Bản Phật Giáo Thánh Kinh ( Phật Tử Dương Tú Hạc)

Cục Bột

Administrator
Staff member
Lời Giới Thiệu:
Phật Giáo Thánh Kinh, của nữ Phật tử Dương Tú Hạc, là quyển sách đúc kết những tư tưởng cốt yếu của Phật giáo Hiển giáo, được Hội Ái Hữu Mật Giáo tại Hoa Kỳ xuất bản vào khoảng năm 1984, và được tái bản 3 lần. Lần thứ nhất do nhóm Mật Giáo tại Colorado, lần thứ hai do Hội Ái Hữu tại Hoa Thịnh Đốn, Virginia, và lần thứ 3 do Hội Thân Hữu Mật Giáo California. Mỗi lần phát hành 1000 cuốn biếu cho các chùa, và người Việt-nam ở hải ngoại.
(11/26/08)

Cơ Duyên gặp gở tại Texas USA
PC Lin, đệ tử người Đài Loan, tu Mật tông với cư sĩ Triệu Phước, có lần ghé thăm nữ Phật tử Dương Tú Hạc tại tư gia của bà. Lúc ấy bà đã 70 tuổi. Bà tỏ vẻ cảm động khi Lin đến viếng thăm, sau khi bà được biết Lin đã mất 2 năm tìm gặp bà bên Mỹ và bên Đài Loan. Trong lúc hàn huyên, bà kể cho Lin nghe lúc bà nhập thất để viết cuốn kinh này, bà có nằm mộng thấy Đức Địa tạng Bồ Tát ấn chứng cho bà và khuyến khích bà hoàn tất cuốn kinh. Còn Lin thì nói cho bà nghe về Mật tông và về sư phụ của mình. Thánh thần đã bất ngờ thị hiện qua Lin một cách dõng dạc và uy nghiêm nói chính xác về nội tâm của bà, lúc đó đang lo âu cho đứa con trai. Bà cầu xin với Thánh thần giúp cải hóa dùm hai người con trai khác của bà hiện đang ở Houston, vì hai người con này không tin Phật. Sau đó Thánh thần đến chỗ bàn thờ của bà, trên đó có để rất nhiều tượng Phật, những bức hình của những vị sư Thái Lan và Tây tạng, xâu chuỗi mân côi của Thiên Chúa Giáo, và những cuốn kinh Phật. Chư vị đã rầy cách thờ phượng của bà không đúng, và lấy những vật không được để trên bàn thờ đưa lại cho bà cất đi. Cuối cùng Thánh Thần đã dạy cho bà phải để hình của vị sư phụ của Lin trên bàn thờ. Bà liền xin Lin cho bà tấm hình của sư phụ cùng ngày sinh nhật của ngài để bà làm lể kỷ niệm. Bà cũng có hỏi chư vị Thánh thần là không biết bà có cơ duyên sống lâu để được dự đại hội Long hoa hay không. Bà được trả lời là hãy cố gắng tu hành thì sẽ được. Cả Lin và bà đều cảm động vì sự thị hiện mầu nhiệm này. Ngày hôm sau, Lin đã xin sư phụ tấm hình và ngày sinh nhật để đưa cho bà, và được sư phụ Lin đồng ý.
Bà Dương Tú Hạc cùng với Lin và một tu sĩ khác ở Đài Loan đã cùng nhau in 1000 quyển Phật Giáo Thánh Kinh bằng tiếng Tàu và phân phát tại Mỹ và Đài Loan.

Lin đã giúp cho bà trong việc ấn tống một số sách kinh của bà bằng tiếng Trung hoa.

Nguồn từ: vutruhuyenbi
 
Last edited by a moderator:

Cục Bột

Administrator
Staff member
Phật Giáo Thánh Kinh - Lời Tựa
Quyển kinh Lời Vàng này nguyên danh là “Phật giáo Thánh Kinh” do nữ Phật tử Dương Tú Hạc biên trước bằng Hán-văn (Người Trung Hoa). Nữ Phật tử đã dày công trích yếu trong ba tạng giáo điển: Kinh, Luật, Luận những đoạn cốt yếu cao siêu, thích ứng, thiết thực, rõ ràng và dễ hiểu.

Trích yếu ba tạng gồm có 175 bộ vừa Kinh, Luật, Luận. Tổng số được mười vạn lời.

Những bộ kinh vĩ đại nhất của Phật giáo đều có mặt trong này là như: bộ Đại Bát Nhã 600 quyển, bộ Tạp-Thí dụ 80 quyển, bộ Hoa Nghiêm 80 quyển. Riêng bộ Hoa-Nghiêm được trích dẫn đến 80 lần.

Một công trình biên khảo ngần ấy giáo điển tập thành, thành một quyển kinh tổng hợp đầy đủ năm Thừa giáo lý từ thấp lên cao. Nội dung phân khoa chia mục trình bày thứ tự theo phương pháp khoa học rất dễ hiểu, khiến cho độc giả sau khi đọc xong tiện bề thu thập ghi nhớ, tránh được nổi phiền phức phải luẩn quẩn trong rừng giáo lý.

Còn về phần nội dung hay dở thế nào, lẽ dĩ nhiên xin độc giả gắng đọc rồi sẽ biết.

Muốn thay cho lời tựa này được đầy đủ ý kiến, dịch-giả xin dịch hai bức thư bằng Hán văn sau đây: Một của dịch giả xin phép biên giả để dịch in; một của biên giả phúc đáp vui lòng đồng ý.

*************
Dịch
Phật lịch 2506
Nhatrang ngày 20 tháng 10 năm Nhâm Dần (tức là ngày 16 tháng 11 năm 1962)
NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU NI PHẬT

Tôi Tỳ-kheo Hiệu TRÍ-NGHIÊM Kính gởi thư này đến Dương Tú Hạc, nữ Phật tử, vui lòng xem xét.

Thưa Bà.
Tình cờ tôi gặp được quyển “Phật-Giáo Thánh Kinh” sau khi tôi xem xong bài tựa mới biết Bà đã nhiều năm lắm công, say sưa với ba Tạng Giáo-lý mà biên chép thành. Và sau khi đọc kỹ trọn quyển, tôi nhận thấy nội dung Giáo-Lý và lối phân khoa chia mục rất có giá trị, từ xưa đến nay những kẻ biên chép Giáo lý chưa từng sánh kịp. Do đó nên tôi muốn phiên dịch và ấn hành để truyền bá Giáo lý của Đức Phật-Đà. Vậy nên tôi mới gởi thư này đến xin Bà vui lòng cho tôi được mãn nguyện.
Thưa Bà.
Sở dĩ tôi muốn làm việc này, không phải tôi vì tôi mà là vì lợi ích cho kẻ khác, cũng như ý nguyện của Bà vậy.

Nguyên do tôi thấy bài tựa của Bà ở đầu Kinh có 4 điều chí nguyện; trong điều thứ 4 có đoạn rằng: “Tôi xuất bản quyển Kinh này với ý định là muốn sau khi Phát-hành thu được tài chánh vào, còn dư ít nhiều để làm món tiền cơ sở mà kiến thiết “Quan Âm Cô-nhi Viện” vì lòng tôi rất thương yêu các em cô nhi đáng thương ấy v.v….”

Thật quý hóa quá! Như thế đã bộc lộ tinh thần muốn hướng Phật giáo về với sự-nghiệp từ-thiện, cứu tế xã-hội rất rõ rệt.

Thưa Bà.
Hiện nay tại Việt-Nam chúng tôi cũng đã có một sở Cô-nhi Viện của Hội Phật giáo Việt-Nam hiện đặt tại Thị-xã TUY HÒA thuộc tỉnh Phú Yên. Hiện nay tại Viện đã có hơn một trăm em cô-nhi bạc phước nằm ngo ngoe la khóc ngày đêm thật đáng thảm thương.

Viện này hiện do Tỉnh-Hội Phật giáo Phú Yên quản trị, và nhờ các Ni-cô thường trực chăm sóc.

Về việc tài chánh để chi độ hằng ngày thì rất là thiếu thốn, cũng bởi một phần vì thời cuộc gây nên.

Vì lẽ trên nên tôi muốn dịch quyển Kinh này sang Việt-văn, và đem bản dịch cho Cô-nhi viện nói trên ấn hành mà kiếm chút ít của để góp một phần tài chánh làm cơ sở mà nuôi các em cũng y như ý nguyện của Bà vậy.

Nếu được Bà hoan hỷ việc này là Bà đã ban cho hàng ngàn vạn lon sữa cam lồ pháp nhũ, các em được hân-hạnh sung sướng bú mút ngày đêm. Thế thì tôi làm việc này cũng chỉ là thi hành chí nguyện của Bà chớ có khác chi đâu?

Lại nữa, nếu được Bà đồng ý thời có hai điều lợi ích: Một là truyền bá Giáo lý của Đức Phật; hai là cứu độ những đứa con bạc phước của loài người. Vậy là chúng ta phụng thờ lòng từ bi của Phật bằng cách cứu người như Ngài đã làm!

Và còn một điều nữa tôi xin thưa luôn: Nếu được Bà vui lòng cho tôi toàn quyển dịch in thời thật là muôn phần tốt đẹp, hoặc giả cho trong phạm-vi hữu hạn thì cũng tốt vậy.

Sau khi gởi thư này, tôi trông đợi lời phúc đáp của Bà.

