Nhà văn Xuân Cang: Nhận diện mình qua kinh dịch

TDH

Thành viên chính thức
Ông được biết đến với tư cách là một nhà văn thành công trên con đường quan lộ, với các chức vụ từng kinh qua như Ủy viên BCH Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên Ban thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy viên Đảng ủy khối dân vận Trung ương, Tổng Biên tập báo Lao động, Giám đốc NXB Lao động, mặc dù gia tài văn chương của ông tính đến nay cũng đã có tới hơn 30 đầu sách các loại...

Một số tác phẩm của Nhà văn Xuân Cang cũng đã đoạt giải thưởng cao ở các cuộc thi lớn như giải Nhất cuộc thi bút ký Báo Văn nghệ (năm 1960), Giải Ba cuộc thi Báo Văn nghệ (năm 1967), Tặng thưởng văn học đề tài công nhân của Tổng Công đoàn Việt Nam (các năm 1969-1971, 1972-1974)... Tuy nhiên, câu chuyện hôm nay ông chia sẻ với chúng tôi lại thuộc về một lĩnh vực "tay trái" mà ông đã dày công nghiên cứu nhiều năm nay với bộ sách "Khám phá một tia sáng văn hóa Phương Đông", nghiên cứu Kinh Dịch và những ảnh hưởng của nó đối với cuộc đời các nhà văn, thử khám phá "một phương pháp Kinh Dịch" trong phê bình văn học.

Nhà văn Xuân Cang chia sẻ rằng, trải qua nhiều thế kỷ, ở Việt Nam ta đã hình thành một nền Dịch học mang dấu ấn Việt Nam mà những tác giả kiệt xuất là Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ, Trần Cao Vân, Phan Bội Châu, Tản Đà... Bản thân ông, thời bé cũng đã từng được cha mình (một nhà giáo dạy chữ Hán ở trường quê nhưng đã được tiếp xúc với văn học Pháp khá sớm, qua các bản dịch) dẫn đi từ Bắc Ninh ra Hà Nội xin thi sĩ Tản Đà cho một quẻ Hà Lạc. Không biết thi sĩ Tản Đà nói với thân phụ ông những gì, mà cho đến bây giờ, ông còn nhớ những trận đòn dữ dội thời thơ ấu. Một lần chỉ vì chơi súng lông ngỗng (trẻ quê bấy giờ có trò chơi dùng ống lông ngỗng làm ống phụt, vỏ dưa hấu làm đạn), Xuân Cang vô ý bắn vào má một cô bé vào cửa hàng thuốc bắc của ông cụ. Khi cô ra về, ông cụ nọc cậu con ra đánh một trận thừa sống thiếu chết. Và nhiều những trận đòn khác nữa của cả cha lẫn mẹ. Bây giờ đọc "lời hào 4" mới biết, thì ra cha mẹ ông đã "ngăn cái ác" cho ông (mà là ngăn theo cách "chằng cái gông cho con nghé còn non, mới nhú sừng" - như lời hào 4 quẻ Đại Súc). Không biết có phải do biết "ngăn cái ác" hay không, nhưng quả thật trong suốt những năm tháng về sau, ông có chăm học hành hơn, ham đọc văn chương, ở trường quê mà tìm mọi giá, mọi cách để có sách đọc.

Năm 1946, do chiến tranh, ông phải ngừng học. Nhưng sau đó, dù làm gì, ở đâu, không lúc nào ông rời việc đọc, việc học thêm, coi trọng việc tu đức, luyện tài. Cho đến nay, tuy không có bằng cấp gì đáng kể, song ông đã trải qua rất nhiều công việc, từ làm công nhân thợ tiện quân giới, thợ lò cao quốc phòng, trinh sát pháo binh, rồi ông làm việc ở Khu gang thép Thái Nguyên, làm cán bộ công đoàn, viết văn, làm báo...

