Một cách nhìn nhận thuyết Luân Hồi.

HÀNH GIẢN

Tư vấn viên
Về khái niệm thời gian, phương Tây quan niệm như một đường thẳng vô tận, và rằng thời gian không lặp lại hay nói cách khác, không có một thời điểm lặp lại đến hai lần. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông - Heraclitus.

Có khác đi so với cách nhìn trên, người phương Đông cho rằng, thời gian là một vòng tròn tuần hoàn, có những thời điểm được lặp lại. Nó thể hiện bàng bạc trong DỊch Học, một đại diện trong các tư tưởng của triết học Đông Phương.

Tạm gác lại một bên các bằng chứng về Luân Hồi đã, đang và sẽ xảy ra trên thế giới được ghi nhận và đăng trên các trang tin tức, chúng ta xét vòng Luân Hồi qua cách nhìn Dịch Lý.

Đặt nền tảng trên Âm Dương Ngũ Hành, vòng Trường Sinh diễn tả chu kỳ sinh trưởng đến tận diệt trong trạng thái hữu hiện của vạn vật.

Thai -> Dưỡng -> Sinh -> Mộc Dục -> Quan Đới -> Lâm Quan -> Đế Vượng -> Suy -> Bệnh -> Tử -> Mộ -> Tuyệt ==> Thai ......

Nhìn trên cơ sở nguyên tố, vòng Trường Sinh mô tả tiến trình Sinh -> Vượng -> Mộ -> Tuyệt của Ngũ Hành. Nhìn bao quát sự vật, hiện tượng nói chung và con người nói riêng, đây chẳng phải sự tuần hoàn, luân hồi hay sao?

Trong Dịch có câu: Xa thì thủ lấy chư vật, gần thì thủ lấy thân. Chúng ta vào ban ngày thì thức, làm việc, học tập...v..v.. Đêm đến lại nghỉ ngơi tĩnh dưỡng phục hồi khí lực.

Ngày thức, đêm ngủ, ngày qua ngày, tháng đến tháng .... đây là sự tuần hoàn, luân hồi nhỏ trong cuộc sống.

Xem thức là Sống, ngủ là chết, chúng ta sống rồi chết, chết rồi sống cứ lặp đi lặp lại mãi những vòng luân hồi nhỏ cho đến khi chúng ta kết thúc một vòng đời lớn để lại tiếp nối về sau.

Hít hơi mới vào, trả hơi cũ ra, nếu chúng ta quán sát hơi thở, thật dễ dàng cho thấy tiến trình lặp đi lặp lại. Bắt đầu hơi thở, kéo dài hơi thở, và chấm dứt hơi thở ấy bằng cách thở ra hay vào. Và lại bắt đầu hơi thở mới.

Ở bên ngoài, bốn mùa Xuân, Hạ , Thu, Đông rồi lại Xuân cứ xoay vòng lặp lại. Rộng hơn, Tam Nguyên Cửu Vận mãi xoay tròn.
Mọi thứ, mọi vật đều cứ đi theo một tiến trình xoay tròn, tái diễn.

Nếu chúng ta quan sát, không khó để chúng ta nhận ra được có gì đó gọi là Luân Hồi.

Đức Phật không phải người đầu tiên đưa ra thuyết Luân Hồi. Ngài chấp nhận thuyết Luân Hồi đã có sẵn trong truyền thống Bà La Môn Giáo vì Ngài thấy đó là sự thật với Trí Lực và Thần Thông của Ngài. Tuy nhiên, cái nhìn của Ngài về Luân Hồi đứng ở mực giữa của hai quan điểm phương Đông và Tây. Có Luân Hồi và có luôn một sự thực nữa, "Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông", tính chất Vô Thường của cuộc sống.

Sống - Chết và Tái Sinh, và đương nhiên, không có sự kiện được lặp lại như có người tin tưởng: Con vật chết và sinh lại thành con vật, con người chết sinh lại thành con người. Không thể có điều đó. Có sự lặp lại nhưng không có sự Đồng Nhất giữa hai thời điểm.

Tôi không có cái Trí Tuệ và năng lực như Phật, nhưng đối với tôi, chấp nhận một sự thực là có Luân Hồi thì dễ chấp nhận hơn là không có Luân Hồi. Khi chấp nhận có Luân Hồi theo Phật Giáo, ta có thể chấp nhận thêm một sự thật nữa là có Nhân - Quả. Và đương nhiên, khi ấy ta có thể tự giải thích với bản thân rằng tình trạng của ta bây giờ là do đâu trong quá khứ ta đã tạo tác. Và mặt khác, ta có thể tự chủ động để làm những việc mà ta thấy rằng sẽ tốt hơn, gầy dựng cho một tương lai khá hơn trong chuỗi thời gian xoay tròn kéo dài dằng dặc trước khi ta có đủ bản lĩnh để có thể thoát ra khỏi vòng chuỗi luẩn quẩn ấy mãi mãi.
 
Bên trên