Nghi lễ của đạo giáo

chuangodao

Thành viên Lớp học Tử vi 06/2012
NGHI LỄ CỦA ĐẠO GIÁO

Nghi lễ của tôn giáo là phương thức cúng tế vị “THẦN” vô hình tối cao theo quan điểm tôn giáo đó.

Trong Đạo giáo, chủ trương “tay trái” là “tay tôn kính” vì theo tập quán “Người nước Sở trọng tay trái, mà Lão Tử lại là người nước Sở”, ví thế nên “phía bên trái” được coi trọng.

Khi cúng tế , người ta dùng tay trái để cắm nhang vào lư hương. Khi quì lạy, bàn tay phải nắm lại, bàn tay trái bao nắm tay phải, đưa hai tay lên giữa hai lông mày rồi quì xá xuống đất. Khi lạy xuống thì quì gối phải trước rồi mới tới gối trái. Khi đứng lên thì gối trái co lên trước kế đến gối phải rồi toàn thân đứng lên. Cũng có nơi quì hai gối xuống và lên cùng một lúc. Phật giáo khi lạy thì chấp hai bàn tay lại rồi xá xuống, còn Đạo giáo thì nắm bàn tay như trên, hai bên có hình thức khác nhau.

Ngày xưa, người ta lấy hình thức “bốn lần quì thực hiện tám lần xá” gọi là “lễ kính tối cao”. Nữ cư sĩ thì lạy có khác với nam cư sĩ, hai gối quì một lượt, nắm tay chỉ cần đưa ngang cổ rồi xá xuống một cách nghiêm cẩn là được.

Tư thế thắp hương lễ bái là, tay phải cầm nhang, tay trái bao ngoài tay phải, đưa lên ngang ngực (không cần phải đưa lên tới ngang hai lông mày hoặc lên khỏi đầu) . Đầu nhang hơi nghiêng xéo một chút, nếu xá cao cũng không đưa nhang quá hai lông mày, nếu xá thấp thì từ ngực xá xuống, giống như vẽ thành một nửa vòng tròn.
Nếu không cầm nhang thì hai tay nắm lại như trên, đưa lên ngang ngực, đầu cúi xuống thành nửa vòng tròn.

Khi gặp bạn đồng đạo, hai tay nắm lại thành quyền đưa ngang ngực, miệng chào “Vô lượng quan” hoặc “Thiên tai ! Thiện tai !”, cũng có thể nói câu “Đạo tổ từ bi” . Trường hợp một tay đang cầm đồ vật, thì chỉ cần tay kia nắm lại ngang ngực, cúi đầu chào, miệng nói như trên là được.

Về mặt phẩm vật cúng tế, Đạo giáo chọn “tứ hỉ ngũ quả”, cúng dường bốn món, sáu món, bảy món hoặc mười món, chứ tuyệt không có chủ trương giết heo mỗ dê để cúng tế.

Tứ hỉ gồm:- trà, rượu, mì sợi, cơm. Bốn món cúng dường là :- bông hoa, nước trà, nhang, đèn sáp.
Trong đó, nhang tượng trưng cho sự “vô vi”, bông hoa tượng trưng cho “tự nhiên”, nước trà tượng trưng cho “thanh tịnh” , đèn sáp tượng trưng cho sự “thuận hóa = biến hóa theo chiều thuận” , nghĩa là bốn món nêu lên ý niệm cơ bản của Đạo giáo: -“thanh tịnh, vô vi, tự nhiên, thuận hóa”.

Bảy món cúng dường là :- nhang, hoa, đèn sáp, nước trà, trái cây, cơm, âm nhạc.

Mười món cúng dường là:- nhang, đèn , bông , trái, trà, cơm, rau cải, vàng bạc, châu ngọc, y phục.

Không thể dùng các loại thức ăn máu huyết để cúng dường
Thuật ngữ xưng hô trong Đạo giáo
Trải qua nhiều thời đại lịch sử, nhiều nét văn hóa khác nhau, việc xưng hô trong Đạo giáo cũng thay đổi nhiều lần, trong các chức vụ, ngành nghề, công việc của Đạo. Đại khái, thuật ngữ quan trọng nên biết là:-

1.- Thiên Sư:- đầu tiên để tôn xưng Ngài “Trương Đạo Lăng”, sau cũng dùng để tôn xưng những bậc hậu hiền về sau, như :- Khấu Khiêm Chi (Bắc Ngụy), Tiêu Tử Thuận (Tùy), Hồ Huệ Siêu (Đường) v.v….

