Bí ẩn của Tình yêu

TDH

Thành viên chính thức
Dù nhà thơ Xuân Diệu có cho rằng tình yêu là cái gì đó khó xác định (Đố ai định nghĩa được tình yêu/ nó chiếm hồn ta một buổi chiều/bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu...) nhưng từ điển Oxford English thì vẫn đưa ra định nghĩa sau: cảm xúc say đắm mạnh hay có những tình cảm với một người hay một vật gì đó tức là yêu. Không dừng lại ở đó, nhiều định nghĩa khác về tình yêu vẫn tiếp tục được đưa ra và còn phân biệt nhiều loại tình yêu (với Chúa, giữa cha/mẹ và con, giữa anh chị em...) nhưng tình yêu đam mê giữa nam nữ mới là trung tâm của nhiều sự bàn luận.

TRONG CON MẮT NHÀ KHOA HỌC, TÌNH YÊU LÀ CHUỖI PHẢN ỨNG HÓA HỌC

Vì sao người ta yêu, vì sao đam mê và tại sao có sự ham muốn mạnh mẽ giữa 2 cá thể đôi khi được gọi là “hóa học” tình yêu vẫn là những vấn đề làm cho giới khoa học trăn trở. Trong thực tế, có 3 giai đoạn rõ rệt của tình yêu, với những đặc tính riêng về cảm xúc và được lý giải dựa trên những phát hiện khoa học.

Trước tiên là giai đoạn thèm muốn: Do 2 hoóc-môn testosterone và estrogen chi phối, những hoóc-môn làm cho con người mất khả năng kiềm chế bản thân. Tiếp theo là giai đoạn bị thu hút mạnh hay thường gọi là “tiếng sét ái tình”, giai đoạn này làm cho người mất ăn, mất ngủ, ngơ ngẩn và dễ nhận ra là kẻ đang yêu. Các nhà nghiên cứu nhận thấy đáp ứng sinh lý của trạng thái yêu làm cho mồ hôi tay tiết ra nhiều, nói năng lúng búng, suy nghĩ vẩn vơ, bụng dạ cồn cào...tất cả là do tác dụng của các chất hóa học trong não tiết ra mang tên chung là monoamine như dopamin, norepinephrine và serotonin. Norepinephrine và serotonine gây hưng phấn còn dopamin tạo ra cảm giác hạnh phúc. Những hóa chất tình yêu này do một chất có trong sôcôla và trong dâu tây chi phối, đó là PEA hay phenylethylamine và chính PEA kiểm soát sự chuyển từ giai đoạn thèm muốn sang giai đoạn yêu. PEA có cấu trúc hóa học tương tự như amphetamin, tạo ra cảm giác hưng phấn, vì thế mà một số người đã trở thành nghiện hay đam mê tình yêu. Những người này luôn cần có tình yêu mãnh liệt, suốt đời theo đuổi hết cuộc tình này đến cuộc tình khác, mỗi khi một cuộc tình tan vỡ là khi PEA không còn giữ được ở nồng độ cao nữa. Vấn đề mà những người nghiện tình yêu phải đối diện là cơ thể cuối cùng cũng quen với hóa chất thần kinh PEA và luôn cần tăng liều lượng (giống như những người nghiện ma túy). Khi cuộc tình trở nên nhàm chán chính là lúc cơ thể không thể sản xuất thêm PEA để duy trì trạng thái hưng phấn. Nếu đã có gia đình thì những người này vẫn thích đi tim kiếm những cuộc vui bên ngoài để tiếp sức cho nhu cầu phải có một tình yêu ở cường độ cao.

Giai đoạn 3 của tình yêu làm cho 2 người yêu gắn bó với nhau và có vai trò của 2 hoóc-môn quan trọng. Một là oxytocin được xem là hóa chất của sự tình cảm âu yếm, không những làm tăng thêm sự gắn bó giữa đôi bạn tình mà còn là một trong những hóa chất có tác dụng gây co bóp tử cung khi sinh đẻ, gây tiết sữa khi nuôi con và cả 2 giới đều tiết ra khi đạt được khoái cực trong quan hệ tình dục. Chuyện phòng the của đôi bạn tình cần thiết vì là yếu tố để tăng thêm sự bền chặt. Hoóc-môn thứ hai là vasopressin, được xem là hóa chất giúp cho mối quan hệ chung thủy (một vợ một chồng). Chỉ có khoảng 3% trong số động vật có vú thuộc loài sống có đôi với nhau suốt đời. Rất tiếc là loài người không thuộc số này nhưng may mắn là loài chuột đồng đã cung cấp thêm những bằng chứng về tác dụng của vasopressin. Quan sát chuột đồng đực trước và sau khi nó đã cặp đôi với con cái, các nhà khoa học đã nghiên cứu vai trò của vasopressin trong cuộc sống ghép đôi suốt đời của loài chuột đồng. Trước khi cặp đôi, chuột đồng đực có hành vi thân thiện như nhau với các con đực hay cái nhưng chỉ 24 giờ sau khi đã cặp đôi, con đực đã bảo vệ bạn tình như một vật sở hữu riêng vì vasopressin tiết ra khi giao cấu đã tạo ra hành vi đó. Chuột đồng đực cũng đam mê giao cấu hơn mức cần thiết để duy trì nòi giống vì vasopressin (và cả oxytocin) đã gây ra sự gắn bó mạnh giữa chúng. Nếu cho vào cơ thể chuột chất ức chế tác dụng của vasopressin thì chuột đồng đực cũng mất đi sự đam mê giao cấu và sự hăm hở bảo vệ con cái khi bị những con đực khác ve vãn. Từ kết quả quan sát đó, loài người đã rút ra được điều gì, liệu có phải một số người đã bị giảm nồng độ vasopressin nên hờ hững với bạn tình? Chất endorphin cũng tham gia vào sự bền chặt của tình yêu, có tác dụng giảm đau và tạo cảm giác dễ chịu như morphin (có trong thuốc phiện) nhưng lại không có nguy cơ gây quá liều.