Đến đây vì giấy hẹp lời quê nên không viết được nữa. Tôi xin thành tâm cầu nguyện: TAM BẢO gia hộ: Thiện tín họ DƯƠNG, Phật tử chân chánh, thân tâm dũng mãnh, Phước Huệ song tu, lòng Từ rộng lớn. Thọ Bồ-Tát giới, Tu Bồ-Tát hạnh, chúng sanh khắp nhờ, Phước Quả vô biên. Kính cầu: ĐẠO AN

Nay kính thư
Ký tên: THÍCH TRÍ NGHIÊM

Nguồn từ : vutruhuyenbi
 
Last edited by a moderator:

Cục Bột

Administrator
Staff member
Thư Trả Lời Của Phật Tử Dương Tú Hạc
Kính Ngài TRÍ-NGHIÊM Thượng-Nhơn

Vâng đọc bức thư Pháp-giáo đề ngày 20 tháng 10 Âm-lịch do Pháp-Sư SIÊU-TRẦN chuyển đến Đệ tử lấy làm vui sướng vô cùng.

Ngài là bậc Đức trọng Đạo cao, được bốn chúng trong nước tôi kính mến từ lâu; Nhưng riêng tôi chỉ vì nhơn duyên còn lận-đận nên chưa có thể vượt non qua bể, đến hầu Pháp với Ngài, thật nghĩ cảm cho kẻ phước mỏng này.

Đệ tử, vì nghiệp nặng chướng dày, đã tự mình cam lòng làm kẻ tín-đồ Cơ-đốc-giáo hơn 20 năm trời rồi mới gặp cơ duyên quay về cửa Phật.

Sau khi vào cửa Phật, được nhờ các bậc Sư-hữu chỉ mê khai ngộ cho đôi ba phen mà chỉ mới mường tượng con đường của kiếp “NHƠN SANH ĐẠI ĐẠO” là thế nào!

Rồi Đệ tử liền phát tâm lập chí đóng cửa xem Kinh, mới nhận thấy Phật Pháp là vĩ đại, Kinh Tạng uyên thâm là dường nào; tất cả các môn học của thế gian không làm sao sánh kịp. Do đó mới đem chỗ tâm đắc trong thời xem Kinh, trích yếu chép ra, biên thành quyển Phật giáo Thánh Kinh này.

Quyển Kinh này toàn lấy pháp thế gian và xuất thế gian của Đức Phật đã nói mà làm tài liệu cho trung tâm tư tưởng để biên-trước với mục đích giải trừ kỹ nghệ nguyên tử cho xã-hội nhân dân tiện bề đối với “Phật Học” mà học Phật nghiên cứu và tu trì.

Lại gặp duyên may, lúc bấy giờ có ông Bộ trưởng Quốc Gia Giáo-dục là Trương Kỳ Quân, được ông xem đọc kỹ càng ba phen và ông công nhận là quyển sách rất hay từ trước đến nay chưa từng có. May hơn nữa, là ông đã vui lòng cho một số tiền để xuất bản quyển sách. Ấy là một nhơn-duyên to tác mà Phật giáo Thánh-Kinh được ra chào đời. Được xuất bản vào mùa Phật-Đản, từ năm Dân quốc thứ 46 (tức năm 1957)

Qua năm Dân-quốc thứ 47 thì Đệ tử tự nguyện nhận lãnh chức Viện-trưởng cho Dục-ấu-viện do bộ Tư lệnh Không-quân sáng lập. Viện này vừa mới sáng-lập với mục đích là chỉ thu dưỡng những con em của ngành Không-quân mà thôi. Kể đến nay đã được 5 năm: tất cả công việc của Viện cũng được thuận-lợi đẹp lòng và khả quan. Ấy cũng là nhờ nguyện lực Bất khả tư-nghì vậy.

Nay nhơn Ngài có quan tâm đến quyển sách, nên mới đem tình cảnh như trên mà lược bày cho Ngài hiểu.

Còn về việc biên chép quyển sách này, nếu Ngài chẳng cho là vụng về mà phát tâm dịch sang chữ Việt và đem cho Cô-nhi viện của quí xứ ấn hành để góp phần cơ sở tài chánh mà nuôi các em; ấy là một nghĩa cử cao cả. Đệ tử rất tán đồng, không có gì trở ngại, chỉ xin sau khi in gởi cho vài quyển để làm kỷ niệm mà thôi. Rất mong.
Cuối thư đệ tử xin kính chúc Tâm Bồ-Đề ngài ngang với Tâm Phật, công đức Vô-Lượng.

Nay phụng phúc đáp. Kính cầu: PHẬT AN

Đệ tử DƯƠNG TÚ HẠC đảnh lễ.

Dục-ấu viện Không quân Đài Bắc ngày 15-12-1962 (tức là ngày 19 tháng 11 năm Nhâm Dần)

Nguồn từ : vutruhuyenbi

 
Last edited by a moderator:

Cục Bột

Administrator
Staff member
Tiếp theo Dịch giả xin cảm ơn hai ngài: Trung Hoa Dân Quốc Đại Pháp-Sư SIÊU TRẦN. Từng giúp cho việc chuyển đạt thư từ đến Bà Dương Tú Hạc để xin phép in; và Thầy Thích-Nguyên-Hồng Cử nhân văn khoa đã giúp cho việc hiệu đính quyển Kinh được hoàn bị. Dịch giả xin Chân thành cảm ơn hai Ngài và cầu chúc hai Ngài Từ-Bi Trí-Huệ Vô-Lượng viên mãn.
Phật-lịch 2.506
Nha Trang Mùa xuân Quý Mão-1963
Dịch giả: THÍCH TRÍ NGHIÊM cẩn tựa.

DỊCH
Ví như nhiều thứ nhạc cùng đánh một lúc, kẻ nào được nghe, tự nhiên sanh lòng nhớ Phật – Pháp – Tăng.
Chép một câu trong kinh Di Đà để làm kỷ niệm Phật giáo Thánh-kinh do Tú-Hạ tiên sinh biên-trước.
Vương-Đức-Phổ đề.

Phần tựa
Đức Phật vì một đại sự nhơn duyên mới xuất hiện ra đời, để mở bày, chỉ dạy, giác ngộ và thể nhập vào tri kiến Phật.
Kinh Pháp-hoa

Phật dạy: Ta xuất-hiện ra đời, như đám mây lớn, có thể làm thấm nhuần tất cả, nghĩa là vì muốn khiến những chúng sanh khô-khát đều xa lìa đau khổ, được vui an ổn. Trong thế gian, kẻ làm khổ cho chúng sanh được vui yên ổn không ai bằng Ta. Ta vì đại chúng, nói pháp cam-lồ thanh tịnh; pháp ấy duy có một mùi là: giải thoát và Niết-bàn. Ta thường vì đại chúng làm nhơn duyên mà dùng một thứ tiếng diễn nói nghĩa ấy. Ta xem tất cả chúng sanh thảy đều bình đẳng, không có tâm bỉ, thử, tắng, ái; cũng không tham trước, không chướng ngại, hằng vì tất cả mà nói đạo pháp bình đẳng. Và cũng không phân biệt là một người hay nhiều người mà thường diễn nói chánh pháp, ngoài ra không việc gì khác. Dù trong lúc đi, đứng, ngồi, nằm cũng không nhàm bỏ; đối với những kẻ: sang, hèn, trên, dưới, trì giới, phá giới, có lễ độ hay không lễ độ, chánh kiến hay tà kiến, căn cơ lanh hay ngu độn, Ta bình đẳng rưới pháp-vũ vẫn không mệt mỏi. Tất cả chúng sanh đã được nghe pháp Ta, nên cố gắng tu trì thì đều được tiến thủ ngôi cao.
Kinh Pháp-Hoa

Chớ làm các điều ác, chăm làm các điều lành, trong sạch nơi tâm ý, là lời các Đức Phật dạy.
Kinh Niết-Bàn

Lời dạy không oán hận là lời Phật dạy, lời dạy không kiện tụng là lời Phật dạy, lời dạy không bài báng là lời Phật dạy.
Kinh Bảo-Tạng

Giáo pháp không chấp tự tha gọi là Phật giáo, giáo pháp không chê bai gọi là Phật giáo. Giáo pháp khéo dạy dỗ, khéo dắt dẫn hợp theo căn cơ, gọi là Phật giáo.
Kinh Bảo-Khuông

Các Đức Phật ra đời duy có việc này là: Vì muốn làm lợi ích cho thế gian, khiến thế gian sáng mắt, để dứt tất cả tà đạo vậy.
Kinh Đại-Pháp-Cú Đà-La-Ni

Phật dạy: Ta thương mến các ngươi, chư thiên nhơn dân, lắm hơn cha mẹ thương con. Ta nay thành Phật trong thế gian này hàng phục năm món ác, tiêu trừ năm món khổ, dứt bặt năm món đốt cháy, lấy điều lành cải điều ác, cứu khổ sanh tử, khiến được năm món phước đức và lên cảnh vô-vi yên ổn.
Kinh Vô-Lượng-Thọ

Những người đa nghi đối với tất cả việc thế gian và xuất thế gian đều chẳng thành công. Vì nghi Pháp, chẳng học đặng; nghi Thầy, chẳng hay kính thuận; và nghi Mình, thì không thể học được.
Sanh ba điều nghi này là cội gốc ngăn Đạo vậy. Trái lại khởi tâm quyết định mà học thời không nên có ba việc này.
Luận Thành-Thật

Phật dạy: Những người tu đạo như cây trôi trong dòng nước, tìm giữa dòng mà trôi, chẳng bị người vớt lấy, chẳng bị quỉ thần ngăn chận, chẳng bị dòng nước xoáy làm dừng lại, cũng chẳng hư mục. Ta bảo đảm cây nầy quyết định trôi vào biển cả. Người học đạo cũng vậy, chẳng cho tình dục làm mê hoặc, chẳng bị các tà thuyết làm loạn tâm, tinh tấn vô-vi. Ta bảo đảm người nầy chắc chứng đạo quả.
Kinh Hoa Nghiêm

