Các Hoàng đế Trung Quốc chọn mộ như thế nào?

N

Người Lái Đò

Guest


icon1.gif
Các Hoàng đế Trung Quốc chọn mộ như thế nào?

Các Hoàng đế Trung Quốc chọn mộ như thế nào?

Người Trung Quốc luôn cho rằng “trời và người hợp nhất”, nghĩa là con người và thiên nhiên luôn tồn tại sự hài hòa, thống nhất. Chính vì vậy, các đế vương Trung Quốc thời cổ đại khi lựa chọn lăng mộ của mình cực kỳ coi trọng yếu tố phong thủy.

Để con cháu mình có thể duy trì vĩnh viễn ngôi báu, các bậc đế vương đã tốn không ít tâm sức để tìm những mảnh đất có phong thủy đẹp làm nơi đặt lăng mộ mình.Có điều, trong hàng ngàn năm của lịch sử phong kiến ở đất nước này, chưa có triều đại nào có thể tồn tại vĩnh viễn dù phong thủy của lăng mộ tổ tiên họ có lý tưởng tới mức nào…

Nguyên tắc 1: Chú trọng toàn thể

Lý luận phong thủy truyền thống của Trung Quốc coi thiên nhiên là một thể thống nhất. Trong khối toàn thể đó, con người là trung tâm còn thiên địa, vạn vật là những yếu tố tồn tại dựa vào nhau, đồng thời cũng đối lập và chuyển hóa cho nhau.

Công năng của phong thủy chính là nắm bắt những mối liên hệ trong hệ thống lớn đó để tìm được sự kết hợp hoàn hảo nhất. Sách “Hoàng Đế Trạch Kinh” chủ trương: “Lấy địa thế làm thân thể, lấy nguồn nước làm huyết mạch, lấy đất đại làm da, lấy cây cỏ làm tóc, lấy phòng ốc làm quần áo, lấy cửa chính làm mũ…”

Quan niệm này cho thấy, việc chọn lựa nơi ở gồm cả nơi ở cho người sống lẫn cho người chết đều rất được chú trọng tới tính chỉnh thể.

Người Trung Quốc tin rằng, việc lựa chọn địa hình, địa thế, phương hướng của âm trạch (nhà cho người chết, chỉ lăng mộ) sẽ ảnh hưởng tới vận mệnh của con cháu.

Do vậy, việc lựa chọn phong thủy để xây dựng âm trạch được đặc biệt chú ý, thậm chí hơn cả việc xây cất nhà cửa cho người sống. Vì thế, ở đây, nguyên tắc chỉnh thể cũng thể hiện rất rõ ở việc chọn phong thủy cho các lăng mộ.

Sách “Dương Trạch Tập Thành” của Diêu Đình Loan thời nhà Thanh đặc biệt nhấn mạnh tới tác dụng của việc xem trọng chỉnh thể. Diêu Đình Loan chủ trương: “Âm trạch phải chọn được nơi có địa hình tốt, dựa vào núi, quay mặt ra sông, hồ. Núi phải giống như rồng vươn ra phía trước, sông hồ phải bao xung quanh…”

Thời kỳ nhà Đường được coi là cao trào xây dựng lăng mộ thứ hai kể từ sau thời Tần – Hán. 21 vị Hoàng đế nhà Đường, bao gồm cả Võ Tắc Thiên thì có tới 19 người được chôn cất ở bên bờ Bắc sông Vị Thủy ở Thiểm Tây.

Người ta gọi đây là “18 lăng mộ ở Quan Trung” (Do Võ Tắc Thiên hợp tác với Đường Cao Tông nên 2 người chỉ có 1 lăng mộ). Các lăng mộ này đều dựa vào dãy núi Bắc Sơn trùng điệp, mặt phía Nam là bình nguyên Quan Trung rộng lớn.

Sông Vị Thủy chảy ở phía trước mặt. Lăng mộ thời nhà Đương tiếp nối truyền thống của lăng mộ thời Tần – Hán tuy nhiên đã có sự phát triển để biến lăng mộ trở thành biểu tượng cho sự lớn mạnh của đế quốc.

Có thể nói, lăng mộ thời Đường đã đạt đến độ hoàn thiện cho nguyên tắc chú trọng tính chỉnh thể của việc chọn phong thủy đặt lăng mộ của các đế vương Trung Hoa.

