Mẹ và con sống bằng 10 nghìn đồng

NhanVoMinh

Thành viên chính thức
[h=1][/h][h=2](Dân trí) - Mỗi ngày, hai mẹ con chỉ tiêu vẻn vẹn khoảng trên dưới 10 nghìn đồng. Bữa sáng nhịn, bữa trưa ăn cơm với bầu chấm mắm, bữa tối cũng không khá gì hơn. Cứ đến kỳ nộp học phí, cả mẹ và con lại triền miên những bữa cơm đạm bạc…[/h]Tính tiền trợ cấp của nhà nước mỗi tháng 180.000 đồng, tiền công chằm nón thêm khoảng 150.000 đồng, một tháng hai mẹ con chỉ tiêu vẻn vẹn trong ba trăm nghìn đồng. Có thể nhiều người không tin nhưng đó là thực tế của gia đình bác Trương Thị Kiểm, sinh năm 1957 ở xóm Đình Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Bác bị tật nguyền bẩm sinh, không đi được bằng chân mà đi bằng hai tay. Điều mà người mẹ già này trăn trở khôn nguôi là làm sao có tiền cho con ăn học.
Tôi tình cờ nghe được câu chuyện của gia đình bác Trương Thị Kiểm, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xóm Đình Thượng. Theo chỉ dẫn của một người dân, chúng tôi nhanh chóng tìm được nhà bác. Ngôi nhà bác Kiểm sát con đường làng trông nhỏ bé hơn nhiều so với những ngôi nhà khác. Ngôi nhà được xây ngay bên đường mà lại không có bờ rào, không có cửa cổng,cứ tuênh huếch nhìn ra con đường làng.

bi-liet-doi-ban-chan-nhung-bac-kiem-van-cham-chi-cham-non-hang-ngay-de-nuoi-con-an-hoc.jpg

Bị liệt đôi bàn chân, nhưng bác Kiểm vẫn chăm chỉ chằm nón hàng ngày để nuôi con ăn học

Lúc này mặt trời đã lặn, màn đêm bắt đầu buông xuống nhưng chúng tôi vẫn nhận ra bác Kiểm đang ngồi bên hiên nhà. Dáng hình bác nhỏ xíu như bị màn đêm bao kín, nhuốt chửng. Bác gầy lắm chỉ khoảng gần 30 kg, da bác nhăn nheo, đôi bàn chân bị tật nguyền bẩm sinh teo quắp không đi lại được. Thấy khách đến, bác mời chúng tôi vào nhà uống chén nước. Căn nhà nhỏ hẹp chỉ có mỗi cái tivi, chiếc giường và nồi cơm điện là có giá trị. Đó toàn là những đồ đạc mà anh em và những người hảo tâm giúp đỡ.

Không có bàn, bác tiếp chúng tôi trên chiếc ghế băng đã cũ hình chữ A. Bên ngoài hiên nhà hướng ra đường, bác bày chiếc tủ nhỏ bán một vài thứ hàng bao gồm mấy túi mì chính, vài ba túi kẹo, dăm bao thuốc lá. Nhìn tủ hàng của bác Kiểm khiến tôi liên tưởng đến gian hàng nghèo nàn của hai chị em Liên và An trong tác phẩm “ Hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Dưới ánh đèn điện tù mù, heo hắt, bác kể cho chúng tôi nghe những năm tháng đã trôi qua.

Bác Kiểm sinh ra ở một gia đình đông anh chị em gồm tám người, trong đó có sáu người con gái và hai người con trai. Nhưng bác Kiểm là người kém may mắn nhất, bị tật nguyền từ lúc sinh ra. Bác đi lại bằng cách chống hai tay xuống đất, nâng người lên và lê đi từng bước một. Năm 1984 bác được bố mẹ cho ra ở riêng. Do gia đình đông anh chị em nên ông bà sinh ra bác chỉ dựng cho bác Kiểm được một căn nhà tranh vách đất. Đến năm 1987 bác Kiểm xây ngôi nhà nhỏ hai gian khác bằng gạch non và đất bùn, mái nhà được lợp bằng rơm rạ.

bilietdoibanchannhungbackiemvanchamchichamnonhangngaydenuoiconanhoc.jpg

Mỗi tháng chi tiêu sinh hoạt chỉ vỏn vẹn 300.000 đồng nên việc học của bé Luyến gian nan hơn bao giờ hết

Do sống một mình cô đơn và muốn lúc về già yếu có người chăm sóc, bác đã chấp nhận làm người mẹ đơn thân. Em Trương Thị Luyến được sinh vào năm 1997. Người mẹ bình thường lúc sinh con ra đã vất vả nhưng với bác Kiểm thì việc nuôi con quả thật rất khó khăn, vất vả gấp trăm lần so với những người mẹ khác. Em Luyến lớn lên trong tình yêu vô bờ bến của mẹ. Bác dành tất cả cho con.

