuế của Trung Quốc không có hai sao Tử Phù và Trực Phù. Theo các sách Việt thì Tử Phù và Trực Phù đều thuộc Hỏa, tính chất tối tăm buồn bã gây rắc rối cho công việc, gây tang thương cho quan hệ giữa người với người.

Qua kinh nghiệm không thấy được ảnh hưởng rõ rệt của hai sao này. Chúng đáng kể như một nhược điểm của khoa Tử Vi, hoặc vì tam sao thất bản mà thành ra thiếu sót.
NGŨ HÀNH SỞ THUỘC CỦA CÁC TẠP DIỆU

Không rõ căn cứ vào đâu hầu hết tạp diệu của Tử Vi Việt đều ghi ngũ hành sở thuộc trong khi tạp diệu ở cách sách Trung Quốc không thấy ghi.

Có thể mình đã vẽ rắn thêm chân? Qua vòng Tràng Sinh thì rõ cái chuyện vẽ rắn này. Như ta gọi sao Thai thuộc Thổ, sao Dưỡng thuộc Mộc, sao Lâm Quan Đế Vượng thuộc Kim thì thật vô lý.

Vì sao? Vì vòng Tràng Sinh là quá trình sinh ra lớn lên của một hành nếu theo số Tử Bình, còn Tử Vi thì tính Tràng Sinh căn cứ theo hành cục, như Thủy nhị cục, Hỏa lục cục…

Khi luận đoán tạp diệu gần như chẳng bao giờ đặt vấn đề ngũ hành. Nếu tạp diệu mà cũng ngũ hành thì luận đoán sẽ đi vào màn khói mù.

LUẬN VỀ SAO ÂM SÁT

Tử Vi khoa Việt không có sao Âm Sát. Nhưng Tử Vi khoa Trung Quốc lại rất chú trọng đến sao này. Âm Sát an thế nào? Âm Sát là sao thuộc nguyệt hệ, an theo tháng sinh như sau:

Sinh tháng 1 Âm Sát đóng Dần
Sinh tháng 2 Âm Sát đóng Tí
Sinh tháng 3 Âm Sát đóng Tuất
Sinh tháng 4 Âm Sát đóng Thân
Sinh tháng 5 Âm Sát đóng Ngọ
Sinh tháng 6 Âm Sát đóng Thìn
Sinh tháng 7 Âm Sát đóng Dần
Sinh tháng 8 Âm Sát đóng Tí
Sinh tháng 9 Âm Sát đóng Tuất
Sinh tháng 10 Âm Sát đóng Thân
Sinh tháng 11 Âm Sát đóng Ngọ
Sinh tháng 12 Âm Sát đóng Thìn

Như vậy sao Âm Sát chỉ có mặt ở các cung Dần, Tí, Tuất, Thân, Ngọ, Thìn thôi không vào các cung khác. Âm Sát tính chất là nghi tâm. Âm Sát vào quan hệ giao tế là tiểu nhân.

Âm Sát vào tư tưởng tâm lý là ảo giác thiên về những điều quái dị. Sao Âm Sát qua luận đoán của những vị tu hành (Phật giáo) là sao thuộc về linh giới.

Một nhà tướng số Trung Quốc tên Trịnh Giá Học có viết nguyên một cuốn sách về Âm Sát cả mấy trăm trang, nhưng thâu tóm lại ta có thể đưa thẳng ra những nguyên tắc của một trang cũng đủ, mấy trăm trang chẳng qua chỉ là những dẫn chứng rườm rà.

Sau đây là tác động của Âm Sát đối với các cung. Âm Sát vào Mệnh hay gặp tiểu nhân, bản tính nghi hoặc nên dễ bị phiền não vô ích, nếu thấy luôn cả Đà La, Hóa Kị Không Kiếp hãm thì dễ dàng đi đến ảo giác, suy nghĩ vớ vẩn, hoặc vì ma túy mà ra con người đầu óc lơ mơ.

Âm Sát ở cung Thiên Di, con người cô độc, ít hợp, khó hòa đồng hay ngại ngùng nghi kị, mê muội với sự vật hư ảo.