Nếu người ưa nghe giáo pháp mà chẳng nhàm chán thì giác-ngộ được pháp bất khả tư-nghì.
Kinh Hoa Nghiêm

Khi nghe pháp với người cần đủ 16 điều:
1. Đi nghe đúng thời
2. Ham nghe
3. Chăm lòng nghe
4. Cung kính nghe
5. Chẳng vì chỉ trích mà nghe
6. Chẳng vì tranh luận mà nghe
7. Chẳng vì muốn hơn mà nghe
8. Khi nghe chẳng nên khinh người nói
9. khi nghe chẳng nên khinh đạo pháp
10. Khi nghe quyết chẳng tự khinh
11. Khi nghe xa lìa năm món ngăn che
12. Khi nghe vì thọ trì đọc tụng
13. Khi nghe vì diệt trừ ngũ độc
14. Khi nghe phải đủ tín tâm
15. Khi nghe vì điều phục chúng sanh
16. Khi nghe vì dứt cội gốc vô minh.
Kinh Ưu-bà-tắc Giới


Nguồn vutruhuyenbi.com
 

Cục Bột

Administrator
Staff member
Người nghe pháp đối với vị thuyết pháp phải nghĩ tưởng: như vị Thầy thuốc hay, như người cứu khổ, hoặc như vị cam lồ, hay là món đề hồ. Trái lại người thuyết pháp đối với thính chúng phải nghĩ tưởng là tự mình tăng trưởng thắng-giải và phải nghĩ tưởng là chữa họ được lành bệnh. Nếu như người nói và người nghe đều có dụng ý đúng như thế thì mới kham nối nắm Phật-vị, thường sanh gặp Phật.
Kinh Đại Tập

Có người khát muốn uống nước, tìm đến chỗ nhiều nước. Đến đó, đứng xem mà chẳng uống. Có người bảo: “Ngươi khát nước, đi tìm lắm bề khó nhọc, nay tìm gặp được nước mà chẳng uống là tại sao?” Anh chàng đáp: Nếu tôi uống hết thì mới uống, nhưng nước đây quá nhiều, uống không thể hết nên tôi không uống. Bọn người kia nghe vậy, cười cho là ngu.
Cũng như có người thấy giáo pháp của Phật quá nhiều, rồi cho là mình không thể hiểu hết được, nên chẳng học hỏi, suy nghĩ tu tập.
Kinh Bách Dụ

Người nào đối với tam-học không thể khôn khéo học tập, chỉ dùng nhơn duyên đa văn mà khinh dễ kẻ khác, thì người ấy bị chướng ngại thiện pháp.
Kinh Phật Tạng

Chỉ dùng đa văn thì không thể vào được pháp của Như-Lai. Thí dụ như: Vì người đãi món ăn ngon đẹp, mà tự mình đói chẳng ăn được; như khéo cho thuốc người khác mà bệnh mình không thể chữa được; như đếm của cho người khác mà tự mình không có nửa đồng; cũng như sanh vào cung vua mà chịu đói lạnh; như anh điếc đánh nhạc người khác nghe thích mà tự mình chẳng nghe gì cả; và cũng như chàng họa sĩ mù họa tượng đưa người ta xem mà mình chẳng thấy gì hết. Đối với chánh pháp chẳng chịu tu hành mà chỉ cầu nghe nhiều cũng giống như vậy.
Kinh Hoa Nghiêm

Phật pháp quý tu chớ chẳng quý chẳng tu; chỉ hay siêng tu dầu cho ít học cũng được trước vào đạo pháp.
Luận Trí Độ

Nếu nghe Phật dạy liền tự thấu hiểu thì như kẻ trượng phu có thể tự uống thuốc đắng, còn trẻ nít thì phải dùng mật hòa trộn mới uống được.
Luận Thập Trụ Tỳ bà-Sa

Thà học ít mà có thể thông hiểu được nghĩa vị còn hơn học nhiều mà chẳng hiểu thật nghĩa. Xin nguyện làm thầy tâm chớ chẳng cho tâm làm thầy.
Kinh Niết-Bàn

Dầu cho học nhiều mà chẳng thực hành cũng chẳng hơn gì người chẳng học. Như người đói nói món ăn mà bụng chẳng no.
Kinh Lăng Nghiêm

Kẻ tri pháp, bất tất tụng tập nhiều, nếu chỉ được học hỏi chút it cũng đủ làm bản hạnh cho pháp thân, ấy là người tri pháp vì lấy pháp tự trưởng dưỡng. Dầu cho tụng tập nhiều nghĩa mà buông lung chẳng theo chánh đạo thì cũng như đếm trâu cho kẻ khác, chẳng phải chánh đạo của Sa-môn vậy.
Kinh Xuất Diệu

Phật dạy: Phàm người tu đạo như trâu chở nặng đi trong lầy lún, tuy rất mỏi mệt nhưng chẳng dám ngó hai bên: khi ra khỏi lầy lún, mới được nghỉ ngơi. Tình dục đối với người lắm hơn lầy lún bùn nhơ cho nên phải lấy trực-tâm niệm đạo, ngõ hầu khỏi các khổ lụy.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương

Phật tử khéo lắng nghe, và hỏi nghĩa như-thiệt, chẳng phải chỉ nghe nhiều, mà vào được pháp Như-Lai. Ví như bị nước trôi, sợ chìm mà chết khát; không thể đúng pháp tu, nghe nhiều cũng như vậy. Ví như cho nhiều món, các món đồ ăn ngon, tự chẳng ăn chết đói, nghe nhiều cũng như vậy. Ví như thầy thuốc giỏi, biết đủ các phương thuốc, bệnh mình không thể chữa, nghe nhiều cũng như vậy. Ví như chàng nghèo xơ, ngày đêm đếm của người, mình không có nửa đồng, nghe nhiều cũng như vậy. Ví như người điếc đui, có tài tấu âm nhạc, người thích mình chẳng nghe, đa văn cũng như vậy. Ví như người đui mù, xưa học nay vẽ khéo, người xem, mình chẳng thấy, đa văn cũng như vậy. Như người dẫn đường biển, độ được rất nhiều người, cứu họ chẳng cứu mình, đa văn cũng như vậy. Ví như trước đại chúng, khéo nói việc nhiệm mầu, chính mình không thiệt đức, đa văn cũng như vậy.
Kinh Hoa Nghiêm

Công đức nghe pháp, ra khỏi sanh tử, rất là hơn hết.
Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ

Đại thừa chánh-pháp-Phật, chẳng trụ pháp nào cả, cho nên gọi là Phật.
Kinh Hoa Nghiêm

Từ khi đức Như-Lai thành đạo đến nay đã hơn 40 năm, Ngài thường vì chúng sanh diễn nói nghĩa các pháp bốn tướng là: nghĩa khổ, nghĩa không, vô thường, vô ngã, vô đại, vô tiểu, vô sanh, vô diệt, nhất tướng vô-tướng, pháp tánh, pháp tướng, xưa nay vắng lặng, chẳng đến chẳng đi, chẳng ra chẳng vào.
Kinh Vô Lượng Nghĩa.

Tuy tụng ngàn lời, chẳng tu ích gì, chẳng bằng chợt nghe, siêng tu được ích. Tuy tụng ngàn lời, nghĩa, câu chẳng trúng, chẳng bằng trúng một, nghe liền dứt ý. Tuy tụng ngàn lời chẳng hiểu ích chi, chẳng bằng một nghĩa, nghe tu được độ. Tuy tụng ngàn lời, chẳng kính ích chi, chẳng bằng chút kính, vui vẻ vâng tu. Tuy tụng ngàn lời, chẳng trừ ngã chấp, chẳng bằng một câu, bỏ tâm buông lung. Tuy tụng ngàn lời, cầu danh càng lắm, chẳng bằng một lời, bỏ rời chấp trước. Tuy tụng ngàn lời, chẳng muốn chừa lỗi, chẳng bằng một chữ, xa lìa sanh tử. Tuy tụng ngàn lời, sắc dục càng nặng, chẳng bằng chút hiểu, tâm cảnh tiêu tan. Tuy tụng ngàn lời, chẳng cầu giải thoát, chẳng bằng thoạt ngộ, ra khỏi tam giới. Tuy tụng ngàn lời, chẳng tu bi trí, chẳng bằng chợt nghe, mình người lưỡng lợi. Người sống trăm tuổi, tham lam càng lắm, chẳng bằng một ngày, vất bỏ tài sắc. Sống lâu trăm năm; ưa thói buông lung, chẳng bằng một ngày, tịnh tâm giữ giới. Sống lâu trăm tuổi, lười nhác chẳng siêng, chẳng bằng một ngày, kiềm thúc thân tâm. Sống lâu trăm tuổi, lòng ưa phóng túng, chẳng bằng một ngày, giữ tâm vắng lặng. Sống lâu trăm tuổi, tâm thức mù mờ, chẳng bằng một ngày, suốt ngộ vô minh. Sống lâu trăm tuổi, vụng khiến thân tâm, chẳng bằng một ngày, khéo léo vận dụng. Sống lâu trăm tuổi, tâm thường khiếp sợ, chẳng bằng một ngày, huệ lực mạnh mẽ. Sống lâu trăm tuổi, chẳng phát nguyện lành, chẳng bằng một ngày, phát tứ hoằng-thệ. Sống lâu trăm tuổi, chẳng sanh chút trí, chẳng bằng một ngày, tánh huệ bén.
Kinh Đại-Pháp-Cú

Người sanh ở thế gian, cái búa ở tại miệng, trở lại chém tự thân, ấy bởi vì nói ác; đáng chê lại khen ngợi, đáng khen lại chê bai, tội do miệng sanh ra, chết đọa vào địa ngục.
Kinh Tạp A-Hàm: Chư Thiên thuyết kệ