2.- Pháp sư:- tinh thông kinh điển, giới luật, chủ trì các buổi cúng tế, chứng nhận cho người mới vào đạo, là vị Đạo Sĩ có tài ba, năng lực, tinh tông đạo pháp, có khả năng giáo hóa người khác.

3.- Luyện sư:- lúc đầu chỉ cho những vị tu tập pháp “thượng thanh”, sau dùng chỉ cho những vị tu luyện “đan pháp” đến trình độ cao.

4.- Tổ Sư –Tôn Sư:- những vị sáng lập các tông phái của Đạo giáo được đệ tử tôn xưng là Tổ Sư. Những vị đứng đầu việc truyền đạo của chi phái được tôn xưng là Tôn Sư.

5.- Chân Nhân:- danh hiệu tôn xưng những vị đắc đạo, có đạo hạnh cao thâm, được đăng tiên khi vũ hóa (từ trần).

6.- Hoàng Quan (mũ vàng) :- chỉ cho Đạo sĩ. Thời kỳ đầu, Đạo giáo rất tôn sùng màu vàng, người thế gian căn cứ vào màu sắc của y phục, áo mão nên gọi các đạo sĩ là “Hoàng quan = mũ vàng” .

7.- Vũ Khách :- (vũ = lông chim) cũng còn gọi là “Vũ Sĩ” hay “Vũ Nhân”. Lấy hình tượng lông chim để chỉ cho tiên nhân có khả năng phi thăng vào cõi “thượng thiên”. Lúc đầu dùng để chỉ những phương sĩ đắc đạo, sau mở rộng dùng chỉ cho tất cả Đạo Sĩ. Các đạo sĩ ngày nay cũng hay dùng từ nầy để xưng kèm danh hiệu mình.

8.- Tiên Sinh:- là danh hiệu tôn kính để gọi các tên hiệu, tên thụy của các vị Đạo Sĩ.

9.- Cư Sĩ:- chỉ những tín đồ tại gia của Đạo Giáo.

10.- Phương Trượng:- chỉ vị lãnh đạo tối cao trong một tự quán của Đạo Giáo (tùng lâm); cũng gọi là “Trú Trì”. Những vị Phương Trượng đều là người đã thụ ba đại giới của ba đại đàn tràng, gìn giữ giới luật nghiêm minh, đức cao vọng trọng, thường được toàn thể đại chúng chọn lựa ra trong các vị đạo sĩ ở tự quán ấy.

11.- Giám Viện :- cũng gọi là “Đương Gia” hay “Trú Trì” , do tất cả đạo chúng trong tự quán công cử, là vị Tổng Quản mọi việc trong ngoài của tự quán. Đây là một chức vụ quan trọng, người đảm trách phải là vị có tài có đức, tinh thông đạo học, tính tình khiêm cung, khoa hòa đại lượng, hiền lành thương yêu bảo vệ đại chúng, thể hiện trung thực tội phước nhân quả, công bằng chu đáo tận tình trong mọi việc.

12.- Tri Khách:- vị nghênh đón và tiếp đãi quan khách đến tự viện, tự quán.
Trong “Tam Thừa Tập Yếu” viết:-
Tri khách có ngôn ngữ ứng đối cao minh, tiếp đãi quan khách bằng hữu mười phương, kiến thức sâu rộng, hiểu thấu nhân tình, mới hoàn thành nhiệm vụ.  
  
13.- Cao Công :- chỉ những vị “đức cao vọng trọng”, tinh thông những nghi thức của khoa nghi Đạo gia như :- đạp cương bộ đẩu, cầu nối với thần nhân, chỉ bày giáo lý, cầu phước tiêu tai, bạt độ vong linh u hồn, là vị đạo sĩ chủ trì những pháp hội “Trai Tiếu”, cũng là thủ lĩnh của những vị Kinh Sư khác.

14.- Đạo Nhân:- lúc đầu đồng nghĩa với “Phương Sĩ”, xuất hiện sớm nhất trong “Hán Thư—Kinh Phòng Truyện”. Sau khi Đạo Giáo được sáng lập, thuật ngữ “đạo nhân” chuyên chỉ cho “Đạo Sĩ”. Thời kỳ Nam-Bắc Triều lại dùng từ Đạo Nhân để chỉ “tu sĩ Phật giáo” phân biệt với “tu sĩ Đạo giáo” gọi là “Đạo Sĩ”. Từ đời Đường về sau, thuật ngữ “Đạo Nhân” dùng để chỉ chung cho những người có đạo thuật cao hoặc chỉ cho Đạo Sĩ tổng quát.