Âm Sát ở Tật Ách thêm những sát tinh khác, tư tưởng hành động thiếu thăng bằng bệnh tâm trí

Âm Sát ở Phụ Mẫu ưa những vọng tưởng không thực về gốc gác mình

Âm Sát ở Nô Bộc hay uất ức với bè bạn, với một công việc hợp tác, nghi kị. Âm Sát ở Huynh Đệ thường bị phản từ nội bộ

Âm Sát ở Phối cung đau khổ ngẩn ngơ vì người thương yêu mất đi do sinh ly hay tử biệt.

Âm Sát ở cung Quan Lộc làm một việc mê muội mà hại đến sự nghiệp,mê vợ mê tình nhân, hoặc cả tin vào bạn, người dưới quyền, người trên mà khốn khó.

Âm Sát ở cung Tài Bạch vì tự cao tự đại vì tham mê mà phá sản.

Âm Sát ở cung Phúc Đức tâm lý tư tưởng quá khích, cuồng tưởng, vọng tưởng, cuồng tính, gặp thêm các sát kị tinh có thể thành điên.

Âm Sát ở cung Tử Tức con người rất chủ quan, lại hay đi vào tín ngưỡng tôn giáo đồng bóng, tuyệt đối tin rằng con cái mình giỏi hơn, đáng kính đáng yêu hơn bất cứ ai khác.

Âm Sát ở cung Điền Trạch thường gặp những nhà cửa có ma quỉ, hoặc vì vợ mất đi, con chết mà cứ lởn vởn thấy linh hồn vợ con phảng phất.

QUAN PHỦ VÀ QUAN PHÙ

Vòng Bác Sĩ và vòng Thái Tuế có hai sao tính chất gần giống nhau dễ làm cho người ta lầm lẫn ấy là sao Quan Phủ thuộc vòng Bác Sĩ và sao Quan Phù thuộc vòng Thái Tuế. Giống nhau ở điểm cả hai đều có thể gây ra chuyện dính dấp đến luật pháp.

Sao Quan Phù của vòng Thái Tuế bao giờ cũng đứng thế tam hợp với Thái Tuế, cứ có Thái Tuế là phải có Quan Phù hội hợp. Còn Quan Phủ của vòng Bác Sĩ thì lại không có chuyện tam hợp như Quan Phù của Thái Tuế.

Câu phú:

Quan Phủ Thái Tuế một cung
Đêm ngày chầu chực cửa công mỏi mòn

Nếu Quan Phủ của câu này mà đổi thành Quan Phù thì ai cũng sẽ rơi vào vòng lao lý hết sao? Thế nhưng Quan Phù của vòng Thái Tuế cũng có tính chất của mệnh lệnh cấm chế thời xưa thuộc quan ty hình pháp. Như vậy hai sao này đã gây nên một nghi vấn. Do tam sao thất bản, hay do tối nghĩa?

LUẬN VỀ THIÊN KHÔI THIÊN VIỆT

Thiên Khôi, Thiên Việt còn có một tên gọi khác là Thiên Ất Quí Nhân. Những tên gọi này thường dùng trong khoa Tử Bình, ít nhất trong khoa Tử Vi. Cả hai chủ về khoa danh, nhưng còn nên hiểu thêm một ý nghĩa khác nữa như là cơ hội để cho khỏi bị bó hẹp.

Nếu Xương Khúc chủ khoa danh rồi thì lại Khôi Việt cũng khoa danh thì ý nghĩa trở thành lẫn lộn. Thật ra cổ nhân có phân biệt, Xương Khúc thì thông minh tài trí, văn chương học vấn, còn Khôi Việt thì tạo đất dụng võ cho thông minh tài trí và văn chương học vấn. Thi cử Xương Khúc có lợi, nhưng ra làm việc Khôi Việt mới thuận.

Có câu phú rằng:

Khoa Quyền ngộ Khôi Việt dị thành công
Xương Khúc hữu Âm Dương nhi đắc lực


Nghĩa là Khoa Quyền được Khôi Việt dễ thành công hơn, và Xương Khúc gặp Nhật Nguyệt đắc lực hơn.