Nguồn : Vutruhuyenbi.com
 

Cục Bột

Administrator
Staff member
PHẦN THỨ NHẤT; QUY Y

CHƯƠNG I
TÍN NGƯỠNG

Quay về nương tựa nên gọi là quy-y. Hành tướng quy-y như con theo cha mẹ, nương dựa phục tùng; như dân nương nhờ vua, như người yếu nương nhờ kẻ mạnh. Nương Phật như thầy, nên gọi là quy-y Phật. Nhờ Pháp như thuốc nên gọi là quy-y Pháp. Nương Tăng là bạn, nên gọi là quy-y Tăng.
Kinh Đại-Thừa-Nghĩa

Như người có tay, vào trong núi báu, tự do lấy ngọc; người có lòng tin cũng vậy, vào trong Phật pháp, tự do lấy của báu vô-lậu.
Kinh Hoa Nghiêm

Như người không tay tuy đến núi báu, không lấy được gì. Người không lòng tin, dầu gặp Tam-bảo cũng không ích gì.
Kinh Tâm-Địa Quán

Phật pháp như biển cả, phải có lòng tin mới vào được.
Luận Trí Độ

Vào biển Phật pháp, lấy lòng tin làm gốc; qua sông sanh tử, lấy giới pháp làm thuyền.
Kinh Tiểu-Địa Quán

Ví như nhà vua, tạo lầu đài nơi bên thành, xây đắp chắc chắn, khiến không thể hư nát; bề trong quốc gia yên ổn, bề ngoài ngự phòng oán địch. Phật tử cũng vậy, phải kiên cố lòng tin tưởng đức Như-Lai, khi lòng tin đã vững vàng thì quyết không theo những kẻ Sa-môn ngoại-đạo Phạm-chí ác-ma và ác-thế-gian. Ấy là đã xây dựng được lòng tin như lầu đài bền chắc. Là Phật tử phải bỏ điều ác, điều xấu mà tu các pháp lành.
Kinh Trung A-Hàm

Người có lòng tin mà không hiểu giáo lý thì dễ tăng trưởng vô-minh mờ ám, người hiểu Giáo lý mà không lòng tin thì dễ tăng trưởng tà kiến. Cho nên lòng tin và hiểu biết phải cùng đủ mới làm cội gốc tu hành.
Kinh Niết-Bàn

Tin chơn lý thường trú gọi là lòng tin.
Kinh Lăng Nghiêm

Vì muốn đến Niết bàn, nên tin Phật pháp, cần phải nghe mới được trí huệ, chẳng phải buông lung mà thông suốt; được như vậy thì lo gì đời này không vào được cảnh giới cao tột.
Kinh Tăng Nhất A-Hàm (văn Ba-lị)

Lòng tin làm nhơn cho nghe pháp, nghe pháp làm nhơn cho lòng tin.
Kinh Niết-Bàn

Đến bạn lành, được nghe pháp mầu nhiệm là được pháp các bậc thánh-tôn yêu quí. Đức Như-Lai trí tuệ hơn hết, trùm khắp hư không, nói ra giáo pháp, duy có Phật mới có thể hiểu thấu được. Vậy nên các ngươi cần phải nghe nhiều hiểu rộng chánh pháp, mới tin nổi lý chơn thật chánh pháp của Ta. Được làm thân người trong cõi người rất khó, mà được gặp giáo-pháp Nhu-Lai lại càng khó hơn. Vậy nên, nghe được giáo pháp phải tinh tấn tu trì.
Kinh Vô-Lượng-Thọ Như Lai Hội

Nhơn duyên được nghe chánh pháp, là gần gũi bạn lành; Nhơn duyên gần gũi bạn lành đó là lòng tin vậy. Phát được lòng tin có hai nhơn duyên là: nghe pháp và suy nghĩ nghĩa lý của pháp.
Kinh Niết-Bàn

Nói lòng tin có 4 món: Một là lòng tin cội gốc, nghĩa là ưa nghĩ pháp chơn-như; hai là tin Đức Phật có vô lượng công đức, thường nhớ gần gũi, cúng dường, cung kính phát khởi căn lành để cầu xin Nhất thế trí; ba là tin Pháp có nhiều lợi ích, thường nhớ tu hành cho rốt ráo; bốn là tin Tăng hay tu hành hạnh lợi mình và người, thường ưa gần gũi các vị Bồ-tát cầu học hạnh như-thật.
Luận Khởi Tín

Lòng tin lại có 2 món: Một là từ nghe mà sanh; hai là từ nghĩ mà sanh. Những người từ nghe sanh mà chẳng từ nghĩ sanh, thì gọi là lòng tin chẳng đầy đủ. Còn có 2 món nữa: Một là tin có Đạo, hai là tin có chứng Đạo. Lòng tin người nào chỉ tin có Đạo mà chẳng tin có các người chứng đạo, ấy gọi là lòng chẳng đầy đủ.
Kinh Niết-Bàn

Nếu có chúng sanh rõ tin Phật-trí cho đến thắng-trí, rồi tu các công đức để hồi hướng lòng tin. Những chúng sanh này ở trong hoa bảy báu, tự nhiên hóa sanh; xếp bằng mà ngồi trong chừng giây lát, thân thể sáng rực, trí tuệ công đức như các Bồ-tát đầy đủ trọn vẹn.
Kinh Vô-Lượng-Thọ

Có lòng tin mới là Phật tử, vậy nên kẻ trí phải thường gần gũi người có lòng tin.
Kinh Bảo-Tích

Nếu cầu Bồ-đề để làm lợi ích chúng sanh, ấy là những kẻ vì chúng sanh hơn hết vậy; hạng này còn không thể so sánh huống là bậc trên nữa. Vậy nên đã được nghe các pháp này, kẻ trí thường sanh tâm vui pháp sẽ được đại phước không lường và mầu nhiệm được chứng Đạo vô thượng.
Kinh Xuất-Sanh Bồ-Đề Tâm

Hoặc có người nói: Quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, do lòng tin làm nhơn. Thật ra chánh nhơn của Bồ-đề (tức Chánh đẳng giác) tuy còn nhiều vô lượng, nhưng nếu nói lòng tin, tức đã bao quát hết rồi vậy.
Kinh Niết-Bàn

Bồ-đề Tâm là con đường lớn, vì có thể đưa người được vào cõi Nhất thế trí.
Bồ-đề Tâm là con mắt sáng, vì có thể xem thấy hết thảy đường chánh nẻo tà.
Bồ-đề Tâm mặt trăng sáng, vì soi rõ các tịnh pháp đều viên mãn.
Bồ-đề Tâm là nước sạch, vì rửa sạch tất cả dơ bẩn phiền não.
Bồ-đề Tâm là ruộng tốt, vì nuôi dưỡng chúng sanh trong sạch.
Bồ-đề Tâm là hạt giống tất cả Đức Phật, vì có thể sanh tất cả pháp các Đức Phật.
Kinh Hoa Nghiêm

Đại tín tâm tức là Phật tánh, Phật tánh tức là Như-Lai.
Kinh Niết-Bàn

Trăng Bồ-đề trong mát, soi rốt ráo hư không, chúng sanh tâm nước sạch, bóng Bồ-đề hiện ngay.
Kinh Hoa Nghiêm

Đức Phật biết mở giây sanh tử cho tất cả chúng sanh; Ngài đích thân đối với thần nhơn, chỉ rõ pháp hiểu biết, khiến họ thấy hoặc nghe, đều được an tâm. Đức Phật thật là bậc Đạo-nhơn, là Thiện-nhơn, là Quyết-định-nhơn, là Vô lậu nhơn, vì Ngài thấu suốt thân mệnh, chính là bậc Đại nhơn trí-tuệ cao cả vậy.
Kinh Tăng Nhất A-Hàm (văn Ba-lị)

(cũng kinh này) Tỳ-kheo nương Phật pháp mà sanh lòng tin: Tin đức Như-Lai là: Thế Tôn, Đẳng Chánh-giác, Minh-hạnh Túc, Thiện-thệ Thế gian giải, Vô-thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên-nhơn sư. Ngài chứng quả an lành không bệnh; tu nhẫn nại và tinh tấn mức trung đạo, chứng quả chẳng hư ngụy, chẳng mê hoặc. Đúng như thật đối trước các bậc sư chủ: Chỉ rõ đạo nghĩa, an trụ tinh tấn, bỏ pháp bất thiện, phát khởi thiện pháp, nương thiện pháp mà quyết định gắng gỗ bền chắc. Thế mới thành tựu Bậc trí huệ chứng Vô thượng trí vậy.