QUAN NIỆM VỀ TÌNH YÊU QUA CÁC THỜI ĐẠI

Thời Hy Lạp cổ đại, tình yêu bao hàm nội dung ham muốn giới tính. Eros, thần tình yêu của người Hy Lạp, được mô tả là là một nam thần đẹp nhất trong số các vị thần bất tử, mạnh mẽ, cao cả và thông thái nhất. Người Hy Lạp cổ đại không chỉ đam mê mà còn có nhiều khám phá về tình dục. Nhưng nền văn minh Hy Lạp đã từ bỏ chủ nghĩa khoái lạc để chuyển sang chủ nghĩa khắc kỷ (không ăn thịt, không uống rượu, không sắc dục) từ trước khi đạo Cơ Đốc ra đời. Ý thức hệ mới của người Hy Lạp thời Platon (hiền triết Hy Lạp cổ đại 427 - 347 trước CN) là tôn thờ sự thanh tịnh, sự tiết độ và chỉ có tình yêu đồng loại mới là cao quý - được xếp cao hơn tình yêu dục vọng, coi dục vọng thể xác và lòng vị tha không thể đồng hành. Đến giai đoạn xế chiều của thời kỳ Trung cổ thì Nhà thờ Cơ đốc dựa trên những lời dạy của thánh Paul đã chính thức phân biệt tình yêu thể chất với tình yêu tâm linh (hay tinh thần). Tình yêu phàm tục, với dục vọng và nhu cầu cá nhân bị coi thường, sự trinh tiết và thanh khiết còn được tôn vinh hơn cả hôn nhân. Thời Trung cổ cũng ra đời khái niệm tình yêu thanh lịch (amour courtois) với dấu ấn còn để lại là bức tranh thảm từ thế kỷ 16 mô tả một anh chàng si tình đang đọc thơ cho người phụ nữ anh ta say mê nghe trong khung cảnh một khu vườn. Thế nhưng từ xa xưa, triết lý phương Đông đã thừa nhận vai trò quan trọng của tình yêu trong sự cân bằng của cuộc sống con người và hạnh phúc tinh thần. Một số đền thờ của người Hindu trang trí bằng những bức tượng rất gợi dục về Krishna và cô gái hầu Radha.

Thời kỳ Phục hưng với trào lưu nhân văn mới, tình yêu thể chất và tình yêu tinh thần không còn đối nghịch và các nghệ sĩ đã thể hiện tình yêu với rất nhiều ngẫu hứng. Trên một bức họa thế kỷ 15 mô tả sự đắc thắng của thần Vệ nữ vì có đến 6 người tình huyền thoại theo đuổi.

Ngày nay, người ta coi tình yêu dục vọng và tình yêu tinh thần không những có thể bổ sung, bù đắp mà còn có thể tạo ra nhau nữa. Bức tranh của Titien từ năm 1515 về chủ đề tình yêu thiêng liêng và tình yêu phàm tục thể hiện niềm tin thời trung cổ, coi trọng sức mạnh của dục vọng và tình yêu dục vọng tiềm ẩn sẽ đến như một sự tất yếu.

Chưa bao giờ tình yêu lại tự do như hiện nay, gần như thoát khỏi mọi sự ràng buộc của phong tục, đạo đức, pháp luật hay tôn giáo nhưng không phải vì thế mà ngày nay người ta dễ yêu nhau hơn hay không còn tình yêu đam mê, mãnh liệt, lãng mạn. Các phương pháp tránh thai ra đời giúp tách biệt chức năng tình dục và sinh sản, kết hợp với hệ quả của cuộc cách mạng tình dục diễn ra từ những năm 60 thế kỷ trước càng làm cho tình yêu trở nên tự do hơn nhưng với những nguy cơ của đại dịch HIV/AIDS thì con người lại thận trọng hơn trong tình yêu, trong lựa chọn bạn tình và đời sống tình dục. Mặc dầu tình yêu luôn luôn là cảm xúc quan trọng, phức tạp và có nhiều bí ẩn nhất nhưng lựa chọn bạn tình (lấy vợ, lấy chồng) không còn phó mặc cho sự mách bảo của bản năng vô thức mà giới trẻ ở mọi xã hội đều đang được khuyến khích để có những quyết định có ý thức.