Thiên Khôi đi theo đường chánh, Thiên Việt đi với dị lộ (dị lộ không phải là đường tà mà là đường khác người).
Qua bảng thần thoại theo truyền thuyết Thiên Khôi cầm bút chu sa ghi tên những ai đăng khoa xuất sĩ. Bởi thế khi các sĩ tử đi thi thường làm cỗ cúng Thiên Khôi tinh. Thi đỗ rồi con đường trước mắt là xuất sĩ.

Phần Thiên Việt nếu đi cặp được với Thiên Khôi thì mới vào chánh đạo. Thiên Việt đứng một mình thường chỉ gặp những cơ hội nhỏ thôi.

Thiên Khôi thuộc dương hỏa tốt hơn cho người sinh ban ngày vì Thiên Khôi là nhật quí. Thiên Khôi tạo khuôn mặt sáng sủa cho con người.

Thiên Việt thuộc âm hỏa tốt hơn với người sinh ban đêm có phong thái đĩnh đạc. Thiên Việt mang thêm tính chất đào hoa, gặp Thiên Riêu Đào Hoa càng đa tình. Nhưng Thiên Việt gặp Hồng Loan cổ nhân gọi bằng “hồ đồ đào hoa” hay yêu sảng, nhất là phái nữ.

Khôi Việt một đóng ở Mệnh, một đóng ở Thê mà Thân cư Thê gia hội các cát tinh khác thì đỗ đạt sớm, lấy vợ đẹp xinh. Nếu không hội hợp cát tinh tất khoa danh lận đận, nhưng chuyện vợ đẹp xinh vẫn không thay đổi.

Sách có câu: “Tuy phú quí nhi bất miễn dâm dật” để nói về Khôi Việt đối với nữ mạng. Trên thực tế kinh nghiệm chỉ có gặp ác sát Không Kiếp thì mới dâm dật chứ không phải cứ Khôi Việt là dâm dật.

Khôi Việt một ở Sửu, một ở Mùi, Mệnh với Thiên Di cách gọi bằng tọa quí hướng quí. Tốt hay xấu còn phải tùy thuộc vào chính tinh tại Mệnh cung. Nếu có các sao tốt thì bất luận trai hay gái đều giàu sang. Nhưng cách tọa hướng quí kể như là một cách đào hoa vậy.

Khôi Việt còn có lưu Khôi lưu Việt theo vận hạn mỗi năm. Tỉ dụ người tuổi Giáp, Thiên Khôi đóng Sửu, Thiên Việt đóng Mùi gặp lưu niên vận hạn Giáp Mậu Canh tất nhiên được thêm lưu Khôi lưu Việt, hỉ khánh tăng lên tùy theo cung nào có chúng. Như ở Thê cung mà gặp năm lưu Khôi lưu Việt thì chuyện lấy vợ càng rõ ràng, nếu cung Tử Tức thì chuyện có con càng chắc chắn được Khôi Việt hiệp, cũng cần có lưu Khôi lưu Việt thì lực lượng mới phát huy.
Tỉ dụ người tuổi Đinh Thiên Khôi đóng Hợi, Thiên Việt đóng Dậu Thìn Tuất là cung Khôi Việt hiệp, vận năm Bính Khôi lưu tới Hợi, Việt lưu đến Dậu gọi bằng lưỡng trùng Khôi Việt thì cơ hội tốt đẹp đến nhiều hơn.

Khôi Việt cần đi đôi, đi đôi rồi lại cần trùng điệp mới hay. Khôi Việt hiệp Mệnh rất hợp với hai sao Tử Vi Thiên Tướng. Người Mệnh Tử Vi Thiên Tướng vốn đã mang sẵn lắm khuyết điểm. Nhưng nếu có Khôi Việt hiệp sẽ hóa giải những khuyết điểm ấy. Khôi Việt đứng đối nhau rất hợp với Thái Âm Thái Dương.

Nhật Nguyệt tọa Mệnh cung có nhiều khuyết điểm, cuộc đời khó thuận buồm xuôi gió, gặp Khôi Việt đối nhau tất thi cử dễ dàng hơn, đồng thời gặp quí nhân đề bạt đẩy chức phận lên cao.