Nguyên tắc 2: Vận dụng phù hợp

Mặc dù đòi hỏi tính chỉnh thể, tuy nhiên, lý luận phong thủy truyền thống cũng đưa ra nguyên tắc “nhập gia tùy tục”. Nghĩa là tùy thuộc vào địa hình vùng đất chọn lựa mà sắp đặt sao cho thích hợp.

Lăng mộ của các Hoàng đế triều đại nhà Minh chính là những lăng mộ được lựa chọn chủ yếu dựa vào các các nhà phong thủy. Trong những năm Vĩnh Lạc, để tìm được nơi đất tốt để đặt lăng mộ, Minh Thành Tổ Chu Đê lệnh cho thầy phong thủy nổi tiếng Giang Tây là Liêu Quân Khanh đi tìm và giới hạn chỉ tìm trong lãnh thổ vùng Xương Bình.


XHMo.jpg


Liêu Quân Khanh tuân mệnh lên đường. Sau một thời gian rất dài nhọc công tìm kiếm, Liêu tìm được một nơi “đất lành” gọi là Hoàng Thổ Sơn. Trước ngọn núi này có 2 ngọn núi khác là Long và Hổ, từ đó hình thành một nơi có địa thế phong thủy rất đẹp.

Chu Đệ nghe Liêu Quân Khánh báo cáo xong còn tự mình tới tận nơi để xem xét. Sau khi đã xác nhận đây là một nơi thích hợp, Chu Đệ đã phong cho ngọn Hoàng Thổ Sơn thành “Thiên Thọ Sơn” và ra lệnh bắt đầu xây dựng Trường Lăng, một trong 13 lăng mộ của vương triều Minh.

Mười ba lăng mộ của triều Minh có ba hướng Bắc, Đông và Nam đều có núi. Hướng còn lại là hướng Nam thì mở rộng, các con suối từ núi chảy trước mặt của các lăng theo hướng Đông Nnam.

Phía trước lăng khoảng 6km, nằm 2 bên trên đường thần đạo có 2 ngọn núi nhỏ, gọi là Long Sơn và Hổ Sơn. Theo lý luận phong thủy thì địa thế của Thiên Thọ Sơn kéo dài, “long mạch” rất thịnh.

Lăng mộ quay về hướng Nam, lựng dựa vào núi, hai bên có 2 ngọn núi bảo vệ, có thể nói là một nơi được ông trời tạo ra để chọn làm lăng mộ đế vương.

Từ vị trí 13 lăng mộ triều Minh, có thể thấy, các đế vương Trung Quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng tạo ra hoàn cảnh “thiên nhân hợp nhất”, tạo nên sự nhất thể, hòa hợp với hoàn cảnh xung quanh.

Nguyên tắc 3: Dựa núi gần nước

Người Trung Quốc cho rằng, dựa vào núi và gần nguồn nước là nguyên tắc quan trọng của việc lựa chọn phong thủy được đúc kết từ thực tiễn hàng ngàn năm của tổ tiên họ.

Việc tìm được một nơi định cư dựa vào núi và gần nguồn nước đảm bảo những điều kiện cho cuộc sống sinh tồn của họ. Và điều này, sau đó đã dần dần trở thành một nguyên lý trong các lý thuyết phong thủy.

Những năm Tuyên Đức nhà Minh, Trương Cốc Anh dẫn toàn bộ gia tộc tới huyện Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam. Địa thế vùng đất này đã gây cho Trương Cốc Anh một ấn tượng mạnh: Cả ba hướng Đông, Bắc, Tây là 3 ngọn núi lớn, giống như 3 cánh hoa lớn hợp thành một bông hoa sen.
Trong phong thủy, địa thế này được gọi là “Thổ Bao Ốc”, một địa thế lý tưởng. Vì vậy, Trương Cốc Anh quyết định định cư tại đây.

Sau 500 năm sống tại vùng Nhạc Dương, gia tộc họ Trương đã phát triển hơn 500 hộ, với hơn 3.000 người. Đây có thể coi là một điển hình cho việc địa thế phong thủy có thể giúp gia tộc hưng thịnh.

Trên thực tế, từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, người Trung Quốc đã hình thành quan niệm xây dựng lăng mộ dựa vào núi. Rất nhiều lăng mộ của các ông vua chư hầu nếu như không phải là dựa vào núi, quay ra sông thì cũng là đối diện với một vùng bình nguyên rộng lớn, khoáng đạt.