Nhà văn Xuân Cang cho rằng, mỗi người khi được sinh ra, lớn lên và làm các công việc của mình đều gắn liền với chữ "duyên". Bản thân ông, thoạt tiên đọc cuốn "Bát tự Hà Lạc lược khảo" của Học Năng, một cuốn sách dự đoán học, giới thiệu một phép toán nhờ vào năm, tháng, ngày, giờ sinh mà cho biết toàn bộ hành lang và hành trình số phận một con người, phản ánh trong một Cấu trúc các quẻ Kinh Dịch dành riêng cho mỗi người… cũng không phải đã ngay tức thì hiểu được. Nhưng khi ông làm thử mấy bài toán thì thấy ứng nghiệm lạ lùng. Ông bèn soạn thành những bài giảng thực hành, giới thiệu tại một Câu lạc bộ nghiên cứu Kinh Dịch. Để có một số bài làm minh chứng, ông nghĩ không gì hay hơn là lấy ngay những gì đã được công bố, mọi người đã biết, trong đời sống văn chương của các nhà văn, soi chiếu dưới ánh sáng của Hà Lạc. Đến đây thì một điều bất ngờ đã xảy ra. Không chỉ toàn bộ hành lang, hành trình cuộc đời hiện ra trong cấu trúc các quẻ Dịch mà cả những bước đi thăng trầm trong sự nghiệp văn chương, phẩm chất văn chương, thiên hướng văn chương... Ông chọn ra mười nhà văn để làm thử mười bức chân dung dưới ánh sáng Kinh Dịch. Có người sinh vào cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này như Tản Đà, Khương Hữu Dụng, Tô Hoài...; có người thuộc phần sau thế kỷ như Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ...

Đối với nhà văn, thuật toán Hà Lạc hiện lên trong hành trình và hành lang văn chương, trong thiên sứ, thiên hướng và bản sắc văn chương (ta vẫn gọi là cái tạng) trong những áng văn tiêu biểu của từng người. Ông cho biết: "Dấu ấn đầu tiên của cấu trúc Kinh Dịch nổi bật trong văn chương mỗi người là Tượng thiên nhiên. Nhà văn đầu tiên cho tôi khám phá ra điều ấy là Nguyên Ngọc. Cấu trúc Kinh Dịch của ông có tượng thiên nhiên là Đất, Gió (cũng hiểu là cây) Nước. Thế thì tác phẩm của ông là "Đất nước đứng lên", "Mạch nước ngầm", "Rừng xà nu", "Rẻo cao", "Đất Quảng", "Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng"... Ngay những cái tên truyện cũng thấm đẫm cảm xúc về Đất, Cây, Nước. Hay như cấu trúc Tản Đà là Núi, Nước. Không biết cái gì xui khiến ông lấy tên núi Tản sông Đà làm bút danh Tản Đà. Tác phẩm mệnh của ông là bài thơ "Thề non nước", cũng là tác phẩm để đời của ông. Hoặc cấu trúc Tô Hoài là Đầm, Cây. Ngay đến cái tên cha mẹ đặt cho ông cũng là Sen (nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen), một loài cây trong đầm. Tác phẩm mệnh, để đời của ông là "Dế mèn phiêu lưu ký", nhân vật là những "dân cư" trong đầm: dế mèn, châu chấu voi, cò, cốc, sếu, vạc, ếch cốm, nhái bén... Có khi tượng thiên nhiên không lộ ra như những trường hợp trên, mà ẩn giấu trong hình tượng nhân vật.
Ngoài việc áp dụng Kinh dịch để phát hiện ra "tạng văn" của từng người, nhà văn Xuân Cang cũng đi sâu khái quát những chặng thăng trầm trên con đường đến với văn chương của các nhà văn.