Khôi Việt đóng Thân, Tí rất hợp với sao Vũ Khúc, Vũ Khúc đi cùng Hóa Lộc càng tốt nữa, ắt thành công trên mặt kinh doanh. Khôi Việt ở Dần Ngọ rất hợp với Cự Môn ở Tuất, sách gọi bằng “phản bối” cách, cách này thường gặp những kỳ ngộ về may mắn.

Khôi Việt không bao giờ đóng ở Thìn và Tuất, cổ nhân viện lẽ rằng quí nhân không đi vào đất la võng. Tính chất tế nhị của Khôi Việt không chịu đựng nổi sức ép của lưới trời lưới đất.

Một điều cần chú ý Khôi Việt ở Sửu Mùi. Hai cung chỉ kể làm vượng địa chứ không phải miếu địa cho quí nhân. Sách Đẩu Số Toàn Thư viết nếu ngoài bốn chục tuổi mà gặp hạn Khôi Việt Sửu Mùi thì gọi bằng “quí nhân nhập mộ” chẳng những không là cơ hội tốt mà biến ra những cái họa mai phục, ẩn dấu.

Câu: “Khôi Việt trùng phùng kiêm sát tấu, cố tật vưu đa” (gặp trùng điệp Khôi Việt ở đây thêm sát tinh nữa ắt sẽ bị bệnh thành tật không khỏi). Như vậy ngoài bốn chục tuổi lưu niên và đại hạn đi vào Sửu Mùi có Khôi Việt rồi lại lưu Khôi Việt thêm Hỏa Linh Dương Đà thì bệnh tật triền miên.

Đời xưa tuổi thọ trung bình so với đời nay ngắn hơn, bởi vậy cổ nhân mới lấy bốn chục tuổi làm chuẩn. Thời đại nay tuổi thọ trung bình cao hơn nên tính từ ngoài năm mươi mới đúng.

Ngoài bốn chục gặp Khôi Việt trùng phùng đi cặp với những sao Đào Hoa thì Khôi Việt hoá thân thành đào hoa, nam hay nữ đều gặp những cuộc tình ngoại hôn, hoặc bấy giờ mới lấy chồng, lấy vợ. Khôi Việt chủ về đào hoa, nhưng chỉ vào cung Phúc Đức hay Phu Thê mới kể, còn vào Mệnh cung không phải.

Tỉ dụ Phúc Đức ở Tí, Phu Thê ở Thân, người tuổi Ất tuổi Kỷ Khôi Việt đóng Tí Thân, nếu hai cung này xuất hiện Thiên Riêu, Mộc Dục, Đào Hoa, đương nhiên Khôi Việt chuyển thành đào hoa tinh.. Sau đó mới phối hợp chính diệu của các cung Phối với Phúc để mà đoán định. Giả như cung Phúc có Thiên Đồng, Thái Âm thì đoán rằng do ý chí mềm yếu mà gặp đau khổ duyên tình. Nếu có Vũ Khúc Thiên Phủ thì đoán rằng có quan hệ với một người đã có gia đình.

Trường hợp chính tinh vững vàng lại có Lộc thì thành cách lấy vợ giàu. Tỉ dụ Phúc Đức là Tử Vi, Phố cung là Vũ Khúc Hóa Lộc, rồi Mệnh cung lại gặp Lộc Tồn. Trường hợp Mệnh Vô Chính Diệu, Khôi Việt đơn thủ mà gặp hung sát tinh ắt bị thương hoặc có tật.

Khôi Việt gặp Hoả Linh lắm tai ương, Khôi Việt gặp Không Kiếp trở nên vô dụng.