15.- Đạo Trưởng:- danh từ tôn xưng của người ngoài gọi những vị đạo sĩ xuất gia, chứ không phải là chức vị thực sự.

CÁCH ĂN MẶC TRONG ĐẠO GIÁO

1.- ÁO MÃO:-

Lúc bình thường, đạo sĩ đội mũ không có trang trí như mũ đội lúc làm đàn tràng trai tiêu. Ban sơ, những qui định về áo mão trong Đạo giáo rât1 là đơn giản. Đến thời Nam Bắc Triều do Lưu Tống Lục Tu Tĩnh đề xuất, mới có hình thức nghiêm trang, qui định thể thức cố định.

Trong sách :- 《Động Huyền Linh Bảo Tam Động Phụng Đạo Khoa Giới Doanh Tư 》quyển thứ năm, có ghi rõ qui cách bắt buộc. Ý chính nói:- “Áo mão tượng trưng cho cái đức của người tu, nhất là những đạo sĩ nữ, càng phải hết sức oai nghi, đúng đắn. Những qui định trên phải được chấp hành nghiêm chỉnh, không được khinh suất, coi thường, số lượng qui định lên đến ba ngàn sáu trăm điều.”.
Đạo sĩ Trương Vạn Phúc đời Đường, trong sách 《Tam Động Pháp Phục Khoa Giới Văn 》đã đơn giản hóa, tùy theo pháp phái chia thành sáu loại:-

I.- Pháp Phục:- là loại mặc, đắp cho các thần tượng thờ cúng; cũng là loại y phục dành cho Pháp sư và Cao Công mặc trong nghi thức “Trai Tiêu”. Loại nầy có ý nghĩa theo lễ nghi cúng tế thời cổ đại kết hợp với những xu thế biến cải của thời đại ngày nay.

II.- Các loại khăn của Đạo sĩ:-

(tạm dịch chữ Cân 巾 là khăn, nhưng nên hiểu là loại “khăn đóng”, giống như là loại mão)

1/- Khăn Hỗn nguyên:- tượng trưng cho “hỗn nguyên nhất khí”, do Hắc Tắng Hỗ chế ra. Hình tròn, cạnh xung quanh nỗi rõ, trên đỉnh có chừa một lỗ tròn để lộ búi tóc. Hiện nay, đạo sĩ phái Toàn Chân thường đội.

2/- Khăn Trang Tử:- tượng trưng cho tư tưởng Trang Tử, không bị câu thúc, gò bó chi cả, siêu phàm thoát tục. Còn có tên là “Khăn Xung Hòa”. Khăn nầy, phía dưới có hình vuông, phía trên tạo thành hình tam giác, giống như nóc nhà. Phía trước khăn có đính một viên ngọc trắng, để đánh dấu phía chính, đồng thời tượng trưng cho phẩm tính đoan chính. Các vị đạo sĩ cao tuổi thường đội Khăn Trang Tử nầy.

3/- Khăn Thuần Dương:- Sách “Tam tài đồ hội” đời Minh viết :- “Khăn Thuần Dương còn gọi là Khăn Lạc Thiên. Trên đỉnh có dãi lụa bạch, xung quanh quấn thành hình lóng trúc, rũ xuống phía sau. Gọi Thuần Dương là nói theo tên Tiên, gọi Lạc Thiên là nói theo tên người.

4/- Khăn Cửu Lương :- Giống như khăn Thuần Dương, nhưng mặt đỉnh phía trước và mặt đỉnh phía sau cũng bằng phẳng, có trang trí chín mối, chín gút. Đạo giáo lấy số chín là số cực dương, là mục đích cao nhất của việc tu hành. Vì thế, khăn Cửu Lương còn tượng trưng cho mục tiêu và ảnh hưởng của Đại Đạo

5/- Khăn Hạo Nhiên:- Đời Thanh, đạo sĩ Mẫn Nhất Đắc viết trong “Thanh Qui huyền diệu” có câu “Đêm tuyết dùng Hạo Nhiên” . Đời Minh, Chu Quyền viết trong 《Thiên Hoàng Chí Đạo Thái Thanh Ngọc Sách 》quyển thứ sáu :- “Lấy tơ sắc đen làm nên, trong có đệm lót lông thiên nga. Vào mùa lạnh rét nhiều tuyết rơi thì đội nó để bảo vệ bộ não. Vì thế, khăn Hạo Nhiên cũng gọi là khăn tuyết. Khăn nầy tương trưng cho chính khí “hạo nhiên” của đạo sĩ.