Tôi hỏi ông, trong gần 20 năm nghiên cứu kinh dịch, nghiên cứu sự ứng nghiệm của nó đối với các nhà văn và đã viết in thành sách, đã có nhà văn nào phản đối kết luận của ông? Nhà văn Xuân Cang cười rất tươi, giấu những nếp nhăn đằng sau cặp kính dày cộp: "Tôi chưa thấy ai phản ứng cả, hầu hết họ đều hài lòng với cách tính toán của tôi. Bởi vì trên thực tế, những điều tôi nói không phải là mê tín dị đoan, cũng không phải là một sự áp đặt nào cả, nó áp dụng trên một phương pháp nghiên cứu khoa học cổ xưa của cha ông và phải rất chịu khó mày mò, tra cứu, tìm hiểu thì mới có một kết quả chính xác chứ không thể nào nói bừa được". Tôi lại hỏi ông, vậy những điều kinh dịch có đúng khi so với đời văn của ông? Nhà văn Xuân Cang nói đầy phấn khích: "Mệnh tôi theo Kinh Dịch thuộc quẻ "Sơn thiên Đại Súc". "Đại Súc" là Chứa lớn. Không biết giời đất xui khiến thế nào, cha mẹ tôi đặt tên tôi là Cang, cái tên ấy đã hàm nghĩa Chứa lớn. Cang là cái chum nhỏ bằng gốm sành vẫn đựng thóc giống trong buồng nhà quê. Mệnh chứa lớn đã nhập vào đời văn của tôi khiến tôi hỏi chuyện và ghi chép được hai cuốn hồi ký của Trần Bảo và Hoàng Quốc Việt, hai nhà lãnh đạo Công đoàn. Cuộc đời của hai nhân vật này gồm những chi tiết sống động tiêu biểu cho hình tượng người thợ những năm đầu thế kỷ, từ thân phận bị áp bức, dưới đáy xã hội, mà đứng dậy, nắm lấy ngọn cờ giải phóng đất nước, giải phóng cho những người cùng thân phận với mình. Cuốn "Hạt máu" của Trần Bảo gọi là hồi ký nhưng được viết với phong độ một tiểu thuyết, các nhân vật có tính cách, có số phận, cốt truyện li kỳ, chi tiết chọn lọc, chỉ khác tiểu thuyết ở chỗ hoàn toàn không có chi tiết nào do tưởng tượng thêu dệt. Cuốn sách được bạn đọc tìm đọc, có người nói đã cầm sách là không buông xuống, tái bản đến nay là 4 lần".

Nhà văn Xuân Cang tự nhận ông là một nhà văn có lợi thế khi viết về người lao động, bởi bản thân ông đã trải qua nhiều nghề khi đến với nghề làm báo, viết văn. Một trong những cuốn sách mà ông tâm đắc là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc sống của người công nhân "Những ngày thường đã cháy lên". Xuân Cang chia sẻ: "Tôi viết cuốn tiểu thuyết "Những ngày thường đã cháy lên" giữa những năm báo chí ta có phong trào "Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật", mà Báo Lao Động của chúng tôi chính là một ngọn lửa của thời ấy. Liền trong 3 tháng, cứ 3h sáng, tôi thức dậy viết một mạch đến 6h sáng. Sau đó đạp xe lên tòa soạn ở 51 Hàng Bồ - Hà Nội. Các phóng viên của chúng tôi chính là những nhân vật mẫu của tiểu thuyết. Có một ngày tôi tiếp một đoàn bạn đọc là công nhân Tây Nguyên, những người thợ trồng cao su người Bana, Gia Rai, các anh kể bắn được mấy con trăn, bán lấy tiền mua vé máy bay, ra tòa soạn chỉ để cung cấp cho chúng tôi những bức ảnh nói lên sự thật. Ngay sau đấy, tôi yêu cầu thư ký tòa soạn ra ngay nhà in, thay một bản tin bằng bức ảnh mới nhận. Và sáng hôm sau, lúc ba giờ sáng, tôi xé những trang đang viết, thay vào đấy kể ngay chuyện công nhân Tây Nguyên tìm đến phố Hàng Bồ - Hà Nội. Đấy, cuộc sống đời thường mà nhiều nhà phê bình từng nói đến đã chảy thẳng vào trang văn của tôi giản dị và nhẹ nhàng như thế!".