Thậm chí, có người còn xây dựng lăng mộ ngay trên đỉnh núi nhằm thể hiện quyền uy cũng như địa vị tối cao của mình khi còn sống. Sau đó, khi lựa chọn phong thủy người ta bắt đầu chú trọng tới nguyên tắc dựa vào núi và gần nguồn nước, coi đây những vùng đất đảm bảo nguyên tắc này là nơi có phong thủy đẹp nhất.

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng chính là một điển hình cho việc lựa chọn phong thủy theo nguyên tắc này. Ngoài việc dựa vào núi Li Sơn về phía Nam, đối diện với sông Vị Thủy ở phía Bắc, phía Đông của lăng mộ Tần Thủy Hoàng còn có 1 con hào nhân tạo khác gọi là Ngư Trì Thủy, có thể nói là một nơi có phong thủy cực đẹp.

Sẽ có người hỏi rằng, Tần Thủy Hoàng lên ngôi ở đô thành Hàm Dương, vì sao lăng mộ lại chọn ở tận Li Sơn, một nơi cách xa Hàm Dương như vậy? Chỉ cần nhìn kỹ hơn địa thế ngọn núi này, chúng ta sẽ hiểu tại sao.

Toàn bộ Li Sơn chỉ đoạn núi từ phía Đông huyện Lâm Đồng tới Mã Ngạch là có độ cao so với mực nước biển lớn, địa thế nhấp nhô, các mỏm núi lởm chởm.

Từ phía bờ Bắc sông Vị Thủy nhìn lên, đoạn núi này có sự đối xứng giữa 2 bên trái phải, tạo thành một bức bình phong lớn nằm ở phía sau lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Nếu như đứng ở trên đỉnh lăng nhìn về phía Nam, đoạn núi này giống như hình 1 chiếc cung. Vị trí lăng của Tần Thủy Hoàng nằm giữa các đỉnh núi của dãy Li Sơn, được các đỉnh núi này bao bọc giống như hợp thành một thể với ngọn núi này.

Có thể thấy rõ rằng, đây chính là 1 mảnh đất có phong thủy đẹp nhất theo nguyên tắc: Dựa vào núi và gần nguồn nước.

Nguyên tắc bốn: Lưng hướng Bắc, mặt hướng Nam

Ngoài địa hình, địa thế, phương hướng là một yếu tố rất được lý luận phong thủy coi trọng. Các Hoàng đế Trung Quốc càng không ngoại lệ. Vì vậy, lăng mộ các đế vương Trung Quốc nếu như không phải là dựa vào núi, quay mặt ra sông thì cũng là lưng quay về hướng Bắc, mặt quay về phía Nam.

Minh Hiếu Lăng của Chu Nguyên Chương ở Nam Kinh, cho tới 13 lăng của các Hoàng đế nhà Minh ở Bắc Kinh đều là những lăng mộ như vậy.

Ngày nay, sau khi trải qua hàng ngàn năm, người ta vẫn đang vận dụng các lý thuyết phong thủy truyền thống của Trung Quốc mà không biết rằng những nguyên tắc phong thủy được tổng kết từ điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu cũng như thổ những của chính người Trung Quốc.
Nguyên tắc lưng hướng Bắc, mặt hướng Nam là một ví dụ điển hình.
Dùng những kiến thức địa lý hiện đại có thể thấy rất rõ điều này. Toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc nằm ở phần Bắc bán cầu, do vậy, nếu như nhà cửa được xây dựng quay về hướng Nam sẽ lấy được nhiều ánh sáng vào nhà hơn.

Ngoài ra, do vị trí địa lý, khí hậu Trung Quốc chịu ảnh hưởng của khí hậu gió mùa, Do đó, việc xây phòng ốc quay về phía Nam sẽ giúp cho người ta tránh được gió lạnh thổi từ phương Bắc xuống vào mùa Đông.

Như vậy, những nguyên tắc trong phong thủy thực tế bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống của người Trung Quốc thời cổ đại với yêu cầu tạo nên sự hài hòa, thống nhất giữa con người và thiên nhiên.

Việc áp dụng những nguyên tắc phong thủy một cách cứng nhắc không những không đem lại hiệu quả mà thậm chí có thể gây không ít tổn hại.

Theo Phunutoday.vn
 

masterlogin

Thành viên chính thức
Nhà vua sẽ chọn cho mình nơi có long mặt và đặt lăng mộ ở đó, cho thầy phong thủy đi triệt phá long mạch ở nơi khác để long mạch không thể thuộc về ai ngoài hoàng tộc.
 
Bên trên