6/- Khăn Tiêu Dao:- còn gọi là khăn Hà Diệp (lá sen). Những đạo sĩ trẻ tuổi phái Toàn Chân thường dùng loại khăn nầy.
Khăn nầy là khối vuông trùm kín tóc, có chừa hai góc lụa phía sau, khi đi ra ngoài , gió thổi bay phơ phất hai dãi lụa, hiển thị tính chất tiêu dao tự tại của đạo gia.

7/- Khăn Tam Giáo:- do Tổ sư Vương Trùng Dương đề xuất, chế tạo theo quan điểm “tam giáo hợp nhất”. Loại khăn nầy thể hiện tính tôn giáo ưa thích hòa bình, dung hòa các thứ. Những đạo sĩ từ trung cực giới trở lên mới có thể đội khăn nầy.

8/- Khăn Chữ Nhất :- trước gọi là “khăn bức”, dùng lụa xanh làm thành một dãi dài, có gắn hình thái cực, bát quái làm bằng gỗ tốt. Khăn nầy thích hợp cho loại tóc ngắn. Ý nghĩa là “vòng tròn hỗn nguyên” khai mở ra thành “một”, thể hiện ý nghĩa “đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh muôn vật”.

9/- Khăn Thái Dương:- Giống như mão Thái Dương, biểu ý mặt trời đang tỏa sáng. Chỗ khác biệt là Khăn Thái Dương dùng lụa xanh làm thành. Các đạo sĩ phái Toàn Chân thích giắt trâm cài tóc nên thường đội . Vùng Hồ Bắc sử dụng nhiều loại khăn nầy.

III.- Các loại mão của đạo sĩ:-


1/- Mão vàng:- Người vừa thọ giới vào Đạo là có thể đội loại mão vàng nầy, từ trung cực giới thì đội loại Mão Tam Thai. Khi thọ giới Thiên Tiên mới được đội loại mão Ngũ Nhạc (trên có vẽ hình năm ngọn Ngũ Nhạc)
2/- Mão Ngũ Lão:- có vẽ hình Ngũ Lão, dùng đội trong pháp hội siêu độ vong linh, hoặc các vị Cao Công thường hay đội.
3/- Mão Nguyên Thủy:- Các vị Động Chân pháp sư, Thái Động pháp lượng và Tam Động giảng pháp sư mới được đội.
4/- Mão Phù Dung:- các vị Đại La Kim Tiên mới được đội.
  
IV.- Các loại y phục của đạo sĩ:-

1/- Pháp Y :- dùng cho các vị Cao Công pháp sư mặc trong các khoa nghi của Đạo giáo.
2/- Sám Y:- trong khoa bái sám thì mới mặc loại nầy.

3/-Giáng Y:- trong các pháp hội Trai Tiêu lớn, các vị Cao Công pháp sư mặc loại nầy. Loại nầy có hai vạt áo và hai tay áo rộng dài, khi làm lễ thì tà áo, tay áo bay bay thành ra bốn góc rất kỳ ảo.

4/- Hải thanh:- là y phục mặc thường ngày của đạo sĩ , may bằng vải màu xanh hình thức đơn giản, gọn gàng để chấp tác. Ngày nay có sự biến cải vào mùa nóng bức thì dùng áo may bằng vải màu trắng có hai loại:- đối khâm và tà khâm.
V.- Các loại giày vớ của đạo sĩ:-

Bình thường, đạo nhân mang loại giày Song Kiểm hoặc Thâp Phương, làm bằng vải xanh, hai bên có khoét lỗ nhỏ. Mùa hạ mang giày bằng vải trắng.

Vớ thì dùng loại màu trắng. Khi vào lễ bái ở điện đường không mang giày, chỉ mang vớ mà thôi.
Có một loại giày đặc biệt gọi là “Đạo Ngoa = giày đạo” dùng cho các vị Cao Công mang khi tổ chức pháp hội Trai Tiêu lớn. Còn các vị Trung Cao Công thì mang loại Vân Hài, có trang trí hoa văn rồng mây. Khi tác pháp “đạp cương bộ đẩu” các vị pháp sư cũng mang loại giày nầy.



(còn tiếp)
 
Bên trên