Theo Trần Hoàng Thiên Kim (VNCA)​
 

TDH

Thành viên chính thức
Xuân Cang - Hành trình tìm mình

Thật ra cả cuốn sách này đã là một hành trình tìm mình của tôi, nên ở đây tôi chỉ xin nói những gì tâm đắc nhất. Tôi sinh giờ Thìn ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Thân (25-12-1932). Cấu trúc Hà Lạc của tôi, quẻ Tiên thiên là Sơn Thiên Đại Súc, hỗ tiên thiên là Lôi Trạch Quy Muội. Tượng thiên nhiên nhuần thấm vào khí chất và cảm xúc văn chương của tôi là Núi, Trời, Lửa, Sấm chớp, Đầm hồ, Gió. Nghĩa quẻ Đại Súc là Tích chứa lớn. Người được quẻ này coi tượng quẻ thấy trên là Núi, dưới là Trời, núi mà chứa được trời thì sức chứa của nó thật lớn, nên gọi là Đại Súc. Lời quẻ nói rằng: Nếu biết tích chứa tài đức, cương kiện như Trời, thành thực, rực rỡ (nói về văn vẻ) như Núi, lại biết tích chứa mỗi ngày một mới, thì có thể vượt sông lớn, có ích cho đất nước. Tôi may mắn có hào chủ mệnh tốt là hào 4 quẻ Đại Súc. Lời hào 4 âm nói rằng: Biết ngăn cái ác ngay từ lúc đầu thì làm được điều tốt. (Đặc điểm quẻ Đại Súc là Lời quẻ thì nói về ý nghĩa Tích chứa, thuộc tượng Trời; lời hào thì nói về ý nghĩa Ngăn ngừa, thuộc tượng Núi). Thuở bé, cha tôi có ra Hà Nội xin thi sĩ Tản Đà cho tôi một quẻ Hà Lạc (xem bài Tản Đà, ánh chớp trong đêm thế kỷ), không biết ông Tản Đà nói cho cha tôi biết những gì, mà cho đến bây giờ, tôi còn nhớ những trận đòn dữ dội thời thơ ấu. Một lần chỉ vì chơi súng lông ngỗng (trò chơi trẻ nhà quê, dùng ống lông ngỗng làm ống phụt, vỏ dưa hấu làm đạn), hình như tôi vô ý bắn nhầm vào má một cô bé vào cửa hàng thuốc bắc của cha tôi, khi cô ra về, cha tôi nọc ra đánh một trận thừa sống thiếu chết. Và những trận đòn khác nữa, của cả cha lẫn mẹ. Bây giờ đọc lời hào 4 mới biết thì ra cha mẹ tôi đã ngăn cái ác cho tôi (mà là ngăn theo cách chằng cái gông cho con nghé còn non, mới nhú sừng - xem lời hào 4 quẻ Đại Súc). Không biết có phải do biết ngăn cái ác hay không, nhưng quả thật trong suốt cuộc đời về sau, tôi có chăm học hành hơn, ham đọc văn chương, ở trường nhà quê mà tìm mọi giá, mọi cách để có sách đọc. Năm 1946, do chiến tranh, tôi phải ngừng học. Nhưng sau đó, dù làm gì, ở đâu, không lúc nào tôi rời việc đọc, việc học thêm, coi trọng việc tu đức, luyện tài. Có lẽ vì vậy, cho đến nay, trong lý lịch tôi không có bằng cấp gì đáng kể, mà chỉ có hành động, những việc làm: Tôi đã làm thợ, đi lính, làm cán bộ công đoàn, viết văn, làm báo...


