Một quan Niệm Về Trì Chú

nguyengiadoan

Thành viên chính thức
Chào các bạn đạo,
Xin chia sẻ bài viết trích từ Tập San Mật Giáo (TSMG) sau đây, hầu nó sẽ giúp một chút nào cho những bạn hiếm có thì giờ niệm chú vì phải bận rộn với công việc mưu sinh.

Một Quan Niệm Về Trì Chú
TSMG Số 9 Tháng 6 1985 – Nguyễn Diệu Quang

Câu chú có thể xem như một công thức huyền bí ngắn gọn, đầy công lực để kêu gọi đến Thượng Đế hay những Bậc cao cả trong vũ trụ mà trí óc chúng ta có thể tưởng tượng được. Câu chú có thể là danh hiệu của Thích Ca Mâu Ni Phật theo Phật Giáo, của Chúa Giêsu theo Công Giáo, của Allah theo Hồi Giáo v.v... Câu chú còn khơi dậy những gì tốt đẹp nhất tiềm tàng sâu xa trong tâm của chúng ta.

Khi nghe đề cập đến hai chữ “Trì Chú” người ta thường hình dung đến một vị sư Ấn Độ hay Tây Tạng ngồi kiết già. Nhưng trì chú không nhất thiết phải làm như thế. Phương pháp trì chú hữu hiệu nhất là im lặng niệm câu chú trong trí mình. Chúng ta không cần phải đọc câu chú lớn lên và cũng không phải trì chú vào một thời gian hay tại một nơi nhất định hay đặc biệt nào cả. Chúng ta có thể niệm chú trong trí ta gần như suốt cả ngày, trong lúc đi, đứng, sắp hàng ở nhà bưu điện hoặc trước quầy thâu ngân, trong lúc rửa mặt, chải răng v.v... Đây không phải là lặp đi lặp lại câu chú mà thôi, nhưng câu chú dần dà sẽ thể nhập sâu vào tri giác của chúng ta và sẽ bắt đầu tạo ra một sự thay đổi huyền diệu trong tâm chúng ta.
...
Phương pháp thiền định đòi hỏi sự cố gắng liên tục và một ý chí mãnh liệt. Phương pháp trì chú không cần đến hai điều kiện trên. Ông Eknath Easwaran tác giả quyển “The Mantram Handbook” có ví việc niệm chú như một cuộc điện đàm “collect” với Thượng Đế, chúng ta gọi Thượng Đế và thưa: “Tôi không có tiền, xin đừng gởi một hóa đơn nào cho tôi; tôi không có một ý chí kiên cường, xin đừng đòi hỏi tôi phải theo một kỹ luật nào cả” và Thượng Đế với sự kiên nhẫn vô biên, trả lời rằng: “Không sao đâu, Ta sẽ trả tiền các hóa đơn. Dù sao ngươi đã nghĩ đến Ta cũng là đủ lắm rồi.”

Đôi khi hành giả cũng dùng sự trì chú để định tâm trong phương pháp thiền định. Tuy nhiên phương pháp thiền định và phương pháp trì chú rất khác nhau. Trong phương pháp trì chú nếu trí chúng ta bị xao lãng hay nếu ta quên câu chú vẫn không có gì hư hỏng đáng tiếc cả. Thường thường vì ta lặp đi lặp lại câu chú nhiều lần nên ta hay nhớ đến câu chú, nhất là trong những trường hợp ta cần củng cố tinh thần hay ý chí. Câu chú càng thâm nhập vào tri giác ta thì ảnh hưởng của sự trì chú càng rộng lớn hơn và sự kiện này sẽ đem lại cho hành giả một cảm giác an lành tuyệt vời.

Khi chúng ta sợ hãi, niệm chú giúp ta chuyển sự hốt hoảng thành một trạng thái bình thản. Khi chúng ta đau đớn, niệm chú giúp ta hướng tâm trí về Bậc Giáo Chủ mà ta tin tưởng để quên đi sự đau nhức của cơ thể cấp thời. Khi chúng ta niệm chú, chúng ta tự nhắc nhở chúng ta nghĩ đến Thượng Đế, đến linh hồn của chúng ta rồi đến Đạo và việc tu tâm sửa tánh.

Nếu chúng ta kêu gọi Thượng Đế thường xuyên và lâu dài, Ngài không thể nào không đáp lời kêu gọi của chúng ta, cũng như tác giả quyển “The Mantram Handbook” đã ví dụ: Một em bé muốn xin được vào nhà một bà nọ để thưa chuyện nhưng bà ấy vẫn đóng kín cửa nhà. Em bé vẫn tiếp tục kêu gọi bà càng lúc càng to lên và càng gấp lên làm cho tiếng kêu gọi vang ra khắp cả vùng đó, những kẻ qua lại ngoài đường đều chú ý và dừng chân lại, và những người sống trong các nhà quanh đó đều chạy ra cửa để xem việc gì đã xảy ra. Sau cùng bà này phải mở cửa ra để xem em bé muốn gì.

Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta quá bận rộn với cuộc mưu sinh vật chất, chúng ta không còn một chút thì giờ nào cả để trì chú hay đọc kinh. Thật ra khi ta bắt đầu nghĩ đến cách tìm một cơ hội nào để có thể niệm chú, chúng ta sẽ tìm được cơ hội ấy ngay. Ví dụ: Trong lúc đợi xe buýt đến, trong lúc chờ nồi nước sôi lên, trong lúc quét nhà v.v...

Trong thời gian ngắn ngủi một phút đồng hồ, chúng ta đã có thể lặp đi lặp lại câu chú được vài lần rồi. Chúng ta cứ hành đạo như người hà tiện cố góp nhặt hay tiết kiệm từ đồng xu. Dần dần mỗi đồng xu cộng thêm vào quỹ sẽ làm cho hắn khá giả hơn. Ngoài ra, chúng ta còn sẽ thấy thời gian chờ đời ngắn hơn, dể chịu hơn. Thay vì nóng nảy, sốt ruột mong cho xe buýt tới gấp hoặc nồi nước chóng sôi ngay, chúng ta sẽ tập tánh nhẫn nại dể dàng hơn. Thậm chí, nếu chúng ta đang làm một việc gì không đòi hỏi nhiều sự chú ý như đan áo, lau chùi bàn ghế v.v ... chúng ta cũng có thể vừa niệm chú vừa làm các công việc ấy.

Tuy nhiên chúng ta nên thận trọng vì có những lúc chúng ta không nên niệm chú như lúc chúng ta hầu chuyện với một người khác, lúc chúng ta cần để tâm trí nghe và nhớ lời dặn dò về một vấn đề nào, lúc chúng ta đọc sách hay viết lách hoặc nghe nhạc v.v... Tối quan trọng khi đang sử dụng máy móc hay một vật bén, nhọn hoặc khi việc làm của chúng ta có thể nguy hiểm hay gây tai nạn cho chúng ta với kẻ khác, thí dụ khi đang đóng đinh, đang băng qua đường v.v...

Kết quả cuối cùng của việc trì chú là khi câu chú thể nhập vào tri giác của chúng ta. Lúc ấy thì ta không còn phải đọc câu chú mà trí ta đã nghĩ tới câu chú rồi. Ta cũng có thể nghe câu chú trong giấc ngủ và câu chú sẽ tự nhiên hiện ngay trong óc ta ở mọi hoàn cảnh ta cần đến để quên sự đau đớn, để thắng sự sợ hãi hay chế ngự sự nóng giận, để luyện tập tâm tánh nhẫn nại và để nhớ đến Thượng Đế.

 
Bên trên