Những câu phú cần biết thêm về hai sao Thiên Khôi, Thiên Việt:
- Khôi Việt Mệnh Thân vi trưởng tử
(Mệnh Thiên Khôi, Thân Thiên Việt thường là con trưởng hoặc nắm quyền trưởng)

- Khôi Việt nhập Thân ư gia quốc tất vi nhân trưởng
(Khôi Việt đóng Thân thường ở địa vị đàn anh)

- Khôi Việt Mệnh Thân đa triết quế
(Có Khôi Việt ở Mệnh Thân thì đỗ đạt cao)

- Thiên Khôi Thiên Việt cái thế văn chương
(Khôi Việt vào Mệnh học hành uyên bác)

- Khôi Việt Xương Khúc Lộc Tồn phù hình, sát vô xung đa phú quí
(Mệnh phù trợ bởi Khôi Việt Xương Khúc Lộc Tồn, mà không bị sát tinh xung phá ắt giàu sang)

- Khôi Việt đa văn ngộ Đà Kị thiên di dật sĩ
(Khôi Việt gặp Kình Đà từ cung Thiên Di, tài giỏi nhưng ẩn dật)

- Khôi Xương Tả Hữu tương hội hợp, phụ long phan phượng thượng cửu trùng
(Thiên Khôi, Văn Xương, Tả Phụ, Hữu Bật hội tụ vào Mệnh, được người đề bạt mà hiển vinh)

- Tả Hữu Khôi Việt vi phúc thọ
(Mệnh có Tả Hữu, Khôi Việt vừa có phúc vừa thọ

- Khôi Việt đan thủ tử hữu quí
(Cung tử tức Khôi Việt đơn thủ sinh con tài giỏi)

- Thiên Khôi Thiên Việt, phu phụ mỹ lệ
(Phối cung có Khôi Việt lấy vợ đẹp hoặc chồng bảnh)

- Khôi Việt đan thủ Tài Bạch thanh cao, nhất sinh toại ý
(Cung Tài Bạch có Khôi Việt thì thanh cao sang trọng mà không giàu có)

- Sao Quan Phúc cùng Khôi tinh
Đóng vào Thân Mệnh đề danh bảng rồng
(Quan Phúc đây là Thiên Quan Thiên Phúc)

- Việt Khôi Quyền Lộc trong ngoài
Trưởng nam trưởng nữ gái trai đồng bàn

- Việt Khôi Long Phượng Khúc Xương
Ngộ Khoa ắt hẳn bẻ cành quế hoa

- Việt Khôi, Lương Tướng quí trung
Ắt là con giống cháu dòng chẳng sai

- Khôi ngộ Kị trên đầu có tật
Vượng ngộ Khôi thật lắm nốt ruồi

- Cung tử tức trong ngoài Khôi Việt
Hẳn sinh người hào kiệt khoa danh

- Lưỡng Quí phùng Tử Vi Đoài Chấn
Ắt sinh con cầu tự chẳng sai
(Khôi Việt gặp Tử Vi ở Mão với Dậu thì có con cầu tự)

- Việt Khôi là cách văn chương
Khôi là khôi ngộ, Việt thường da đen

- Khôi Việt miếu vượng trưởng huynh
Gia đình xã hội hẳn dành ngôi trên

- Việt Linh Hình hội Cơ Lương
Hoặc là Nhật Nguyệt ắt chờ lôi kinh
(Lôi kinh là bị sét đánh hay điện giật)

- Ân Quí Khôi Việt Đào HồNg
Trai cận cửu trùng gái tất cung phi

- Việt Khôi Quyền Lộc khá bàn
Trong nhà bậc trưởng ra đàng bậc trên

- Việt Khôi Quyền Tướng đáng yêu
Lại gia Tử Phủ mọi chiều vinh quang
(Những sao nói trên hội vào Phu Thê cung)

- Cự Kị nên tránh đò sông
Phục Binh Hình Việt mắc vòng gươm đao
Hỏa Linh Hình Việt khác nào
Không bị sét đánh búa dao có ngày

- Việt Khôi là cách ung dung
Việt thường nhờ bạn, Khôi thường gặp sang.
(Câu trên nói về Khôi Việt đóng cung Thiên Di)

- Khôi Khoa Xương Khúc Tấu Thư
Phát đà văn học có dư anh tài
(Khôi Việt Xương Khúc Tấu Thư ở cung Phúc Đức)

- Cung giải mà ngộ Khôi Hình
Số người phải mắc pháp hình đau thương

Trích Tử vi tinh điển - vũ tài lục
p/s: bạn nào đọc tới đây, phần nào có kiến thức về các sao trong tử vi khá rồi. để lại com để mình còn đi lượm tiếp nhé ;)
 
Last edited by a moderator:
Bên trên