(Văn Ba-lị): Ta, tuy trong một nháy mắt, cũng chẳng rời trí lực sâu sắc của Phật-Đà mà tỏ rõ nói pháp; nói pháp không ái và không phiền não của Phật-Đà, với kẻ khác không còn so sánh. Ta chẳng phân biệt ngày, đêm, lấy con mắt tâm xem thấy hết. Ta tự tin rằng thoạt qua là hết đêm, cho nên trong giây lát chẳng bỏ rời. Ta tin và thích, tâm và niệm, khiến ta quy y Phật giáo vậy. Những người trí-huệ cao cả như thế chẳng luận là nơi chỗ nào ta cũng vẫn đến quy-y. Dầu cho thân ta già, sức ta yếu, không thể đi đến chỗ ấy được, nhưng tâm ta quyết định thường đi đến chỗ ấy. Thế thì tâm ta và tâm kẻ ấy phù hợp vậy.
Kinh Tiểu A-Hàm

Hết lòng muốn thấy Phật, chẳng tiếc gì thân mạng, khi ta và chúng Tăng, đồng đến núi Linh-Thứu.
Kinh Pháp-Hoa

Phật dạy: Nếu có Bồ-tát đem vui thắng ý, đến chỗ Ta phát khởi ý nghĩ như gặp cha, người kia sẽ được vào trong hàng ngũ Như-Lai, như Ta không khác gì.
Kinh Bảo-Tích

Nguồn : Vutruhuyenbi.com
 

Cục Bột

Administrator
Staff member
tiếp theo

(Văn Ba-lị) Thưa Thế-tôn: Nếu pháp này chỉ có hoàn toàn thành tựu, mà Tỳ-kheo chẳng đặng thành tựu; hoặc Tỳ-kheo ni đặng thành tựu mà các người tại gia Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và các người còn dục lạc chẳng đặng thành tựu, thời pháp ấy chẳng được hoàn toàn. Những pháp này Đức Thế Tôn được thành tựu, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, đều được thành tựu. Hơn nữa, những người tại gia nam nữ và các kẻ còn dục lạc thảy đều được thành tựu, cho nên ta tin pháp này là hoàn toàn thành tựu.
Kinh Trung A-Hàm

(Văn Ba-lị): Vì muốn đến Niết-bàn, tin, vâng các Thánh-pháp, nghe, cầu được trí-huệ, tinh tấn hay thông suốt.
Kinh Tạp A-Hàm

Đứng đầu tất cả hạnh là đức tin, là cội gốc các đức vậy.
Kinh Phạm Võng

Tất cả các công đức, đức tin là sứ mạng; trong các của báu, của đức tin đứng đầu.
Kinh Đại Trang Nghiêm

Tin là nguồn Đạo, mẹ công đức, nuôi lớn tất cả các pháp lành, dứt trừ lưới nghi, thoát dòng ái, mở chỉ Niết-bàn, đạo Vô Thượng, tin lòng trong sạch, không dơ bẩn, dứt trừ kiêu mạn gốc cung kính, là của thứ nhất trong kho Pháp, là tay trong sạch lãnh các hạnh; Tin vào Phật pháp; tin hay thêm lớn trí công đức; tin hay quyết đến cõi Như-Lai; tin khiến các căn lành sáng suốt; tin sức bền chắc không thể hư; tin hay dứt hẳn gốc phiền não; tin hay hướng về Phật công đức; tin đối cảnh giới không tham lam, xa lìa các nạn được không nạn; tin hay vượt khỏi các đường ma, thành đạo Vô-thượng giải thoát; tin chẳng phá hư giống công đức; tin hay nuôi lớn cây bình đẳng; tin hay thêm ích trí tối thượng; tin hay thành tất cả Phật.
Kinh Hoa Nghiêm

Nếu có chúng sanh nào, chưa phát tâm bình đẳng, một khi nghe tên Phật, quyết định thành bình đẳng.
Kinh Hoa Nghiêm

Nếu người trồng căn lành, nghi thời hoa chẳng nở; lòng tin được trong sạch, hoa nở liền thấy Phật.
Luận Thập Trụ Tỳ-bà-sa

Bồ-tát đối sanh tử, khi đầu tiên phát tâm, một bề cầu Giác-đạo, bền chắc chẳng khá lay. Kia một niệm công đức, sâu rộng không ngằn mé, Như-Lai phân biệt nói, trọn kiếp không thể hết.
Kinh Hoa Nghiêm

Tất cả tâm chúng sanh đều phân biệt biết hết, tất cả cõi vi-trần hãy còn tính được số; mười phương cõi hư không, mảy lông cũng lường được, Bồ-tát sơ phát tâm, rốt ráo chẳng lường được.
Kinh Hoa Nghiêm

Như đấng Đại-Phước rất cao kia, chẳng bằng phần mười sáu Đạo tâm; nếu muốn cầu phước như Tu-Di, như cát sông Hằng ở cõi Phật, thảy đều tạo chùa, xây các tháp chẳng bằng Đạo tâm mười sáu phần.
Kinh Xuất-Sanh Bồ-Đề Tâm


Công đức Bồ-đề tâm, nếu có chất hẳn hoi, khắp cả cõi hư không, không thể dung chứa hết.
Kinh Bảo-Tích

Nếu được nghe một câu pháp chưa từng nghe, sanh lòng rất vui mừng, còn hơn được bao nhiêu ngọc báu đầy trong tam-thiên đại-thiên thế giới.
Kinh Hoa Nghiêm

Đức Phật bảo Ngài Di-Lặc rằng: Nghe danh hiệu Đức Phật kia, vui mừng nhảy nhót, cho đến một niệm. Phải biết người ấy ắt được lợi lớn. Ấy là đủ công đức cao tột.
Kinh Vô-Lượng-Thọ

Đức Phật dạy: Nghe pháp hay chẳng quên, thấy kinh được rất mừng, ấy bạn lành ta vậy.
Kinh Vô-Lượng-Thọ

Ví như vàng Diêm-phù-đàn, chỉ thua ngọc Như-ý, hơn tất cả các ngọc, Bồ-đề tâm như vàng Diêm-phù-đàn, cũng như vậy, chỉ thua Nhất Thế Trí, hơn tất cả công đức.
Kinh Hoa Nghiêm

Ví như chim Ca-lăng-tần-già, khi còn nằm trong trứng, đã có thế-lực mạnh, các loài chim chẳng bằng, vị Đại Bồ-tát cũng in như vậy. Còn ở trứng sanh tử, đã phát tâm bình đẳng, công đức rất thế lực, hàng Thanh-văn Duyên-giác làm gì so sánh kịp.
Kinh Hoa Nghiêm

Ví như hoa cây Đa-lợi-chất đa, xông áo một ngày, hoa chiêm-bồ, hoa Bà-sư, tuy xông ngàn năm, chẳng hay sánh nổi. Hoa Bồ-đề tâm cũng lại như vậy, đem công đức xông một ngày, mùi thơm thấu mười phương cõi Phật, hàng Thanh-văn Duyên-giác, dùng trí vô lậu xông các công đức đến trăm ngàn kiếp cũng chẳng làm sao kịp được.
Kinh Hoa Nghiêm

Nghe pháp khởi lòng tin, vui mừng không nghi ngại, chóng thành Đạo Vô thượng, ngang hàng các Như-Lai.
Tâm trong sạch như đồ đựng nước, hình bóng thường hiển hiện. Nhưng tâm chúng sanh nhơ bẩn như đồ bị nứt, thì chẳng thấy hình bóng Như-Lai, Pháp-Thân.
Nếu hay tin, biết trừ kiêu-mạn, phát tâm liền được thấy Như-Lai; nếu còn dua vạy tâm chẳng sạch, ức kiếp tìm cầu khó gặp thay.
Kinh Hoa Nghiêm

Kiêu mạn, si tệ, biếng nhác, khó tin nổi pháp này, nhờ đời trước thấy Phật, như vậy ưa nghe Pháp.
Kinh Vô-Lượng-Thọ

Vua Di-Lan hỏi ngài Na-Tiên Tỳ-kheo rằng: “Ngươi chưa chứng Đạo Niết-bàn làm sao biết Niết-bàn là vui?” Na-Tiên đáp: “Người sống chưa từng chặt tay, chân, mà có thể biết được nỗi đau khổ là vì thấy người bị chặt tay chân họ rên la; các vị Tiên Thánh, đã chứng được Đạo Niết-bàn, họ bảo thật vui. Do đó ta tin thật có vui vậy.”
Kinh Na-Tiên Tỳ-kheo

Nguồn : Vutruhuyenbi.com
 

Cục Bột

Administrator
Staff member
CHƯƠNG II

NIỆM PHẬT

Đức Phật bảo Ca-Diếp Bồ-tát: “Nếu có trai lành gái thiện nào, thường hay chăm lòng chuyên cầu niệm Phật, hoặc nơi núi rừng, hoặc nơi xóm làng, hoặc ngày đêm, hoặc ngồi nằm, các Đức Phật Thế Tôn thường thấy người này như hiện trước mắt.
Kinh Niết-Bàn

Đức Phật bảo A-Nan và bà Vi-Đề-Hy: “Các Phật Như Lai lấy pháp giới làm thân, cho nên vào trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh; vậy nên các ngươi mỗi khi tâm tưởng Phật, tâm này tức là 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Tâm này phải làm Phật vì tâm này là Phật. Các Đức Phật là biển chánh-biến-trí, từ tâm tưởng mà sanh ra.
Nếu ai biết niệm Phật, thì phải biết người này là hoa sen báu trong loài người, Đức Quan-Thế-Ấm Bồ-tát, Đức Đại-Thế-Chí Bồ-tát là bạn thù thắng của người ấy, và thường ở đạo-tràng sanh trong nhà các Đức Phật.
Kinh Quán Vô Lượng

Nếu ai chăm lòng niệm Phật luôn, thằng ngồi chánh định, quán tưởng sắc thân Phật, nên biết người này lòng như lòng Phật cùng Phật không khác. Tuy còn ở trong phiền não mà chẳng bị các điều ác che lấp, sang qua đời sau họ sẽ rưới những trận mưa đại-pháp.
Kinh Quán Phật

Nếu người trì Phật danh, chẳng sanh tâm khiếp sợ, có trí huệ mà chẳng dua vạy, thường ở ngay trước các Đức Phật.
Kinh Thập Nhị Phật Danh

Nếu có người ngày ngày xưng tụng danh hiệu Như Lai, những chúng sanh ấy có thể xa lìa chốn tối tăm, lần lửa đốt được các phiền não. Như vậy xưng niệm Nam-mô Phật, thì ngữ nghiệp chẳng luống công. Như vậy ngữ nghiệp gọi là tay cầm cây đuốc lớn hay soi phá các phiền não.
Kinh Bảo-Tích