TÌNH YÊU VÀ TÌNH DỤC

Giữa tình yêu và tình dục có mối liên kết chặt chẽ nhưng không thể gộp làm một. Ngay từ thế kỷ thứ nhất, nhà hiền triết Hy Lạp Lucrece đã khẳng định rằng tình yêu có thể làm cho người ta quên đi khoái cảm của giác quan. Điều này càng đúng trong cuộc sống của những người có tuổi, khi suy giảm chức năng tình dục là quy luật vì nồng độ testosterone trong máu (hoóc-môn kiểm soát dục năng cho cả nam và nữ) đã giảm rất nhiều so với thời trẻ và nội hàm tình dục ở tuổi này đã mở rộng hơn nhiều, không chỉ là giao hợp.

Tình yêu thể chất về cơ bản là cơn lốc những xung động và cảm giác, trong đó có vai trò của tình dục nhưng tình dục không phải là yếu tố tối thượng và duy nhất, vì thế những cặp bạn tinh chỉ hòa hợp “trên giường” vẫn có thể không yêu nhau nữa. Đành rằng có thể có những quan hệ tình dục không có tình yêu nhưng dục vọng thể chất đơn thuần không thể đem lại những cảm xúc rào rạt, nồng nhiệt và ngọt ngào như tình yêu đích thực.

Tình yêu bí ẩn vì “nó có lí lẽ riêng mà những lí lẽ thông thường không thể hiểu nổi” nhưng tình yêu cũng đỏng đảnh và khó tính như Simone Weil nói về cảm xúc của con người khi yêu: “Tôi muốn người tôi yêu cũng yêu tôi. Tuy nhiên nếu nàng quá tận tụy với tôi thì nàng không còn tồn tại và tôi cũng hết yêu nàng. Nếu nàng không hoàn toàn tận tụy với tôi thì có nghĩa rằng nàng cũng chẳng yêu tôi nhiều”.

CÁI GIÁ NÀO CHO TÌNH YÊU?

Liệu có thể hi sinh cho tình yêu đến mức nào? Lịch sử văn học và cuộc đời đã cung cấp rất nhiều bằng chứng về những mối tình đẹp đáng được ca ngợi, những tấm gương sáng về lòng chung thủy, dũng cảm và sự hi sinh, có khi sẵn sàng hi sinh cả cuộc sống của mình vì tình yêu, xuất phát từ một động cơ cao cả và chính đáng. Nhưng trong tiểu thuyết Anna Karenina nhà văn Tolstoi nêu lên những khắc nghiệt của số phận khi người ta phải hi sinh cho tình yêu. Anna là phụ nữ đẹp, không tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống đơn điệu và tẻ nhạt với chồng nên đã say mê bá tước Vronski, một sĩ quan trẻ và quyến rũ trong quân đội Nga hoàng. Nhưng để có thể sống với người tình, Anna phải bỏ đứa con trai mà nàng yêu quý. Còn Vronski cũng phải từ bỏ binh nghiệp vì Anna và ngay lập tức phải chịu một áp lực lớn về nghĩa vụ phải duy trì một tình yêu mãnh liệt với người tình khiến chàng cảm thấy như một sự hi sinh khó bù đắp. Với kết thúc bi đát của Anna, nhà văn Tolstoi muốn nhắc nhở những người yêu nhau không nên dấn thân vào những tình yêu bế tắc đến mức phải trả giá quá đắt.

Câu chuyện về tình yêu chưa kết thúc, còn biết bao điều nữa cần bàn... nhưng xin hẹn vào một dịp khác.
BS. ĐÀO XUÂN DŨNG​
 

Kim Tứ Cục

Thành viên chính thức
Chào bạn Kim.
Dạo này vẫn khỏe chứ.
Học quẻ Dịch đến đâu rồi mà sao ít thấy bạn luận quẻ cho mọi người vậy?

éc, e có học đâu heee, hem có người dạy học loạn xà ngầu, hay anh TDH dạy e đi...Xích huynh bận bịu quá...chả hỏi han gì dc cả hờ hờ
 

TDH

Thành viên chính thức
éc, e có học đâu heee, hem có người dạy học loạn xà ngầu, hay anh TDH dạy e đi...Xích huynh bận bịu quá...chả hỏi han gì dc cả hờ hờ
TDH xem tự quẻ còn chưa xong, đâu có tuổi gì đi dạy người khác chứ :rolleyes:

Bạn nhờ Xích huynh là tìm đúng người rồi, TDH hiếm thấy người nào có nhiệt tình như huynh ấy. (Zậy nên có việc gì nhờ huynh Xích cứ giục thật nhiều vào :))
 
Bên trên