Như bao đứa trẻ khác, Luyến cũng được đến trường nhưng có điều là không được mẹ đưa đến trường học. Mặc dù tuy nghèo, bác vẫn cố gắng cho con ăn học. Hai mẹ con sống trong ngôi nhà nhỏ cũ nát theo thời gian. Những ngày trời nắng nóng đã đành, những ngày trời mưa to gió lớn ngôi nhà bị dột rất nặng. Đó là những đêm bác Kiểm thao thức, thương con và thương cho chính bản thân mình. Nhưng với đôi bàn tay nhỏ bé bác không thể gom được một số tiền lớn để xây nhà.

May mắn đến với bác là năm 2010 gia đình được trong diện xây dựng nhà tình thương theo chương trình của công ty bảo hiểm Prudential. Bên cạnh đó, ngôi nhà được xây cũng có sự giúp đỡ to lớn của một số nhà hảo tâm khác. Ngôi nhà tình thương này có trị giá ba mươi triệu đồng. Ngày được sống trong ngôi nhà mới, bác mừng mừng tủi tủi, mong ước bấy lâu nay đã thành hiện thực.

Hiện nay hai mẹ con bác Kiểm chỉ cấy có một sào lúa và vài luống hoa màu. Vì cấy ít lúa nên bác vẫn phải thường xuyên đong thêm gạo. Chi tiêu của hai mẹ con chỉ trông vào tiền khâu nón, tiền bán hàng lặt vặt và khoản trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Tiền lãi từ bán hàng mỗi tháng chỉ được khoảng năm mươi ngàn đồng. Khoản thu thứ hai của gia đình là khâu nón.

Ngày còn trẻ bác khâu nhanh hơn nhưng hiện giờ ở cái tuổi 55, mắt đã kém đi nhiều, một cái nón bác tỉ mẩn khâu ba ngày mới xong. Mỗi chiếc nón trừ tiền lá và chỉ cước được lãi khoảng mười ngàn đồng. Tuy không được bao nhiêu nhưng bác vẫn cặm cụi khâu vì đây là khoản thu nhập chính của gia đình. Tính cả tiền trợ cấp 180 nghìn đồng, tiền khâu nón và bán hàng, một tháng bác chỉ có già ba trăm nghìn đồng để chi tiêu trong gia đình bao gồm cả tiền học của em Luyến.

Nhìn mâm cơm nhà bác chỉ có đúng một món bí đao luộc chấm mắm khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Cuộc sống ngày càng khó khăn, cái gì cũng đắt đỏ. Ba trăm nghìn đồng kia có thể chỉ thức ăn một bữa của một gia đình khá giả, vậy mà ba trăm nghìn đồng đó bác phải tiêu trong cả một tháng dài.

Điều mà an ủi bác nhất là em Luyến ngoan ngoãn, chăm chỉ học, những năm học cấp I đã hai năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi, sang cấp II hầu như năm nào em cũng là học sinh tiên tiến của trường. Hiện nay em Luyến đang học lớp 9, chuẩn bị thi vào lớp 10. Nhưng đây là quãng thời gian khó khăn đối với bác Kiểm. Bác rất muốn con mình được đi học, cố gắng phấn đấu thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Nhưng hiện giờ khi tuổi đã già, mắt đang mờ đi, bác không biết phải làm gì để thực hiện ước mơ được đi học tiếp của em.

Nếu cho con đi học tiếp thì không biết sẽ lấy tiền đâu để đóng học phí cho con và lấy tiền đâu để chi tiêu trong gia đình với khoản thu ít ỏi. Em Luyến rất ham học nhưng hoàn cảnh gia đình như vậy em cũng lưỡng lự. Trước tiên em vẫn đăng ký thi tuyển vào lớp 10. Em Luyến hỏi mẹ: “Nếu con thi đỗ, mẹ có cho con đi học nữa không?”. Câu hỏi đó cứ xoáy sâu vào lòng người mẹ già này. Thương con rất nhiều nhưng bà cũng không biết phải trả lời con ra sao.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1.Trương Thị Kiểm, ở xóm Đình Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

ĐT: 01654.099.662 (liên hệ qua anh Minh, em trai bà Kiểm)
 
Bên trên