Quy y, cung kính nhớ tưởng Phật chắc được ra khỏi sanh tử, đến Niết-bàn. Cho đến, hoặc có trai lành gái thiện, ít nhất một phen xưng: ”Nam-mô Phật-Đà đại từ bi” thì trai lành gái thiện này hết ngằn mé sanh tử, căn lành không cùng tận, sanh ở trong cõi trời thường hưởng quả giàu vui. Cuối cùng vào cảnh giới Niết-bàn.
Kinh Bát-Nhã

Vua Tịnh Phạn thưa Phật rằng: “Công đức niệm Phật tướng trạng ra sao?” Đức Phật đáp lại vua cha rằng: “Như đám rừng cây Y Lan, chu vi rộng chừng 40 do-tuần mà chỉ có một cây Ngư-Đằng Chiên-Đàn tuy đã có rễ, mộng mà chưa mọc khỏi đất. Loại Y Lan chỉ có hôi thúi mà không mùi thơm; nếu ai ăn phải hoa, trái nó thì phát cuồng mà chết mất. Về sau mọng rễ Chiên Đàn dần dần sanh trưởng thành cây, mùi thơm ngào ngạt liền át mùi thúi rừng Y lan thảy đều thơm đẹp. Chúng sanh nghe thấy đều cho là hiếm có.
Đức Phật lại thưa với phụ vương rằng: “Tất cả chúng sanh còn ở trong sanh tử, thành tâm niệm Phật cũng chính như thế. Chỉ hay chăm niệm luôn chẳng dứt, quyết định sanh ngay cõi Phật. Đã được vãng sanh tức có thể cải biến tất cả điều ác trở thành đại từ bi như gỗ trầm hương chiên-đàn biến cải mùi hôi rừng Y Lan.”
Kinh Quán Phật Tam-muội.

Vua Di-Lan hỏi ngài La-Hớn Na Tiên Tỳ-kheo rằng: “Nói người làm ác đến trăm năm, đến khi sắp chết nếu biết niệm Phật, chết rồi sanh về cõi Trời. Lời nói này tôi không tin nổi.
Lại nữa, một lần sát sanh, chết đọa vào địa-ngục, tôi cũng không tin nổi.”
Ngài Na-Tiên trả lời: “Có người cầm cục đá nhỏ để trên mặt nước, đá ấy nổi hay chìm?”
Vua trả lời: “Chìm”.
Ngài nói: “Như đem trăm cục đá lớn để trên thuyền, chiếc thuyền ấy chìm hay không?”
Vua nói: “Chẳng chìm.”
Ngài nói: “Trăm hòn đá lớn trong thuyền, nhờ thuyền nó chẳng chìm. Người tuy có tội lớn, nếu một khi biết niệm Phật, thì nhờ Phật chẳng đọa địa ngục, lại được sanh lên Trời, sao lại chẳng tin nổi? Hòn đá nhỏ chìm ngập như người làm ác chẳng biết niệm Phật, chết đọa địa-ngục sao lại chẳng tin?”
Nhà vua khen: “Hay quá, ngài nói hay quá.”
Kinh Na-Tiên Tỳ-kheo

Ví như có người được món thuốc bất khả hoại, tất cả kẻ oán địch không thể làm hại được, bậc đại Bồ-tát cũng lại như vậy. Được Bồ-đề tâm là món pháp được bất khả hoại, tất cả phiền não, và các thứ mà kẻ oán địch đều chẳng làm gì. Ví như có người được viên ngọc trụ thủy, dùng làm chuỗi đeo thân, mang đi vào trong nước sâu không thể bị chìm ngập; được Bồ-đề tâm là viên ngọc trụ thủy, bửu châu, vào trong biển sanh tử không bị chìm đắm. Và ví như vàng kim cương, chìm nằm trong nước lâu trăm ngàn kiếp cũng không thể bị hư hoại biến khác. Tâm Bồ-đề cũng như vậy, ở trong sanh tử lâu vô lượng kiếp, cũng không thể bị các nghiệp phiền não làm tổn giảm hay tiêu diệt được.

Ví như món thuốc hay, chữa lành tất cả bệnh, tâm Bồ-đề diệt hết các bệnh phiền não của chúng sanh. Ví như các thứ sữa trâu, ngựa và dê đựng chung một bát, rồi cho trộn sữa sư tử vào, thì các thứ sữa kia lọt chun ra ngoài bát và tan biến mất hết. Đức Như Lai dùng sữa sư tử Bồ-đề tâm trộn hòa vào trong các thứ sữa phiền não nghiệp chướng đã chứa lâu từ vô lượng kiếp tức khắc đều tiêu diệt mất.
Kinh Hoa Nghiêm

Đức Phật bảo A-Nan: Thợ bắt cá vì muốn được cá nên gắn mồi lưỡi câu thả vào ao nước cho cá nuốt mồi; cá đã nuốt mồi, tuy còn ở dưới ao nhưng chẳng bao lâu sẽ bị bắt lên. Này A-Nan, tất cả chúng sanh đối với các Đức Phật được sanh lòng kính tin trồng các căn lành, tu hạnh bố-thí, cho đến phát tâm được một niệm kính tin, tuy còn bị các nghiệp ác bất thiện ngăn che đọa trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Các Đức Phật Thế Tôn lấy Phật nhãn xem các chúng sanh này vì đã phát tâm thù thắng, nên cứu vớt ra khỏi địa-ngục. Đã cứu vớt xong, đem để trên bờ Niết-bàn.
Kinh Đại-Bi

Người tu nhất hạnh Tam-muội, nên ở chỗ vắng lặng, bỏ các loạn ý, buộc tâm nơi Phật lý, tưởng niệm một Đức Phật, được đại biện tài.
Kinh Văn-Thù Bát-Nhã

Nguồn : Vutruhuyenbi.com
 

Cục Bột

Administrator
Staff member
CHƯƠNG III
SÁM HỐI

Gây điều ác rất nặng, hối lỗi lần mòn mỏng, thường hối chẳng trễ nãi, nhổ hẳn được gốc tội.
Kinh Tăng nhứt A-Hàm

Người có nhiều lỗi, mà chẳng tự hối, mau dứt lòng ác, tội dồn đến thân, như nước về biển, lần thành sâu rộng. Nếu người có lỗi, tự biết tội lỗi, cải ác tu thiện, tội tự tiêu dứt, như bệnh xuất hạn, lần bớt mạnh vậy.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương

Như áo bẩn trăm năm, đem ngâm một ngày, giặt là sạch sẽ. Cũng như thế đã nhóm chứa các nghiệp bất thiện lâu trăm ngàn kiếp, vì nhờ sức Phật pháp khéo thuận suy nghĩ một ngày một thời, đều tiêu diệt hết.
Kinh Đại Tập

Phạm lỗi mà chẳng phải ác, hay ăn năn làm lành, là sáng soi thế gian như mặt trời không mây.
Kinh Pháp-Cú

Tiền tâm làm ác như mây che trời, hậu tâm làm lành như đuốc tiêu tối.
Kinh Vị-Tằng-Hữu

Có tội biết quấy, cải lỗi được lành, tội ngày tiêu diệt, sau gặp được đạo.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương

Nếu người gây tội nặng, gây rồi rất tự trách, sám hối chẳng tái phạm, là nhổ được gốc tội.
Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt

Ví như có hoa vàng ngàn cân, chẳng bằng một lượng vàng thật, gây tội tuy nhiều chẳng bằng chút đức. Đối với Phật làm điều giả dối, đồng như người mù vì mình chẳng thấy, tưởng người ta cũng chẳng thấy mình làm việc ác. Cho nên đối trước Phật và đại chúng mà sám hối, vì tội vốn không có tự tánh, được gặp duyên lành quyết tiêu diệt vậy.
Kinh Niết-Bàn

Tất cả biển nghiệp chướng, đều bởi vọng tưởng sanh, nếu người muốn sám hối, vững ngồi niệm thiệt-tưởng, các tội như sương mù, huệ-nhật năng tiêu tan.
Kinh Quán Phổ Hiền

Nếu ai sám hối đúng như pháp, bao nhiêu phiền não đều tiêu trừ, in như kiếp-hỏa phá thế gian, cháy hết tu-di và đại-hải, sám hối hay đốt cháy củi phiền não, sám hối được vãng sanh đường trời; sám hối hay được vui tứ-thiền, sám hối mưa ngập ma-ni-bảo, sám hối được sống lâu Kim-cang, sám hối được vào cung thường vui, sám hối được ra ngục tam-giới, sám hối được nở hoa Bồ-đề, sám hối được Phật kiếng đại-viên, sám hối khiến người đến chỗ báu.
Kinh Tâm-Địa Quán

Người muốn sám hối phải cầu thỉnh chư Phật và tụng kinh, chăm lòng thành-khẩn và phát nguyện, nguyện cầu tiêu trừ tất cả các nghiệp chướng nơi thân và tâm, với trong mỗi niệm, các tội được tiêu trừ.
Kinh Quán Phổ Hiền

Nhờ bốn pháp hoằng-thệ, gây dựng đạo bồ-đề. Ta xưa đã gây các ác nghiệp, đều do vô thỉ tham, sân, si, từ thân, miệng, ý phát sanh ra, tất cả ta nay đều sám hối.
Kinh Hoa Nghiêm

Nguồn : Vutruhuyenbi.com
 

Cục Bột

Administrator
Staff member
PHẦN II - NGÔN HÀNH (49-51)
CHƯƠNG 1
TU-THIỆN – PHÁ ÁC.