Năm 1992 tôi bắt đầu nghiên cứu Kinh Dịch. Năm 1994, do làm quen với giáo sư Nguyễn Hoàng Phương mà được đọc cuốn Bát tự Hà Lạc lược khảo của Học Năng, in năm 1974 ở Sài Gòn, bản sao chụp không biết lần thứ bao nhiêu, chữ nhoè nhạt, mờ mịt. Tôi kiên trì đọc và làm thử một bài toán Hà Lạc cho mình, thì từ những dòng chữ nhòe nhạt và mờ mịt ấy sáng lên trong tôi một cái nhìn người xưa đã tìm thấy từ mấy ngàn năm trước. Tôi bối rối và sung sướng phát hiện ra mình, những tượng Núi, Trời, Lửa, Gió đi vào văn tôi và hành trình cuộc đời cứ là rõ mồn một, chỉ cần nghe cái tên thôi đã thấy. Này là từ tượng Núi: Lên cao, Mạch nước, Trở lại Xam Khoè; Núi và Lửa: Suối Gang; Lửa: Trước lửa, Đêm hồng, Những ngày thường đã cháy lên. Này là từ một cái nhìn bao quát từ trên cao xuống (từ trời): Những vẻ đẹp khác nhau; những tác phẩm báo chí và lý luận về Công đoàn và Chính sách xã hội. Tượng Gió đi vào văn tôi thành những câu văn ruột:... Và một điều bất ngờ đã xảy ra. Một mùi thơm trinh khiết lạ lùng, quyện với mùi mồ hôi, mùi gió đồng, mùi tóc, tất cả choáng ngợp trong tôi, thấm đẫm trong tôi, như tất cả tinh hoa người nàng, đọng trong khoé mũi ấy, và chỉ chờ đợi tôi, chỉ cho tôi... Chính giữa lúc ấy, tiếng chuông chùa gióng lên vang vọng, đầy tràn trên cánh đồng hoàng hôn. Nàng bảo: “Nhớ đời nhé”. Vâng, đó là một buổi chiều nhớ đời. Bởi vì từ buổi chiều hôm đó, mỗi lần tiếng chuông âm vang lại xáo động, náo động lên trong tôi cái giây phút tôi đắm mình trong mùi hương của nàng, quyện trong hương đồng, gió đồng. (Nụ Hoa Cau. NXB Lao động - Hà Nội 1997 - tr. 17). Theo Phan Bội Châu, quẻ Đại Súc bảo tôi một câu vô cùng thấm thía rằng: Đọc lời Thoán nói về quẻ Đại Súc, chúng ta để ý bốn chữ: Đốc Thực (dày dặn, ý nói chứa trữ tài đức cho dày dặn) Huy Quang (sáng sủa). Người trong thiên hạ, nhiều hạng người thấy có huy quang mà không phải đốc thực, chứ không hạng người nào đã đốc thực mà không huy quang. Huy quang mà không đốc thực, thời chỉ là loè loẹt ở bề ngoài, trau chuốt những văn minh vỏ. Thế chẳng phải là chân chính huy quang... Nghĩa là đạo của tiểu nhân, tuy rực rỡ vậy mà ngày càng lần lần mất. Đó là tệ bệnh vì huy quang mà không đốc thực. Huy quang mà không đốc thực thời là huy quang giả. Đến như đốc thực mà nẩy ra huy quang, thời đạo đức ở trong mà văn thái hiện ở ngoài... Vậy nên, muốn thấy được chân chính huy quang, thời trước phải căn cứ ở nơi đốc thực. (Phan Bội Châu toàn tập. Nxb Thuận Hóa - Huế-1990. Tập 7 tr. 417). Khỏi phải nói thêm gì. Tôi đã nhờ một ông đồ viết to bốn chữ của đời tôi Đốc Thực Huy Quang, đóng khung treo trong phòng làm việc.