Lời nói, việc làm, trung thực đức tin; trong, ngoài phải thuận hợp với nhau.
Kinh Vô-Lượng-Thọ

Dùng nhiều ví dụ để rộng nói ngôn-giáo.
Kinh Pháp Hoa

Kỳ-bà nói: Bề tôi nầy nghe Phật thường nói tu một niệm lành phá được trăm điều ác.
Phật dạy: Đại vương, ví như chút kim cang, có thể phá núi Tu-di; cũng như lửa có thể đốt cháy tất cả; như chút thuốc độc, có thể hại mạng chúng sanh. Chút lành cũng vậy. Tuy gọi là chút lành, kỳ thật là lớn, vì sao vậy? Vì có thể phá đại ác vậy.
Đừng khinh ác nhỏ cho là không tội, giọt nước tuy ít chứa dồn đầy lu.
Kinh Niết-Bàn

Vững tâm chánh ý, trai-giới trong sạch trong một ngày đêm hơn ở bên cõi Vô-lượng-thọ tu hành trăm năm, sao thế? Vì bên nước Phật kia vô-vi tự nhiên nghĩa là các điều lành đều chứa nhóm, không có mảy may điều ác vậy.
Ở cõi này tu hành mười ngày đêm hơn ở các cõi nước các Đức Phật khác tu hành ngàn năm. Tại vì sao? Vì các cõi các Đức Phật kia nhiều kẻ làm lành mà ít người làm ác, phước đức tự-nhiên, không có điều kiện tạo ác vậy.
Kinh Vô-Lượng-Thọ

Đức Phật bảo vua Ba-Tư-Nặc: Hỡi Đại-vương, nay phỏng có người thân tín đến báo với nhà vua rằng có bốn núi lớn ở bốn phương sắp xập, sẽ đè hại nhân dân thì nhà vua có kế và phương sách chi để đối phó không?
Vua thưa: Thưa Thế Tôn, nếu quả có việc ấy xảy ra, thật không nơi lánh nạn. Nhưng chỉ chuyên tâm trì giới và tu bố-thí mà thôi.
Phật khen: Hay thay Đại-Vương, ý Ta nói bốn núi là muốn chỉ bốn món sanh, lão, bệnh, tử của chúng sanh. Nó thường hay đến cướp mất mạng người, làm sao chẳng tu-giới và bố-thí được.
Vua nói: Thưa Đức Thế Tôn, trì-giới và bố-thí được những quả báo gì?
Phật đáp: Sanh về cõi người hoặc cõi trời, được hưởng nhiều vui sướng.
Kinh Niết-Bàn

Rõ biết lỗi phiền não, chẳng chạy theo phiền não, hay nhẫn chịu ác khổ, chẳng sanh lòng sợ hãi, ai đủ bốn pháp này, chẳng làm điều ác, ưa tu pháp lành, phân biệt lành dữ, gần gũi chánh pháp, thương xót chúng sanh, rõ biết kiếp trước, đủ năm món này chẳng bị lay động.
Nếu nghe người chê, thì an nhẫn lòng, hoặc nghe người khen, thì nên hổ thẹn; tu đạo chẳng kiêu, thấy người chia lìa khiến họ hòa hiệp, nêu điều hay của người, che việc dở của người, đừng nói xấu của người. Đối với phiền não nên nghĩ như kẻ oán; đối với thiện pháp, nên tưởng như người thân thuộc. Tuy cúng dường cha mẹ, thầy bạn chẳng nên nhơn đó mà khởi kiêu mạn.
Kinh Ưu Bà Tắc Giới

Phật bảo Xá-Lợi-Phất: Bồ-tát đối tất cả chỗ, thà chịu mất thân mạng, xa lìa các hạnh tà dục, xa lìa lời giả dối, hai lưỡi, xa lìa lời thêu dệt, giận dữ, tà kiến, thường trọn nên hạnh trong sạch hơn hết.
Kinh Bồ-tát Chánh Pháp

Người có được hành vi công quả, chỉ bởi bỏ dục lạc thế gian mà sanh.
Kinh Tăng Nhất A-Hàm

Phước nghiệp như trái chín, chẳng phải nhờ cúng thần mà được. Duy người nào cỡi xe trì giới, được sanh trên trời. Phải biết tất cả việc do làm mà thành, chớ chẳng phải nhờ cúng cầu mà được.
Kinh Tạp Bảo Tạng

Nguồn : Vutruhuyenbi.com
 

Cục Bột

Administrator
Staff member
CHƯƠNG II - TỰ LỢI
A. - CHẾ TÂM

Đức Phật dạy: người thường bị mắt dối gạt, bị tai dối gạt, bị mũi dối gạt, bị miệng dối gạt, và bị thân dối gạt.
Kinh A-Hàm Chánh Hạnh

Nếu chuyên niệm phân biệt kỹ sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; cùng sáu cảnh trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp thì quyết chẳng đọa vào ác đạo.
Mắt xem sắc hoặc tốt hay xấu, thấy tốt thì ưa, xấu thì ghét. Tai nghe tiếng, hoặc hay hoặc dở, nghe hay là ưa, dở là ghét. Mũi, lưỡi, thân, ý cũng giống như thế.
Ví như sáu loại thú tánh tình chẳng giống nhau: nếu có người bắt các con: chó, chồn, khỉ, lươn, rắn, và chim, lấy dây trói chùm lại để một chỗ, rồi thả nó ra. Bấy giờ trong ý mỗi con muốn chạy một nơi: chó muốn chạy rong trong làng xóm; khỉ muốn chạy lên núi chiền cây trong rừng; chồn muốn chạy vào hang trong những ngôi mả xưa; lươn muốn bò xuống nước; rắn muốn bò vào hang; và chim muốn bay giữa trời hư không. Vì sáu con tánh hạnh khác nhau nên ý muốn chẳng đồng.
Lại có người cũng bắt sáu con này trói chùm để nằm chung một chỗ, chẳng cho bay chạy đi đâu cả, khi ấy mặc cho chúng cựa quậy giẫy dụa, nhưng chẳng xa lìa chỗ nằm.
Sáu tình thức của người cũng giống như thế; nó đều có chỗ sở thứ riêng nên công dụng chẳng đồng, chỗ nhận thấy có khác, có tốt có xấu. Khi ấy các Tỳ-kheo trói buộc sáu tình thức để chung một nơi. Vậy nên các Tỳ-kheo phải tinh tấn tu niệm chẳng cho tâm ý rối loạn. Bấy giờ tệ-ma Ba-tuần có muốn quấy rối cũng chẳng làm gì được. Do đó các công đức lành thảy đều trọn nên.
Kinh Tăng Nhất A-Hàm

Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, có một người Đạo-nhơn ở gốc cây bên sông học đạo trong khoảng 12 năm ròng mà chẳng trừ được lòng tham dục; tâm ý thường chạy tán loạn, cứ nhớ năm món dục, liền suy nghĩ mong được mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, miệng nếm vị, thân cọ xát và ý duyên pháp. Hễ thân động là ý chạy, không có chút yên nghỉ.
Khi ấy, Đức Phật quán biết kẻ Đạo-nhơn kia đã đến lúc độ được, nên Ngài liền đi đến nơi gốc cây nọ cùng với ông ta ngủ lại một đêm. Trong giây lát có con rùa từ dưới sông bò lên đi đến gần cây, lát sau lại có con chó nước đói đang đi kiếm ăn, may gặp rùa liền muốn ăn thịt. Rùa liền thụt đầu, và bốn chân giấu kín trong mai, chó nước không thể hại được. Chó bỏ đi xa xa, rùa ta ló đầu, chân thong thả bỏ đi. Thế là chó nước chẳng làm gì được, rùa được thoát nạn.
Khi ấy Đạo-nhơn thấy vậy mới hỏi Phật rằng: có phải con rùa nó nhờ có mai hộ mạng nên chó nước chẳng ăn được không?
Phật đáp: Phải, Ngài tiếp: Ta nghĩ người đời chẳng bằng rùa nầy. Họ chẳng biết vô thường buông lung sáu tình nên bị ngoại ma làm hại. Khi mà thân hình nầy hư hoại, thần thức xa lìa, sanh tử không ngằn; ấy đâu chẳng phải đều bởi tâm ý gây nên. Cho nên tự phải cố gắng siêng năng cầu an vui diệt độ. Nhơn đó Phật liền nói kệ tóm tắt:
Giấu căn như rùa, phòng ý như thành, chiến với ma dữ, không lo bại trận.
Kinh Pháp-Cú

Năm căn tâm làm chủ. Nên các người phải khép ngăn ngừa; tâm là đáng sợ hơn hết, sợ hơn rắn độc, ác thú, giặc cướp và lửa dữ.
Đức Phật dạy: Này các Tỳ-kheo! Đã được an trụ giới pháp, phải ngăn ngừa năm căn, chớ cho buông lung vào nơi ngũ dục. Ví như người chăn trâu cầm gậy chăn giữ chẳng cho buông lung ăn hại mạ người; nếu thả năm căn chẳng những chỉ năm dục không bờ mé khôn ngằn. Cũng như ngựa dữ; chẳng dùng giây cương, nó sẽ lôi người sa vào hầm hố. Lại như bị cướp hại, khổ chỉ một đời, giặc hại năm căn, khổ lụy nhiều kiếp, bị hại rất nặng lẽ nào chẳng cẩn thận lắm thay. Vậy nên người trí ngăn mà chẳng theo, giữ như giữ giặc chẳng cho chạy rong. Nếu sẩy chạy rong trong chừng giây lát liền thấy tai hại. Trong năm căn nầy, tâm làm chủ, vậy nên các người phải khéo chế phục.
Kinh Di-Giáo

Đức Phật bảo các Sa-môn rằng: cẩn thận chớ vội tin ý người, ý thức quyết chẳng khá tin.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương

Động tác của thân đều do tâm mà khởi, cho nên trước phải điều khiển tâm, chớ khổ lo nơi thân, vì thân không tri giác như cây đá, tại sao cứ theo tâm mà làm khổ thân?
Kinh Phật Bổn-Hạnh

Người nào tâm buông lung sao không khỏi ăn năn? Tội lỗi tâm buông lung nặng hơn núi Tu-di.
Kinh Nhẫn-Nhục

Cất trăm ngôi chùa Phật, chẳng bằng cứu sống một người, cứu sống người khắp mười phương thiên-hạ, chẳng bằng một ngày tu tâm.
Kinh Ma-Ý

Thà tự mổ bụng chẻ xương, quyết chẳng theo tâm làm ác. Duy có lực-sĩ mới chẳng bị nhiều sức mạnh khác. Ai tự mình tu tâm được, thì hơn kẻ lực-sĩ kia. Phật phấn đấu với tâm đã bao kiếp nhiều không kể xiết, chẳng dám theo tâm, đem hết sức mạnh tu hạnh tinh tấn mà tự thành Phật vậy.
Kinh Niết-Bàn

Phải tự quyết đoán, thẳng thân chánh hạnh, làm nhiều điều lành, tu mình sạch thân, rửa trừ lòng nhơ, nói, làm trung tín, trong ngoài hợp nhau, khéo hay tự độ, rồi mới cứu người, siêng năng sáng suốt cầu nguyện, chứa nhiều căn lành.
Kinh Vô-Lượng-Thọ

Ngươi chánh mắt, người chánh tai, người chánh mũi, người chánh miệng, người chánh thân và người chánh ý.
Kinh Chánh Hạnh

Phật dạy: Các ngươi Tỳ-kheo, tâm dua vạy, với Đạo trái nghịch, vậy nên phải dùng tâm ngay thẳng. Phải biết tâm dua vạy chỉ để dối gạt. Người vào Đạo thời không làm vậy. Vậy nên các người hãy dùng tâm đoan chánh ngay thẳng làm gốc.
Kinh Di-Giáo

Ví như quân ra trận, đông hàng trăm vạn nhờ các vị danh tướng mà thắng địch; kể Đạo-nhơn uốn dẹp tâm ý, phụng Đạo tu pháp, thuận tu giới cấm, thân ý trong sạch, thi ân bố đức, trừ bỏ giận dữ, kiêu sa, tranh cãi, chuyên tinh tu Đạo, giống như những vị danh-tướng điều khiển binh cơ.
Kinh Tứ Tự Xâm

Một lòng ngăn ý, vững thân chánh hành, siêng làm việc lành, chẳng bị điều ác, siêng mình độ thoát, được nhiều phước đức.
Kinh Vô-Lượng-Thọ

Ngồi giữa đám đông, chẳng hổ với người, được nhiều người trọng kính là nhờ tâm mình trong sạch ngay thẳng vậy.
Kinh Chánh Hạnh

Thí dụ một người có bốn bà vợ; bà thứ nhất được chồng mến yêu, đi đứng nằm ngồi làm lụng nghỉ ngơi không hề rời nhau; ăn uống, đồ mặc thường được chồng sắm sửa cho trước hết; lạnh nóng đói khát, xem sóc tùy thời, chìu theo ý muốn của vợ, chưa bao giờ cùng nhau cãi miệng.
Người vợ thứ hai, đi ngồi nói năng, thường ở hai bên tả hữu, chồng gặp thì vui, xa chút thì buồn.
Bà vợ thứ ba, thỉnh thoảng gặp nhau, khốn đốn cùng cực mới nghĩ đến nhau.
Người vợ thứ tư, bị chồng sai sử phục vụ có việc thì đến, mà chưa từng săn sóc giúp đỡ, thường hay bỏ qua.
Đến khi người chồng sắp chết, kêu vợ thứ nhất bảo: ngươi phải đi theo ta đi: Vợ trả lời: tôi không thể đi theo anh được. Chồng nói: Ta rất yêu mến ngươi, thường chìu thuận theo ý muốn của ngươi, tại sao chẳng đi theo ta? Vợ nói: Anh tuy có lòng yêu mến tôi thật, nhưng tôi không thể nào đi theo anh được mà.
Chồng liền kêu bà thứ hai bảo: Mình đi theo tôi đi? Vợ đáp: Anh yêu mến chị cả sao không bắt chị ấy đi theo anh, tôi đâu có đi theo anh được. Chồng buộc: Ta ngày trước tìm ngươi khổ thật không thể tả: Chịu lạnh, chịu nóng, chịu đói khát… nay sao chẳng chịu đi theo ta? Bà ta nói: Bởi lòng anh tham dục mới cố gắng tìm cầu đến tôi, chớ tôi đâu có cần anh, nay anh sao lại đem việc gian khổ mà bảo với tôi?.
Anh lại kêu vợ thứ ba mà rằng: Mình nên đi theo tôi đi. Vợ nói: Tôi đã chịu ơn huệ của anh, nay anh đến phút cuối cùng… tôi xin tiễn đưa anh đến ngoài thành mà thôi, chớ chắc không thể đi xa hơn đến chỗ anh ở được.
Sau cùng chàng kêu vợ thứ tư nói: Thôi, mình đi theo ta đi. Chị trả lời: Tôi đã xa lìa cha mẹ tôi đến đây hầu hạ anh, để anh sai khiến… thì việc chết, sống, khổ vui phải có mặt với nhau. Giờ đây tôi xin theo anh đi cho đến chỗ.
Ba người trước là những người thích hợp với ý chồng mà không thể đi theo được; duy nhất người thứ tư khổ cực, xấu xí, chẳng hợp ý chồng lại chịu đi theo.
Đức Phật nói: Bốn thí dụ trên, vợ thứ nhất dụ cho thân người. Người đời ưa mến xác thân hơn con vợ cả, nhưng đến khi chết nó nằm trơ dưới đất, chẳng chịu đi theo. Vợ thứ hai dụ cho của cải. Khi được thì vui, chẳng được thì buồn, đến khi chết của cải hoàn lại cho đời, nào có chịu đi theo. Vợ thứ ba là dụ cho cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè và tôi tớ. Lúc sanh thời lấy ân nghĩa, tình ái cùng nhau tưởng mến, đến khi chết, họ chỉ khóc lóc lấy sa lệ tiễn đưa tới ngoài thành – nghĩa địa – là cùng. Rồi từ giã người chết, ai về nhà nấy; thương nhớ có lâu lắm cũng không quá mười ngày, rồi nhóm nhau ăn uống quên mất người chết.


Nguồn : vutruhuyenbi.com
 

Cục Bột

Administrator
Staff member
Vợ thứ tư dụ cho chính là tâm ý của con người. Trong thiên hạ ai mà không có tự ái bảo thủ ý mình; buông tâm thả ý, tham dục, giận dữ, chẳng tin chánh đạo. Đến khi chết, chỉ có tâm ý chịu đi theo, để phải đọa vào ác đạo. Cho nên phải tự mình thẳng tâm chánh ý.
Kinh A-Hàm

Tâm ý vốn sạch, bị lỗi làm dơ, lấy nước trí huệ rửa trừ tâm dơ.
Kinh Văn Thù Sư Lợi Vấn

Người rèn sắt bỏ sét (rỉ) làm thành món đồ. Đồ ấy được tinh xảo. Người ưa học Đạo, bỏ tâm nhơ bẩn, hạnh liền trong sạch.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương

Ác do tâm sanh, trở lại hại tâm; sắt hay sanh sét (rỉ), sét lại tiêu sắt.
Kinh Bột

Như người chầm chậm, thong thả, tinh tiến, rửa trừ tâm dơ, như thợ luyện vàng; ác do tâm sanh, lại hại tự thân, như sắt sanh sét trở lại ăn sắt.
Kinh Pháp-Cú

Nước Ba-Tư-Nại có một cư sĩ tên là Cúc-Đề, sanh hạ một trai tên là Ưu-Bà Cúc-Đề. Khi đã trưởng thành, vì nhà nghèo nên làm nghề nấu nướng. Người cha cho của cải khiến mở tiệm buôn bán. Bấy giờ có ngài La-Hán tên Đa-Thế-Bệ, đến nhà thuyết pháp giáo hóa, dạy tu phép kể niệm: lấy một mớ đá đen, trắng làm cái bàn toán. Hễ nghĩ một niệm lành thì hạ xuống một hòn đá trắng, mà nghĩ một niệm ác thì hạ xuống một hòn đá đen.
Ưu-Bà-Cúc-Đề vâng theo lời dạy. Tùy niệm thiện, ác, chính lúc khởi lên, liền hạ xuống một hòn đá trắng hoặc đen. Ban đầu đen nhiều hơn, trắng rất ít; dần dần tu tập, đen trắng ngang nhau. Rồi chăm tu chẳng gián đoạn thì hẳn không có hòn đen nào cả, mà chỉ toàn hòn trắng. Khi ấy niệm thiện đã thắng hẳn liền chứng được Sơ quả.
Kinh Hiền Ngu

Người hàng phục ý mình không nổi, lại muốn hàng phục ý người khác. Phải hàng phục ý mình trước đã, mới có thể hàng phục được ý người.
Kinh Tam Huệ

Người trí lấy huệ luyện tâm, tìm xét các lỗi, như kim khí còn quặng luyện vài trăm lần mới thành vàng ròng; cũng như biển cả ngày đêm sôi động mới có ngọc báu. Người cũng như vậy, tu tâm đêm ngày chẳng dứt, mới chứng được đạo quả.
Kinh Xuất Diệu
(còn tiếp)

Nguồn : www.vutruhuyenbi.com
 
Bên trên