Trong lòng quẻ Đại Súc, có quẻ hỗ Lôi Trạch Quy Muội, nhắc nhở ta rằng trong mệnh của ta có chứa chất những lỗi lầm kiểu quy muội (sơ xuất khi gả em gái về nhà chồng), trong đó có cả những lỗi lầm đáng yêu theo kiểu Đế Ất quy muội (xem bài về Nguyên Ngọc). Hào chủ mệnh của tôi là hào 4 quẻ Đại Súc, ảnh hưởng trực tiếp của nó là hào 5 quẻ Quy Muội, đúng là hào Đế Ất quy muội. Chả thế mà tôi viết: Những người thua trận đáng yêu (Giải nhất thi bút ký báo Văn Nghệ 1962) kể chuyện những chiến sĩ quân đội phạm những lỗi đáng yêu khi tiến quân vào mặt trận khoa học, kỹ thuật. Và trong đời sống, tôi cũng phạm nhiều những lỗi lầm kiểu quy muội, đáng nhớ nhất là những sai sót thời kỳ làm báo. Làm anh Tổng biên tập báo thường phải quyết định trong giây phút: có đưa thông tin này không, thậm chí có đưa câu này lên báo không, trong cái phút ấy, không được phép mắc lỗi quy muội. Tôi đã có sơ xuất đưa lên báo câu này: Khi cái mái nhà dột thì việc quét tước bên dưới là vô ích.


Một phần đời tôi là hoạt động công đoàn. Hành trình đó đã được ghi trong cấu trúc Hà Lạc của tôi: quẻ hậu thiên Thiên Hỏa Đồng Nhân. Thiên là Trời. Hỏa là Lửa. Tượng quẻ là Lửa sáng dưới Trời. Đồng Nhân là Cùng Người. Hào chủ mệnh là hào 1 quẻ Đồng Nhân: Ra khỏi cửa để cùng chung với người thì không lỗi. Toán Hà Lạc giải: Cải cách tốt. Lời giải cho mệnh hợp cách là: Khoan dung, chí công vô tư. Tất cả những ý tứ đó đã đi vào những chặng đường đời của tôi. Khi chưa biết mình có quẻ Đồng nhân, tôi nói đùa với đồng nghiệp là cán bộ công đoàn: Hình như mình sinh ra để hoạt động quần chúng. Nhưng hóa ra không phải chuyện đùa. Năm 1980, năm bắt đầu quẻ Đồng Nhân, tôi giúp anh Hoàng Quốc Việt làm cuốn hồi ký Chặng đường nóng bỏng. Năm 1982 làm báo Lao Động. Năm 1985 làm tổng biên tập báo, để đến năm sau, 1986, cùng mọi người đi vào cuộc cải cách, tham gia đổi mới báo chí mà mọi người đều biết. Năm 1989 tham gia cơ quan lãnh đạo Công đoàn Việt Nam, phụ trách công tác lý luận, làm chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu lý luận cấp nhà nước. Đây cũng là những năm tôi làm những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa được bạn đọc biết đến: Những ngày thường đã cháy lên, Con bé mùa thu vàng, Dấn thân, Nụ hoa cau... Và cuốn sách tôi đang làm đây: Tám chữ Hà Lạc... mà kết thúc của nó là một số chân dung nhà văn soi chiếu bằng Hà Lạc. Quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhân có quẻ Hỗ là Thiên Phong Cấu. Thiên là Trời. Phong là Gió. Cấu là Gặp gỡ. Tượng quẻ là làn gió đi lang thang dưới trời, nên có nhiều cuộc gặp gỡ không hẹn trước. Cũng đúng là những năm này tôi đi lang thang khắp nơi trong nước và nhiều nơi nước ngoài, có lần đi lang thang đến cả nhà thờ lớn Va-ti-căng, đứng hàng giờ ngoài sân lớn, để cho chim bồ câu đến đậu trên vai, ngắm khách du lịch cũng lang thang đến đây, từ khắp nơi trên thế giới. Và cũng đúng là trong những năm này, có nhiều cuộc gặp gỡ bất ngờ, sẽ để lại dấu ấn suốt đời.
 
Bên trên